Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới và những điều bạn cần biết!

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là căn bệnh mạn tính với tình trạng tĩnh mạch nông giãn, chạy quanh co, thấy rõ dưới da, có thể xuất hiện ở cả 2 chân.

Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trên 30, tần suất mắc phải tùy thuộc vào đặc tính công việc, nhưng những công việc đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động lại là nhóm đối tượng thường mắc phải nhất.

1. Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu của bệnh, những biểu hiện thường chỉ thoáng qua như:

  • Người bệnh cảm giác nặng chân
  • Có thể thấy giày dép chật hơn bình thường
  • Chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng hoặc ngồi lâu
  • Cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân
  • Chuột rút vào ban đêm
  • Xuất hiện những đường mạch máu li ti trên bề mặt da và biểu hiện có thể mất khi được nghỉ ngơi, lúc này người bệnh ít chú ý nên dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu ban đầu.
Hình ảnh biểu thị tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới

Bệnh bắt đầu tiến triển nhanh và nặng hơn khi người bệnh đã bắt đầu nhận thấy những biểu hiện rõ rệt, kéo dài như:

  • Tình trạng phù mắt cá chân
  • Cẳng chân xuất hiện vùng da thay đổi màu sắc
  • Đau tức chân, phù chân do các tĩnh mạch căng giãn và hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, tình trạng nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, kèm theo là những mảng máu bầm dưới da

2. Các giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới theo thước đo C.E.A.P

Theo y học, suy giãn tĩnh mạch thường được phân loại theo C.E.A.P (Clinique-Etiologie-Anatomie-Physiopathologie) để phân chia giai đoạn tiến triển của bệnh và mức độ nặng nhẹ trên lâm sàng như:

  • C0: Không có dấu hiệu, sờ nắn hay nhìn thấy được bệnh của tĩnh mạch
  • C1: Giãn các tiểu tĩnh mạch trong da hoặc các tĩnh mạch lưới dưới da
  • C2: Giãn các tĩnh mạch nông thành búi ngoằn ngoèo (kích thước lớn hơn 3mm)
  • C3: Phù nề
  • C4a: Biến đổi màu sắc nâu – đen của da hoặc chàm
  • C4b: Xơ cứng, thâm nhiễm mỡ bì hoặc teo trắng da
  • C5: Loét đã liền sẹo
  • C6: Loét tiến triển

3. Điều trị thành công trường hợp suy tĩnh mạch chi dưới cho Bệnh nhân nam người nước ngoài

Vừa qua, BVĐK Hồng Hưng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H.H.Y (55 tuổi, ngụ Gò Dầu, Tây Ninh) đến khám với tình trạng sưng đau chân. Qua thăm khám, bác sĩ chuyên khoa nhận định chân trái xuất hiện các búi tĩnh mạch lộ rõ qua da, bệnh nhân bị đau nhiều và nổi cục. Nhận định đây là trường hợp suy tĩnh mạch lâu năm, đã đến giai đoạn tiến triển của bệnh, các bác sĩ chuyên khoa nhanh chóng tiến hành các bước kiểm tra và tư vấn hướng điều trị thích hợp nhất cho Bệnh nhân.

Ê-kíp phẫu thuật loại bỏ đoạn tĩnh mạch suy giãn gây đau đớn

Ngay sau các công tác chẩn đoán, các xét nghiệm cận lâm sàng ban đầu hoàn tất, bệnh nhân được tư vấn điều trị Laser nội mạch với kỹ thuật đốt các tĩnh mạch giãn, sau đó tiến hành phẫu thuật cắt tĩnh mạch tắc theo phương pháp Muller (tĩnh mạch tắc là những tĩnh mạch có huyết khối trong lòng mạch, huyết khối gây viêm tắc tĩnh mạch làm bệnh nhân đau và khó chịu).

Ca phẫu thuật được thực hiện với sự hợp tác chuyên môn từ Ts.Bs Trần Thanh Vỹ – Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, BV Đại học Y Dược Tp.HCM cùng đội ngũ các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Hồng Hưng.

Bệnh nhân sau phẫu thuật đã loại bỏ được hoàn toàn triệu chứng sưng đau trước đây ông gặp phải. Là một công dân xa quê, làm việc tại Việt Nam, ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp đã khiến ông hết sức vui mừng vì đã tìm được địa điểm điều trị hiệu quả.

4. Cần làm gì để phòng tránh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Bên cạnh những điều trị can thiệp từ y học, việc duy trì thói quen sống và sinh hoạt  hàng ngày cũng góp phần phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ gây bệnh như:

  • Không đứng hoặc ngồi lâu, cố gắng tìm cơ hội di chuyển
  • Kiểm soát cân nặng, không để cân nặng tăng quá nhanh trong thời gian ngắn
  • Nâng cao chân hơn ngực khi nghỉ ngơi hoặc ngủ
  • Bổ sung nhiều chất xơ, uống nhiều nước
  • Tăng cường hoạt động thể thao như: đi bộ, yoga,…
  • Xoa bóp, massage chân hoặc ngâm nước ấm
  • Hạn chế đi giày cao gót, tránh bắt chéo chân khi ngồi, sẽ tạo nhiều áp lực lên đùi, xương chậu gây kém lưu thông máu

Ngay khi phát hiện các triệu chứng ban đầu nghi ngờ tình trạng suy giãn tĩnh mạch, Quý bà con cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa liên quan để thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay có đến 70% các trường hợp mắc bệnh nhưng lại không biết mình bệnh, chỉ khi xuất hiện những biến chứng mới bắt đầu điều trị. Chính vì thế, cần thực hiện thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kì để chăm sóc sức khoẻ, kịp thời phát hiện và có hướng điều trị thích hợp.

Để được tư vấn cụ thể về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, Quý bà con hãy:

——————————————-

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

  • Thời gian hoạt động:
    • Khám ngoại trú: từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00.
    • Cấp cứu: 24/7