Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (02.04.2022)

Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày “Thế giới nhận thức về tự kỷ” nhằm kêu gọi kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này.

Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa do bất thường của não bộ, có các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng với những biểu hiện như kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp hay hành vi.
Theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ, từ 2 đến 7% trẻ em trên thế giới bệnh tự kỷ và trẻ trai có tỷ lệ mắc gấp 4 lần trẻ gái. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức nào về trẻ tự kỷ, song theo Tổng cục Thống kê năm 2019 nước ta có 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có khoảng một triệu người tự kỷ. Một thống kê của ngành giáo dục năm 2020 cho thấy tự kỷ chiếm 30% số trẻ khuyết tật trong trường học.

Nguyên nhân
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được những con số xác thực để kết luận nguyên nhân đưa đến bệnh tự kỷ. Tuy nhiên tự kỷ được xem là một khuyết tật bẩm sinh. Tự kỷ không phải là hậu quả của việc cha mẹ thiếu chăm sóc trẻ hay do phản ứng phụ của Vắc xin như nhiều người vẫn nghĩ.

Đặc điểm: trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu khác thường trong 3 lĩnh vực sau:
▪ Hạn chế trong tương tác với người khác: gọi tên ít quay lại; hạn chế tiếp xúc mắt với người khác; không chia sẻ điều trẻ thích; không chia sẻ cảm xúc; không chơi chung; thiếu tương tác với mọi người; khó khăn trong việc chơi đòi hỏi trí tưởng tượng hoặc kết bạn…
▪ Giảm khả năng giao tiếp: chậm nói; không thể hiện ngôn ngữ cơ thể; hay nhại lời; phát âm thanh lạ vô nghĩa; không hiểu và không biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ trong giao tiếp…
▪ Có các hành vi lặp đi lặp lại: thích tự xoay tròn và nhìn vật xoay tròn; thích sắp xếp đồ vật thành hàng thẳng; khó thích nghi với những thay đổi mới; lăng xăng tăng động…

Vai trò của phụ huynh:
Thực tế, có nhiều trường hợp trẻ bị tự kỷ nhưng phụ huynh không nhận biết và chỉ đưa trẻ đến phòng khám vì lý do ‘chậm nói’. Điều này khiến cho việc can thiệp cho trẻ bị chậm trễ và hiệu quả không cao. Nếu không được can thiệp sớm đúng phương pháp, vấn đề tự kỷ có thể làm cho trẻ chịu những hệ quả rất nặng nề như không nói được, không giao tiếp được, không tự phục vụ bản thân được suốt cuộc đời. Nhiều dữ liệu lâm sàng mới nhất ghi nhận thời gian vàng can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước 3 tuổi.
Chính vì thế, ngay khi cha mẹ thấy con em mình có những dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để được thăm khám & tư vấn hướng can thiệp kịp thời.
———————-
Xem thêm:
Từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, phần lớn các quốc gia phải tạm thời đóng cửa các trường học, ảnh hưởng đến hơn 90% học sinh trên toàn thế giới. Sự gián đoạn này đã làm đảo lộn quá trình giảng dạy và học tập, đồng thời, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục. Nhiều học sinh mắc chứng tự kỷ đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt nghiêm trọng, họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều do sự gián đoạn các quyền lợi, cũng như các dịch vụ và hỗ trợ mà họ vốn đang được hưởng.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2022 với chủ đề “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả” là sự tiếp nối với chủ đề năm 2021 – “Hòa nhập tại nơi làm việc”, nhằm nhấn mạnh rằng người tự kỷ cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng như những người khác. Việc thúc đẩy giáo dục hòa nhập chất lượng cho những người mắc chứng tự kỷ sẽ giúp họ phát huy hết tiềm năng của mình và đạt được thành công bền vững khi tham gia thị trường lao động. Đây còn là chìa khóa cho lời hứa mang tính đột phá của các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nguồn: https://www.un.org/en/observances/autism-day

————————————

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Thứ bảy hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00