Tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư vú

BS. Đặng Tiến Dũng

Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát – Tiết niệu – Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Phát biểu tại buổi lễ phát động Chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú năm 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của ghi nhận ung thư năm 2020, mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8 % tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Đáng lo ngại hơn, tại Việt Nam hiện nay, độ tuổi mắc ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hơn nữa, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm ung thư vú”.

Một nghiên cứu của tác giả Trieu Phuong Dung và cộng sự đăng trên tạp chí Cancer Biology & Medicine (2015): một tỷ lệ lớn bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển của bệnh và có tới 25% có di căn xa khi được phát hiện. Tác giả cũng ghi nhận phụ nữ từ 45-55 tuổi có tần suất mắc ung thư vú cao nhất.

Chụp nhũ ảnh là chụp quang tuyến vú với liều tia X thấp. Chụp nhũ ảnh với độ nhạy khá cao (60%-80%) và độ đặc hiệu (73%-95%) đã được coi là một phương thức đáng tin cậy trong việc phát hiện các tổn thương vú sớm thông qua các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như khối, vôi hóa, không đối xứng hai bên và biến dạng. Phát hiện sớm này giúp lựa chọn phương pháp điều trị dễ dàng hơn, đôi khi tránh phải phẫu thuật cắt bỏ vú hay hoá trị mà vẫn có thể khỏi bệnh.

Mặc dù hiện nay, Bộ Y tế chưa đưa ra hướng dẫn chính thức về sàng lọc ung thư vú qua chụp nhũ ảnh nhưng Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Ung thư Hoa Kỳ và hầu hết các chuyên gia đều khuyến nghị chụp nhũ ảnh thường quy, định kỳ là công cụ sàng lọc, tầm soát sớm ung thư vú. Hầu hết các khuyến cáo:

  • Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh thường xuyên 1-2 năm/lần.
  • Phụ nữ từ 50 đến 74 tuổi nên chụp nhũ ảnh 2 năm/lần.
  • Phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm sau đó giảm xuống 2 năm/lần hoặc vẫn duy trì mỗi năm một lần.

Nhóm phụ nữ có nguy cơ cao như có tổn thương vú có nguy cơ cao được chẩn đoán trước đó, có nguy cơ cao mắc ung thư vú do đột biến gen tiềm ẩn đã biết (đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 hoặc hội chứng ung thư vú gia đình) hoặc đã từng xạ trị vùng ngực khi còn trẻ nên được kiểm tra vú thường xuyên hơn. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung khi cần như siêu âm vú, MRI vú.

Một trong những bất tiện khi chụp nhũ ảnh là kỹ thuật này cần phải nén hay ép dẹp vú cho mô tuyến vú được dàn mỏng và giữ vú cố định để giúp hình ảnh được rõ nét, dễ dàng quan sát tất cả các mô. Việc nén hay ép dẹp này có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy đau hoặc khó chịu. Ngoài ra, chụp nhũ ảnh vẫn có thể không phát hiện được một số tổn thương, đặc biệt ở phụ nữ có mô tuyến vú dày.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng để sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú. Ngoài ra chụp MRI vú có thể có lợi ở những phụ nữ có đang túi ngực, nghi ngờ rò rỉ hay vỡ túi ngực, những người có mô vú rất dày mà chụp nhũ ảnh trước đó không thể phát hiện được ung thư. Chụp MRI vú có thể được kế hợp với chụp nhũ ảnh hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh vú khác nhưng vẫn không thay thế được chụp nhũ ảnh do MRI vú có thể vẫn bỏ sót một số ung thư vú mà chụp nhũ ảnh xác định được. Điều quan trọng là bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để giúp hiểu hơn về các nguy cơ của mình để chọn lựa phương pháp tầm soát phù hợp.

Siêu âm vú hiện nay không được khuyến cáo là phương tiện để tầm soát ung thư vú nhưng nó có thể hữu ích khi xem xét sự thay đổi ở vú, đặc biệt ở phụ nữ có mô vú dày. Nó cũng được sử dụng để nhìn rõ hơn vùng nghi ngờ trên chụp nhũ ảnh. Siêu âm vú cũng hữu ích khi phân biệt sự khác nhau giữa khối u dạng lỏng như u nang (rất ít khả năng là ung thư) và các khối u dạng rắn, siêu âm còn dùng để hướng dẫn kim sinh thiết đến đúng vị trí cần lấy tế bào xét nghiệm ung thư (ví dụ như kỹ thuật FNA – chọc hút tế bào bằng kim nhỏ).

Tự khám vú khám vú lâm sàng không phải là phương tiện để sàng lọc ung thư vú ở phụ nữ hụ nữ cũng nên biết cách tự khám vú để biết vú của mình lúc bình thường như thế nào và báo ngay cho bác sĩ biết khi có bất kỳ sự thay đổi. Nên tự khám vú mỗi tháng một lần, 7-10 ngày sau khi bắt đầu hành kinh (nếu bạn đã mãn kinh, có thể chọn bất kỳ ngày nào), cách khám vú được hướng dẫn từng bước trong hình 2.

Kết luận

Với thông điệp “Bưởi hay chanh, khỏe tươi xanh mới đẹp” của chương trình Chung tay vì phụ nữ tôi yêu năm 2022. Tất cả phụ nữ nên thực hiện định kỳ thói quen tầm soát ung thư vú. Mỗi phương tiện đều có ưu và nhược điểm riêng, trong đó chụp nhũ ảnh thường quy, định kỳ là công cụ sàng lọc, tầm soát sớm ung thư vú được khuyến cáo hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. American Cancer Society. Guidelines for the Early Detection of Cancer. https://www.cancer.org/healthy/find-cancer-early/american-cancer-society-guidelines-for-the-early-detection-of-cancer.
  2. Bộ Y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế dự lễ phát động Chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc phát hiện sớm thư vú năm 2022. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/thu-truong-bo-y-te-du-le-phat-ong-chien-dich-truyen-thong-va-kham-sang-loc-phat-hien-som-thu-vu-nam-2022. Truy cập ngày 18/10/2022.
  3. Trieu Phuong Dung et al. Female breast cancer in Vietnam: a comparison across Asian specific regions. Cancer Biol Med. 2015 Sep; 12(3): 238–245.
  4. SiuL et al. Screening for Breast Cancer: U.S. Preventive Services Task Force Recommendation Statement. Annals of Internal Medicine • Vol. 164 No. 4 • 16 February 2016.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)