Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, với khoảng 10 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính và chuyển hóa như tiểu đường, tim mạch… nhưng chỉ gần 63% cụ có bảo hiểm y tế, với thu nhập trung bình chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu.
Đối với người cao tuổi neo đơn, với gia cảnh khó khăn, không con cái chăm sóc thì bên cạnh gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên vai các cụ nhiều hơn, khi mà cái ăn cái mặc còn phải chật vật lo từng bữa, thì đâu ra tiền thuốc thang, trị bệnh…
Đơn cử có thể kể đến hoàn cảnh các cô chú sau đây:
* Bệnh nhân: D.Quách – 53 tuổi, ngụ Châu Thành, là người dân tộc, không nói được nhiều tiếng Kinh. Cô Quách lớn tuổi, với nhiều bệnh nền, từ lâu đã không còn khả năng lao động do thiếu ăn, dẫn đến thiếu chất, ốm yếu, suy kiệt.
Cô sống cùng người con gái và đứa cháu ngoại 5 tuổi. Con gái cô vốn là công nhân, là lao động chính trong nhà, nuôi 3 miệng ăn nhưng do dịch bệnh không đi làm được nên mất nguồn thu nhập suốt mấy tháng trời.
Ngày nhập viện, cô ói ra máu liên tục và được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên, loét dạ dày tá tràng cùng với bệnh tim và thiếu máu cục bộ. Lưu viện hơn 4 ngày, 2 mẹ con cô chỉ dám chia nhau một phần cơm bệnh viện, được các bệnh nhân khác cùng phòng giúp đỡ mua giúp cơm ăn qua ngày.
* Bệnh nhân: Cao Văn Ngất – 59 tuổi, ngụ Hoà Thành do bệnh nên mất sức lao động đã mấy năm nay, vợ chú cũng bệnh tai biến, mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào anh con trai duy nhất, vốn làm nghề bốc vác thuê, một mình nuôi bố mẹ cùng vợ và 3 con nhỏ. Chú nhập viện trong tình trạng đau bụng, tay chân phù, trướng bụng, chẩn đoán bị u gan.
* Bệnh nhân: T.V.Lũy – 58 tuổi, ngụ TP. Tây Ninh vì bệnh nên mất sức lao động đã lâu, vợ chú bán rau cải đầu chợ Phường 3. Hai vợ chồng chú cùng sinh sống trong căn nhà trọ nhỏ gần đó, do dịch nên thu nhập bấp bênh, nợ tiền nhà đã hơn 3 tháng qua.
Chú Lũy nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, nhiễm ceton axit, đái tháo đường, suy tim, thiếu máu cục bộ, suy kiệt nặng. Ngày nhập viện, thấy chú quá mệt, cô “đánh liều” đưa chú vào bệnh viện cấp cứu. Đến nay, sau hơn 1 tuần điều trị, chạy vạy vay mượn khắp nơi, giờ cô chú đã hết khả năng xoay sở thêm tiền viện phí. Trò chuyện cùng chúng tôi, cô nức nở “Vợ chồng tui nợ tiền trọ mấy tháng chưa trả được, nên giờ chủ nhà người ta cũng cắt điện rồi. Bệnh của ổng thì cần phải có nhiều tiền và trị lâu lắm… Mà giờ đào đâu ra tiền, nên nào dám mơ ước được hết bệnh. Giờ chỉ mong Bệnh viện cho được nợ lại phần viện phí để được xuất viện về nhà, tới đâu thì tới… chứ ở trị thì lại tốn thêm tiền mà cũng không biết làm sao mà trả nữa…”
* Bệnh nhân: Phạm Thị Niển – 53 tuổi, ngụ Châu Thành vì lớn tuổi cộng thêm thường xuyên đau ốm, nên chỉ ở nhà ra vào, nuôi vài con gà. Ngày nhập viện, chân cô bị nhiễm trùng nặng, đến hoại tử do biến chứng của tiểu đường. Chồng cô là đạo tì, thường xuyên làm công quả trong chùa. Hai vợ chồng vốn ai cho gì ăn nấy, thu nhập hàng tháng chỉ hơn 400.000đ do địa phương hỗ trợ gia đình nghèo khó khăn nên số tiền điều trị tuy nhỏ cũng thành ra quá sức đối với đôi vợ chồng già này.
* Bệnh nhân: Phạm Văn Xuân – 71 tuổi, ngụ TP. Tây Ninh là lao động nghèo, bình thường đời sống vốn cũng đã khó khăn, chật vật. Từ ngày trở bệnh, chú không thể làm việc nặng được nữa, vợ chú xin vào làm cho Trung tâm bảo trợ chăm sóc cho trẻ em khuyết tật chất độc da cam – tháng chỉ được vài triệu.
Chú thường xuyên đau bụng dữ dội nhưng không chịu đi bệnh viện vì không có tiền, chỉ mua thuốc về uống cầm cự. Đến khi chịu không nổi, cô đành bấm bụng đưa chú đến Bệnh viện cấp cứu. Được chẩn đoán ung thư dạ dày, gia đình được các y bác sĩ tư vấn cần thực hiện mổ gấp. Lo sợ gia đình không trang trải nổi chi phí mổ, chú xin về nhưng được Bệnh viện thuyết phục thực hiện phẫu thuật với sự hỗ trợ một phần viện phí.
Thấu hiểu, cảm thông đến từng hoàn cảnh, với tinh thần tương thân tương ái, phòng Công tác xã hội – BVĐK Hồng Hưng vẫn luôn sát cánh, chung vai, tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp các cụ vượt qua bệnh tật, khó khăn.
Mong các cụ mau chóng hồi phục, trở về với cuộc sống bình thường, luôn sống vui, khỏe, vui vầy bên con cháu.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Chia sẻ luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu và những nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng với khẩu hiệu “Chia sẻ cuộc sống” luôn hy vọng được hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, đóng góp và sẻ chia nhiều hơn cùng những mảnh đời khó khăn.
*Hình ảnh và thông tin của bệnh nhân đã được sự đồng ý cho phép sử dụng của bệnh nhân và gia đình.
—————————————-
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00
- Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
- Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
- Email: info@honghunghospital.com.vn
- Website: www.honghunghospital.com.vn
- Fanpage: Hong Hung Hospital