Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư chiến thắng bệnh tật

CN. Ngô Thị Trang Thanh – Nhân viên Phòng Truyền thông – Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2021 có khoảng 20 triệu bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư và gần 10 triệu ca tử vong do biến chứng của bệnh. So với năm 2018, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng 9 bậc (xếp hạng 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong tăng 6 bậc (xếp hạng 50/185 quốc gia)*.

Đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo này, bệnh nhân phải chịu đựng nỗi đau cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Với những ai vốn đang phải vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền hàng ngày, việc được chẩn đoán mắc ung thư được họ nhìn nhận như dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Quá nhiều nỗi lo về cuộc sống, về chi phí chữa bệnh, làm sao đủ nghị lực, niềm tin để kiên trì sống tiếp?

Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật tất yếu của cuộc sống. Mỗi bệnh nhân đến với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Hưng là mỗi hoàn cảnh với khó khăn, trăn trở khác nhau. Hơn ai hết, người làm công tác xã hội (CTXH) chúng tôi luôn mong được sẻ chia nhiều hơn qua những phương án hỗ trợ tốt nhất để thắp lên ngọn lửa hy vọng, tiếp sức giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật, trong đó có cả những mảnh đời bất hạnh – mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.

Sợ mình là gánh nặng: “Đủ khổ rồi, tôi không muốn gia đình phải thêm khổ…”

Chú Xuân (71 tuổi) là lao động nghèo, cuộc sống hai vợ chồng chỉ trông cậy vào số tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng. Rồi chú trở bệnh, cô kể, đêm nào cũng đau dữ dội nhưng chú vẫn không chịu đi viện: “Nhà khổ quá rồi nên bớt được cái gì thì bớt bà ơi…”

Đến khi chịu không nổi, đến Bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán ung thư dạ dày, bác sĩ báo cần thực hiện mổ gấp, chú vẫn kiên quyết đòi về.

Thương hai vợ chồng già, phòng CTXH chúng tôi cùng các y bác sĩ vẫn ngày ngày thay phiên ghé thăm, tích cực thuyết phục chú ở lại phẫu thuật và hỗ trợ gia đình một phần viện phí để chú an tâm điều trị. Ngày nhận được cái gật đầu đồng ý ở lại của chú, cảm nhận cái nắm chặt siết chặt, ánh mắt rưng rưng thay lời cám ơn từ cô mà không ai trong chúng tôi không khỏi mừng rỡ xen lẫn xót xa… 

Dành cả gia tài quyết tâm chạy chữa cho vợ: “Vợ chồng tui cùng đường rồi…”

Gia đình anh Dân – chị Rơi vốn cũng không khá giả nhưng nhờ cần cù nên vẫn đủ ăn. Biến cố bất ngờ ập đến vào ngày chị mắc căn bệnh ung thư đại tràng; anh phải vất vả chạy vay khắp nơi để kiếm tiền chữa trị.

Hôm đến thăm chị, chứng kiến anh đang ăn vội miếng cơm nguội rắc muối, chúng tôi hỏi thăm, anh nghẹn ngào: “Nhà hết sạch tiền rồi, giờ còn mỗi con bò đang chữa nhưng mai chắc tui cũng đem bán nốt để có tiền lo cho bả chứ cùng đường rồi…

Thương chị ốm đau, thương anh – người chồng luôn hết lòng vì vợ; chúng tôi bàn nhau tìm cách để có thể vừa hỗ trợ được một phần viện phí, vừa cung cấp thêm suất ăn hàng ngày để anh có sức khỏe, an tâm chăm sóc chị. Đến gửi tận tay anh số tiền hỗ trợ, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh người đàn ông da đen sạm với chiếc khẩu trang vải đã cũ sờn rách, nghẹn ngào, tay run run, rấm rứt không nói nên lời…        

 Tìm lại hy vọng sống: “Em sẽ cố gắng sống tiếp để không phụ lòng mọi người…”

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi gặp chị Hương là ở khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ, tạo nhiều thiện cảm cho người đối diện. Chị mưu sinh bằng nghề bán ve chai, chồng phụ hồ. Nhà không mấy dư dả nhưng chị vẫn tích cực tham gia nấu cơm, cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện.

Rồi chị phát bệnh, suốt 2 năm trời, những cơn đau thay phiên hành hạ chị từng ngày. Biết rõ tình trạng kinh tế gia đình eo hẹp, khi thăm khám, chị chỉ xin thuốc về uống giảm đau, số tiền nhỏ nhoi còn lại chị quyết để dành cho con ăn học. Đến cấp cứu với tình trạng đau đớn dữ dội, có dấu hiệu xuất huyết, chị vẫn muốn buông xuôi, phó mặc số phận.

Cùng với đề nghị được hỗ trợ một phần viện phí từ phòng CTXH và sự tận tình tư vấn thuyết phục từ các y bác sĩ, chị cũng dần nhẹ gánh và quyết định cho bản thân mình thêm cơ hội sống tiếp.

Ngày xuất viện, nắm chặt tay chúng tôi, chị chia sẻ: “Ơn trời, em được gặp mọi người như cái duyên. Nhờ có anh chị em Bệnh viện mà em như được sống lại lần nữa. Em sẽ cố gắng sống để không phụ lòng mọi người…” .

Vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đang ngày đêm gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng mắc ung thư vốn không phải là dấu chấm hết. Các kỹ thuật điều trị mới hiện đã mang đến kết quả tích cực và giúp nhiều bệnh nhân kéo dài sự sống.

Chung tay, đồng hành cùng từng hoàn cảnh, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều “chiến binh” hơn nữa, nhằm góp phần lan tỏa khát vọng sống mạnh mẽ trong cộng đồng bệnh nhân ung thư. 

Hạnh phúc chính là sẻ chia, với khẩu hiệu “Chia sẻ cuộc sống”, BVĐK Hồng Hưng luôn hy vọng sẽ được đóng góp và sẻ chia cùng nhiều hơn nữa những mảnh đời khó khăn.

* Nguồn:  Bộ Y tế. “Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam xếp 50/158 quốc gia”. https://moh.gov.vn. Cập nhật ngày 26/08/2022

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)