Cảnh giác với biến chứng khó lường của SỐT XUẤT HUYẾT ở trẻ em

Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch . Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là vì cho rằng chỉ là sốt vi-rút thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.

SXH được truyền vào người bệnh qua vết muỗi chích của loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang vi-rút Dengue gây bệnh.

1. Triệu chứng bệnh Sốt xuất huyết

  • Sốt cao 39 – 40 độ C liên tục kéo dài 02 – 7 ngày, khó hạ sốt
  • Khi sốt có cảm giác ớn lạnh, người bệnh bị đau nhức đầu, chủ yếu 2 bên thái dương và sau gáy, đau nhức 2 bên hốc mắt, đau mỏi cơ
  • Ít gặp hơn, cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họ
  • Về tiêu hóa, trẻ ăn uống kém và nôn ói

Sốt có thể giảm trong vòng 3-7 ngày sau khi bắt đầu biểu hiện các triệu chứng. Khi sốt giảm, dấu hiệu cảnh báo tình trạng nặng có thể xuất hiện.

2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyến biến nặng

Theo dõi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo từ 3 – 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng ngay cả khi nhiệt độ đã giảm. Cho trẻ khám NGAY khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi/ kích thích
  • Tay chân tái, lạnh hay nhạy cảm, đặc biệt là trong ngày thứ 4-5 của bệnh
  • Thở nhanh, khó thở
  • Nôn ói dai dẳng
  • Chảy máu mũi hay chân răng
  • Nôn ra máu/tiêu phân đen hay tiểu ra máu
  • Đau bụng, đặc biệt là đau tức vùng hạ sườn phải

Bệnh nặng có thể dẫn đến sốc và tổn thương các cơ quan trong cơ thể hoặc nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong.

3. Sốt xuất huyết được điều trị như thế nào?

Trẻ em nên được đi khám và điều trị bệnh SXH càng sớm càng tốt. Hiện nay, không có bất kỳ loại thuốc đặc hiệu nào để điều trị sốt xuất huyết. Chẩn đoán sớm và chăm sóc, theo dõi kịp thời là điều quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cần thực hiệu các điều trị hỗ trợ bao gồm:

  • Nghỉ ngơi
  • Uống thật nhiều nước có chứa điện giải: dung dịch Oresol hay nước trái cây, nước dừa tươi sẽ giúp cơ thể phục hồi lượng dịch, đường và muối mất đi trong quá trình bệnh
  • Hạ sốt bằng Paracetamol sẽ giúp trẻ dễ chịu và có thể giảm đau cơ khớp
  • Không được dùng Aspirin hay Ibuprofen cho người bệnh sốt xuất huyết

Đặc biệt, trẻ có dấu hiệu cảnh báo cần được theo dõi trực tiếp bởi bác sĩ tại các cơ sở y tế.

4. Cách chăm sóc và theo dõi khi trẻ mắc Sốt xuất huyết

Về chế độ dinh dưỡng

  • Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, ăn mỗi lần một ít, tăng cường uống nhiều dung dịch điện giải
  • Không nên ăn thức ăn hay nước uống có màu nâu hoặc đỏ, vì dễ gây nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa

Các dấu hiệu cần chú ý và theo dõi

  • Theo dõi thân nhiệt tối thiếu 3 lần/ngày, tình trạng tưới máu ngoại biên, số lượng nước tiểu trong 24h mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy,…
  • Chú ý tình trạng tri giác: tỉnh táo hay kích thích lơ mơ,… và tình trạng xuất huyết (nếu có).

5. Phòng bệnh Sốt xuất huyết như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu từ sinh hoạt hàng ngày như:

  • Tránh bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Để giảm nguy cơ bị muỗi đốt hãy hạn chế tối đa việc tiếp xúc với muỗi (lưu ý muỗi hay đốt lúc chạng vạng) lúc ngồi học, chơi, ăn cơm cần có ánh sáng đầy đủ, quần áo dài tay, kết hợp sử dụng thêm nhang muỗi hoặc kem chống muỗi
  • Ngủ mùng kể cả ban ngày
  • Vệ sinh bụi rậm, đồ vật chứa nước đọng quanh nơi sinh sống, do muỗi truyền bệnh SXH thường sống nơi nước trong; lu khạp quanh nhà chứa nước cần đậy nắp, nước mưa đọng lại ở chai lọ quanh nhà cần đổ và úp lại, bình hoa cần được thay nước thường xuyên
  • Phun thuốc trừ muỗi định kỳ
Các cách phòng bệnh SXH Nguồn: Bộ Y tế

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách là phương thuốc hàng đầu và hiệu quả nhất trong điều trị SXH ở trẻ em và cả người lớn.

Khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh, BVĐK Hồng Hưng cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh Nhi khoa bao gồm: thăm khám và điều trị các bệnh lý thông thường, kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám sàng lọc sơ sinh, hợp tác chuyên môn cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Tp.HCM) trong thăm khám ngoại trú và điều trị nội trú vào mỗi cuối tuần.

Để biết thêm thông tin chi tiết cũng như đăng ký lịch khám, Quý bà con vui lòng liên hệ:

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00