Nám da (Melasma/ Chloasma)

Nguyễn Diệp Thuỳ Dương – Giám đốc Trung tâm Da liễu – Thẩm mỹ Hồng Hưng, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Làm đẹp chính là cách để bạn thể hiện sự quan tâm và yêu thương đối với chính bản thân mình. Khi làm đẹp và biết chăm sóc, yêu thương bản thân, bạn sẽ thấy bản thân có giá trị hơn, tự tin hơn, đồng thời việc giao tiếp với mọi người cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong tất cả các vấn đề liên quan đến tính thẩm mỹ của con người, nám da là tình trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng nhiều nhất đến bề ngoài cũng như tâm lý của người mắc phải. Hãy cùng Trung tâm Da Liễu – Thẩm Mỹ Hồng Hưng tìm hiểu về nám da và các phương pháp điều trị bạn nhé!

Nám da là gì?

Nám da (Melasma hoặc Chloasma) là rối loạn sắc tố da mắc phải, biểu hiện bởi những dát, giới hạn không rõ, nâu nhạt đến nâu đậm, tập trung chủ yếu ở gò má, trán, mũi, môi trên, cằm.

Cơ chế hình thành nám da

Da được cấu tạo bởi 3 lớp: thượng bì, trung bì và hạ bì. Trong đó, lớp thượng bì chứa tế bào sắc tố (melanocyte). Sắc tố (melanin) được tổng hợp dần qua 4 giai đoạn phát triển của hạt bào quan melanosome nằm trong bào tương của tế bào melanocyte. Mục đích của quá trình hình thành melanin là để bảo vệ lớp dưới trung bì và hạ bì khỏi bị tổn thương bởi bức xạ tia cực tím (UV). Tuy nhiên, nếu melanin được sản xuất quá mức, chúng sẽ tích tụ và tập trung lại trên cùng một vùng da, hiện tượng đó gọi là nám da.

Nám da có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới, nhưng phổ biến hơn ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nám da có thể xảy ra ở mọi loại da, thường gặp nhất ở tuýp da tối màu.

Nguyên nhân dẫn đến nám da

Nám da là bệnh lý khá phổ biến, nguyên nhân phức tạp từ những yếu tố tác động bên ngoài lẫn bên trong cơ thể.

  • Tiếp xúc ánh nắng mặt trời là yếu tố chủ yếu gây nám da. Tia UVA, UVB trong ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp tới vùng da mặt, kích thích quá trình sản sinh các hắc tố melanin;
  • Tần suất nám da cao ở những người có tiền căn gia đình bị nám da cho thấy nám da có yếu tố di truyền;
  • Sự thay đổi nội tiết tố (Hormone): trong thai kỳ, sử dụng thuốc ngừa thai… chế độ sinh hoạt như mất ngủ, thức khuya làm tế bào da không được nghỉ ngơi, ăn uống nhiều dầu mỡ, thiếu chất dẫn đến da xỉn màu…
  • Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không an toàn khiến da tổn thương.

Phân loại nám da

Phân loại nám da đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho bác sĩ lâm sàng quyết định đưa ra kế hoạch điều trị và dự đoán kết quả có thể đạt được. Nám da được phân loại theo vị trí và độ sâu của sắc tố melanin. Thông qua chiếu đèn Wood phát ra ánh sáng đen có thể được sử dụng để xác định độ sâu của sắc tố. Có 3 loại:

  • Nám thượng bì: màu nâu nhạt, viền rõ và tương phản mạnh khi soi đèn Wood (phát quang), thường đáp ứng tốt với điều trị;
  • Nám trung bì: màu xám hoặc ngả xanh, viền mờ, ít tương phản hơn khi soi đèn Wood (không phát quang), thường không đáp ứng với điều trị;
  • Nám hỗn hợp: kết hợp nám thượng bì và nám trung bì có cả vùng đậm màu vừa có vùng không đậm màu hơn sau khi chiếu đèn.

Với những người có tuýp da tối màu, thì nám của họ không thể phân biệt được khi soi đèn Wood, do đó, những người này sẽ được phân loại là nám không xác định. Hầu hết các bệnh nhân có dạng nám là hỗn hợp của các phân loại trên.

Các phương pháp điều trị

Trong quá trình điều trị nám da, thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, có thể kết hợp các thủ thuật can thiệp để tăng hiệu quả điều trị hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém. Các thủ thuật phải kể đến là thay da bằng hóa chất, laser, ánh sáng xung cường độ cao (IPL).

Chống nắng hiệu quả

Việc sử dụng kem chống nắng là rất quan trọng trong suốt quá trình điều trị và sau điều trị để ngăn ngừa tăng sắc tố và tái phát nám. Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng chống tia UVA, UVB với các chất ngăn chặn vật lý như ZnO và TiO2 (SPF>30 trở lên) để che phủ các khu vực bị ảnh hưởng. Thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng, lặp lại sau mỗi 2-3 giờ. Có thể kết hợp với viên uống chống nắng. Tránh tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, mặc quần dài, áo tay dài, nón rộng vành, kính mát, khẩu trang che mặt…

Sử dụng thuốc thoa

Các hoạt chất hay được dùng như Hydroquinol, Azelaic acid, Arbutin & Deoxyarbutin, Kojic acid, Niacinamide, Vitamin C, Retinoid, Tretinoin, Glycolic acid…. Những loại thuốc này ức chế quá trình tổng hợp melanin.

Sử dụng thuốc uống

Thuốc uống có thành phần chống oxi hóa: Vitamin C, E, A, Glutathione, L-cysteine… làm mờ vùng da bị xỉn màu, ngăn ngừa sự tích tụ các hắc tố melanin.

Mesotherapy

Đây là phương pháp trị liệu sử dụng những lượng nhỏ thuốc tiêm trực tiếp vào trong da, nhằm kích thích sinh học, đáp ứng điều trị mong muốn. Ưu điểm của phương pháp này là các dưỡng chất được đưa đến trực tiếp mô đích, giúp loại bỏ và ngăn chặn sự hình thành các sắc tố da mà các hoạt chất của mỹ phẩm thông thường không làm được.

Thay da bằng hóa chất (chemical peels), laser và ánh sáng

Thay da bằng hóa chất gây ra hiện tượng tẩy da chết có kiểm soát, tái tạo bề mặt, có thể cải thiện nám da bằng cách lấy đi các melanin. Tuy nhiên, nó có thể gây kích ứng, từ đó dẫn đến tình trạng tăng sắc số sau viêm, thường gặp ở bệnh nhân có làn da sậm màu.

Các hóa chất điều trị thường gặp: Glycolic acid 20 – 70%, Salicylic acid 20 – 30%, Trichloracetic 10 – 35%, Jessner’s solution, Lactic acid 92%…

Laser và ánh sáng xung cường độ cao (IPL) là phương pháp điều trị nám hiệu quả, tia laser bị hấp thu bởi các sắc tố tạo hiệu ứng quang cơ, phá vỡ chúng thành những hạt li ti, giúp các đại thực bào dễ dàng chuyển hóa và đào thải khỏi cơ thể nhanh chóng. Các loại laser thường được sử dụng: Laser Q-switched Nd: YAG 1064nm/Laser Fractional.

KẾT LUẬN

Điều trị nám da có nhiều sự lựa chọn điều trị như thuốc bôi, thuốc uống, các thủ thuật can thiệp. Tùy thuộc từng loại nám da, khả năng đáp ứng điều trị, bạn cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, bạn cần phải kiên trì, duy trì các chế độ chăm sóc da, sinh hoạt (ăn uống, nghỉ ngơi…) phù hợp, giảm stress, tránh nắng và chống nắng tuyệt đối.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ball Arefiev KL, Hantash BM (2012), “Advances in the treatment: of melasma a review of the recent literature”. Dermatol Surg, 38(7Pt 1), pp.971-984
  2. Krupa Shankar et al (2014), “Evidence-Based Treatment for Melasma: Expert Opinion and a Review”. Dermatol Ther (Heidelb), 4, pp.165-186.
  3. Tạp chí chuyên khoa về Bệnh lý Da liễu: https://tapchidalieu.com/chan-doan-nam-da-o-nguoi-da-sam-mau/.