TỔNG QUAN VỀ TÌNH DỤC Ở TUỔI MÃN KINH

BS.CKI Nguyễn Thị Thủy
Phó Khoa Sản – Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

Mọi phụ nữ đều trải qua những năm tháng tuổi trung niên một cách khác nhau. Các thay đổi xảy ra trong thời gian này bao gồm và đáng chú ý là những thay đổi về khả năng tình dục, nguyên nhân là sự kết hợp của cả hai thời kỳ mãn kinh và lão hóa.

Mãn kinh: là sự kết thúc vĩnh viễn kinh nguyệt và khả năng sinh sản, được xác định là xảy ra 12 tháng sau lần hành kinh cuối cùng. Khi mãn kinh xảy ra một cách tự nhiên (không phải do kết quả của phẫu thuật hoặc can thiệp y khoa khác) được gọi là “mãn kinh tự nhiên”. Hầu hết phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên ở độ tuổi từ 40 đến 58 tuổi, độ tuổi trung bình ở các nước phát triển là 51 tuổi.
Tiền mãn kinh: là thời kỳ chuyển tiếp ngay trước thời kỳ mãn kinh tự nhiên, ngay khi những thay đổi của thời kỳ mãn kinh bắt đầu. Tiền mãn kinh có thể kéo dài 6 năm hoặc hơn.
Hậu mãn kinh: là tất cả những năm sau thời kỳ mãn kinh.

Nguyên nhân của vấn đề tình dục

Nhiều thay đổi trong những năm dẫn đến mãn kinh (thời kỳ quanh mãn kinh – perimenopause) là sự thay đổi nồng độ các chất nội tiết được sản xuất ở buồng trứng, chủ yếu là estrogen. Sự giảm sản xuất estrogen bắt đầu từ tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tình dục như gây khô âm đạo và thiểu dưỡng âm đạo hoặc nó ảnh hưởng gián tiếp gây ra cơn nóng bừng, đổ mồ hôi đêm, đốt cháy nhiều năng lượng khiến cơ thể mệt mỏi. Kết quả là giảm ham muốn tình dục. Mặc dù không trực tiếp liên quan đến thời kỳ mãn kinh nhưng sự sụt giảm của testosterone đóng vai trò quan trọng trong ham muốn và cảm giác tình dục ở phụ nữ. Một số phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh đột ngột (do cắt hai buồng trứng hoặc do hóa trị liệu) gây giảm testosterone và estrogen đột ngột sẽ giảm ham muốn tình dục nhiều hơn ở những người phụ nữ mãn kinh tự nhiên. Nguyên nhân của sự giảm ham muốn này rất phức tạp. Nhiều nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng sự giảm ham muốn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ. Bằng chứng cho thấy rằng sự giảm ham muốn ở phụ nữ thường do nhiều yếu tố chứ không đơn thuần do giảm nội tiết tố. Các yếu tố bao gồm: vấn đề tương tác với bạn đời, vấn đề y tế, văn hóa…

Một số nguyên nhân/ yếu tố nguy cơ dẫn đến vấn đề này có thể là:

  • Viêm âm đạo: viêm âm đạo có thể do teo âm đạo có liên quan estrogen, cũng có thể được gây ra bởi một loại nấm hoặc một trong các nguyên nhân khác như: nhiễm khuẩn, kích thích từ xà phòng/ các sản phẩm dung dịch vệ sinh. Các triệu chứng bao gồm: tiết dịch âm đạo, rát, ngứa và sưng tấy âm đạo, âm hộ kèm theo tiểu đau. Khi nguyên nhân được xác định, có thể được điều trị bằng thuốc hoặc ngưng các sản phẩm gây kích ứng;
  • Co thắt âm đạo: Co thắt âm đạo liên quan đến sự co thắt không tự chủ của các cơ vùng âm đạo hoặc đáy chậu (vùng giữa âm đạo và hậu môn). Ở phụ nữ mãn kinh, co thắt âm đạo có liên quan đến sự thiếu hụt estrogen và teo âm đạo. Có thể được điều trị bằng tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu, các bài tập thư giãn âm đạo hoặc bằng thuốc;
  • Tình trạng đường niệu: bao gồm viêm bàng quang tái phát, viêm bàng quang do kích thích (hay còn gọi là HC bàng quan kích thích), viêm niệu đạo, nhạy cảm với latex của bao cao su hoặc sa bàng quang;
  • Đau âm hộ hoặc đau vùng chậu;
  • Tiểu không tự chủ hoặc són tiểu: rỉ nước tiểu trong khi giao hợp ước tính ảnh hưởng đến ¼ phụ nữ tiểu không tự chủ;
  • Nóng bừng: Nóng bừng được báo cáo xảy ra trên 75% phụ nữ tiền mãn kinh ở Hoa Kỳ. Nóng bừng thường xảy ra trong khi ngủ, kèm theo đổ mồ hôi đêm. Nóng bừng gây tác động tiêu cực chung đối với cuộc sống phụ nữ mãn kinh như gây rối loạn giấc ngủ, giảm năng lượng cơ thể, làm người phụ nữ ít muốn gần gũi hơn với bạn đời;
  • Ảnh hưởng của thuốc: gần một nửa phụ nữ Mỹ mà phần lớn trong độ tuổi tiền mãn kinh, trải qua liệu pháp điều trị ung thư vú và phụ khoa gặp một số vấn đề về tình dục lâu dài;
  • Chất lượng cuộc sống: phụ nữ có một cuộc sống không lành mạnh, đời sống kinh tế khó khăn, hút thuốc là nhiều… khi mãn kinh khả năng tình dục giảm đi một nửa.

Những vấn đề tình dục hay gặp ở tuổi mãn kinh

Tình dục ở phụ nữ thường qua 4 giai đoạn: ham muốn, kích thích, cực khoái và thư giãn. Chức năng tình dục ở tuổi mãn kinh bị ảnh hưởng thường rối loạn trong 4 giai đoạn này, chủ yếu là giảm ham muốn kết hợp với đau khi giao hợp. 

Ham muốn tình dục giảm dần theo tuổi ở cả nam giới và nữ giới. Nhưng phụ nữ bị ảnh hưởng gấp 2 – 3 lần so với nam giới. Sự thay đổi đáng chú ý đầu tiên ở phụ nữ mãn kinh là giảm độ nhờn âm đạo khi bị kích thích đều này dẫn đến giảm sự hưng phấn và không còn cảm giác ham muốn. Khoảng 17 – 45% phụ nữ mãn kinh nói rằng họ cảm thấy đau khi giao hợp.

Giải pháp cho vấn đề tình dục

Dựa theo những nguyên nhân hoặc yếu tố dẫn đến vấn đề tình dục ở tuổi mãn kinh, có nhiều chiến lược và phương pháp điều trị từ bản thân phụ nữ hoặc từ dịch vụ y tế được nghiên cứu và khuyến cáo, tuy nhiên, vẫn chưa được thống nhất để trở thành một hướng dẫn hoàn thiện.

Sức khỏe phụ nữ quanh tuổi mãn kinh là vấn đề đáng được quan tâm. Những phụ nữ này, họ cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt hơn về nhu cầu sức khỏe cũng như nhu cầu về tình dục. Cần có những chiến lược đúng đắn để cải thiện chất lượng cuộc sống ở những phụ nữ quanh tuổi mãn kinh.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2022,
Chủ đề: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
(x
em toàn bộ bản tin:  Tại đây)

Tài liệu tham khảo:

  1. Azadeh Tavoli1, Zahra Tavoli et al: “Prevalence and associated risk factors for sexual dysfunction among postmenopausal women: a study from Iran”. Tavoli et al. Women’s Midlife Health (2021) 7:10.
  2. Basson R. Is it time to move on from “hypoactive sexual desire disorder”? Menopause 2010;17:1097-1098.
  3. Jalali T, Bostani Khalesi Z, Jafarzadeh-Kenarsari F: “The Association between Sexual Self-Efficacy and the Quality of Life among Menopausal Women”. J Menopausal Med. 2021 Aug;27(2):87-93. doi: 10.6118/jmm.21006.
  4. Kimberley Thornton, MD et al: “Menopause and Sexuality”. Endocrinol Metab Clin North Am. 2015 September; 44(3): 649–661.
  5. Mona Rahnavardi,  Zahra Bostani Khalesi et al: “Effects of lifestyle on sexual function among postmenopausal women”. Afr Health Sci. 2021 Dec;21(4):1823-1829.doi: 10.4314/ahs.v21i4.40.