Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống Lao” (24.03.2022)

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao (tăng từ 1,2 triệu vào năm 2019) và có 214.000 ca ở những người dương tính với HIV (tăng từ 209.000 vào năm 2019) – nghĩa là tổng số ca tử vong do lao, kể cả lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người.

Ngày 24.3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao để đánh dấu sự kiện diễn ra vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao là trực khuẩn lao – bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và điều trị bệnh lao.

Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay có chủ đề là: “Giảm thiểu tác động của Covid-19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao” với 14 thông điệp gồm:

  • Giảm thiểu tác động của Covid-19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao
  • Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao
  • Lan tỏa yêu thương – Kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao
  • Phải phòng, chống lao như phòng, chống Covid
  • Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao
  • Sàng lọc sớm – Tránh trở nặng – Ngừa tử vong
  • Đừng ngại Covid mà không đi sàng lọc bệnh lao
  • Gặp ngay bác sĩ khi có triệu chứng nghi lao
  • Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao
  • Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em
  • Tôi không sợ bệnh lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội
  • Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo
  • Phòng chống lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao
  • Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!

Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Ho ra máu
  • Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm
  • Đau tức ngực
  • Gầy sút cân

Nếu có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao hoặc bất ổn của cơ thể, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám phát hiện sớm, kịp thời điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Trẻ em tháng đầu sau sinh cần được tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao.

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi:

  • Qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.
  • Qua ứng dụng “BV Hồng Hưng – Đăng ký Khám bệnh” trên CH Play

————————————

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Thứ bảy hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00