BS.CKII Đào Anh Dũng – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc thường trực, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Tốc độ già hoá dân số ngày càng tăng, năm 2015 tỷ lệ dân số trên 60 tuổi là 12%, ước tính đến năm 2050 tỷ lệ này là 22%. Năm 2020 người từ 60 tuổi trở lên sẽ đông hơn số trẻ em dưới 5 tuổi. Bằng chứng cho thấy tỷ lệ người cao tuổi có cuộc sống khoẻ mạnh ở những năm sau vẫn không đổi, những năm sống thêm của người cao tuổi càng bị suy giảm về thể chất và tinh thần thì càng tác động tiêu cực đến người cao tuổi và xã hội. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho y tế công cộng, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, tuổi thọ cao hơn cũng mang lại nhiều cơ hội, không chỉ cho người cao tuổi và gia đình của họ mà còn cho toàn xã hội: người cao tuổi có sức khoẻ tốt có thể tham gia các hoạt động mới như học cao hơn, nghề nghiệp mới hay theo đuổi đam mê chưa thực hiện được trước đây. Hiểu về quá trình lão hoá và những yếu tố tác động đến sức khoẻ thể chất, tinh thần của người cao tuổi là một phần quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Vài chục năm gần đây, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên rõ rệt. Trước năm 1945, tuổi thọ trung bình vào khoảng 32 tuổi, năm 1979 là 66 tuổi, năm 1989 là 68 tuổi, năm 1999 là 69 tuổi, năm 2009 là 72,8 tuổi và hiện nay tăng lên là 73 tuổi. Như vậy, trong vòng 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng thêm 33 tuổi (từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2012), trong khi thế giới chỉ tăng 21 tuổi (từ 47 tuổi lên 68 tuổi). Kỳ vọng sống của nhóm 60+ là 21,5 tuổi, tức nếu người dân sống đến 60 tuổi thì kỳ vọng sống của họ sẽ là 81,5 tuổi, tương đương với các nước phát triển.
Quá trình lão hoá
Lão hóa là sự suy giảm một cách tự nhiên khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, làm cho các cơ quan này không thể hoàn thành một cách tối ưu chức năng của mình. Lão hóa được xác định thông qua việc đo lường tuổi sinh học, đây là tuổi chức năng, phụ thuộc vào các đặc tính cá thể, các điều kiện sống của người đó. Tuy nhiên, trong thực tế việc đánh giá tuổi sinh học khá phức tạp nên người ta thường sử dụng tuổi theo lịch (tuổi hành chính). Luật người cao tuổi của Việt Nam quy định: người cao tuổi là từ 60 tuổi trở lên. Tổ chức Y tế Thế giới cũng sắp xếp các lứa tuổi theo các mốc sau:
Mặc dù khoa học phát triển nhưng cho tới ngày nay, con người vẫn chưa có được sự hiểu biết thật đầy đủ về nguồn gốc và bản chất của sự lão hóa. Ở cấp độ sinh học, người ta cho rằng lão hóa là kết quả của sự tích luỹ nhiều loại tổn thương tế bào và phân tử theo thời gian. Điều này dẫn đến suy giảm dần năng lực thể chất và tinh thần, ngày càng có nguy cơ mắc bệnh và cuối cùng là chết. |
Yếu tố di truyền chiếm khoảng 25% trong việc quyết định tuổi thọ của con người và các yếu tố dinh dưỡng, môi trường quyết định phần còn lại. Có nhiều học thuyết giải thích vấn đề này, trong đó đáng chú ý là thuyết di truyền và thuyết gốc tự do.
Thuyết di truyền: Thuyết này giải thích rằng quá trình lão hoá có cơ chế nội sinh và được lập trình từ trước nhằm loại bỏ các thế hệ tế bào đã hết khả năng thích nghi và thay thế bởi thế hệ mới dễ dàng chịu sự chọn lọc tự nhiên, do đó tạo ra sự tiến hoá. Các tế bào không đổi mới được, hay còn gọi là tế bào hậu gián phân (ví dụ như tế bào thần kinh và cơ trơn) sẽ mất dần trong quá trình sinh vật tồn tại, không có gì thay thế được. Nhưng trước khi biến mất hẳn thì các tế bào này sẽ bị ứ đọng “chất cặn bã” như lipofuscin và giảm hoặc mất chức năng. Tế bào đổi mới được, còn gọi là tế bào liên gián phân (ví dụ như các tế bào biểu mô) thường chết đi sau 40-60 chu kỳ sao chép. Thời gian sống của mỗi tế bào được quyết định về di truyền học bởi hệ thống kiểm soát đời sống tế bào nhờ quá trình làm hao mòn các telomere ở các đầu tận cùng nhiễm sắc thể. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đánh giá kích thước của telomere như một “thước đo” chuẩn xác tuổi thọ của các tế bào. Ngoài ra, quá trình lão hoá cũng có cơ chế ngoại sinh, nhiều gen có lợi cho cá thể lúc nhỏ sẽ trở lên có hại khi lớn lên như gen giúp tế bào phát triển mạnh (giúp cá thể mau lớn) sẽ trở thành gen sinh ung thư, chúng được gọi là gen “gây già” do cơ hội. Mặt khác, do các đột biến xuất hiện trong quá trình sống sẽ làm xuất hiện các gen mới hoàn toàn bất lợi, chúng được gọi là gen “gây già” thật sự. Như vậy, sự già và cái chết sẽ giúp cá thể tránh được sự bất lợi đó. Nói cách khác, theo quan niệm thứ hai thì chính quá trình chọn lọc để tiến hoá đã tạo ra sự lão hoá, chứ không phải sự loại trừ cơ thể già giúp tiến hoá. Thời gian sống của mỗi tế bào được quyết định về di truyền học bởi hệ thống kiểm soát sự tiến triển chu kì tế bào thông qua các gen ADN-PK, p53 và INK4: Gen ADN-PK có vai trò sửa chữa những gen bị tổn thương, gen p53 không cho các gen bị tổn thương tự nhân lên, gen INK4 mã hóa protein p16INK4a, còn được gọi là protein ức chế ung thư.
Thuyết gốc tự do: Gốc tự do là các gốc hóa học có chứa một hoặc nhiều electron không bắt cặp trong nguyên tử hay trong các corbital của phân tử. Một số dạng gốc tự do thường gặp như anionsuperoxide (O2-), hydrogenperoxide (H2O2), hydroxyl (OH-), peroxyl và alkoxyllipid, oxy đơn (O-), phức hợp bộ ba carbonyl (riplet carbonyl compound). Gốc tự do được sinh ra liên tục trong quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như viêm nhiễm, tia tử ngoại, bức xạ ion hóa, ô nhiễm môi trường, stress, rượu bia, thuốc lá, luyện tập quá sức… Các quá trình này làm những nguyên tử hay phân tử bị mất đi một điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng khiến electron còn lại trở lên đơn độc và hình thành gốc tự do. Sự sản sinh các gốc tự do có hoạt tính cao gây nên tổn thương ngẫu nhiên đối với DNA, RNA, rút ngắn các telomere, enzym, protein, các acid béo không bão hoà, phospholipid màng. Các tổn thương này tích lũy dần, cuối cùng dẫn đến sự chết tế bào.
Bệnh tật và các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Tuổi già cũng được đặc trưng bởi sự xuất hiện của một số trạng thái sức khỏe phức tạp thường được gọi là hội chứng lão khoa, vừa là hậu quả của sự thoái triển chức năng các cơ quan trong quá trình lão hóa tự nhiên, vừa là kết quả của quá trình tích lũy các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm trong cuộc sống cộng với tác nhân gây bệnh cấp tính do đó nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh thường phức tạp.
Khi mọi người già đi, họ có nhiều khả năng gặp phải một số tình trạng bệnh tật cùng một lúc ở nhiều cơ quan khác nhau, các biến chứng, đợt cấp của bệnh mạn tính hoặc những bệnh cấp tính mới, tác động qua lại của các bệnh tật là rất phức tạp. Theo thống kê của Bộ Y tế, 95% người cao tuổi có bệnh và chủ yếu là các bệnh mạn tính. Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu 14 năm bị bệnh tật trong tổng số 72,2 năm trong cuộc sống của mình. Nghiên cứu của Viện Lão khoa cho thấy trung bình một người cao tuổi mắc 2,69 bệnh.
Triệu chứng bệnh ở người cao tuổi thường không điển hình: phản ứng của cơ thể người cao tuổi với các tác nhân gây bệnh khác với cơ thể trẻ, hơn nữa lại mắc nhiều bệnh cùng một lúc, do đó triệu chứng thường không điển hình, diễn tiến bệnh phức tạp, khó tiên lượng. Ở người cao tuổi, ranh giới giữa sinh lý (quá trình lão hóa tự nhiên) với bệnh lý thường không còn rõ nữa.
Điều trị dùng thuốc cho người cao tuổi cũng cần đặc biệt lưu ý vì thay đổi sinh lý ảnh hưởng đến độ nhạy cảm, khả năng chuyển hóa và đào thải thuốc. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về tâm lý người cao tuổi khi dùng thuốc, đôi khi họ hay quên nên liều lượng không đảm bảo hoặc đôi khi họ có khuynh hướng lạm dụng thuốc do thường tự giữ lấy đơn thuốc, tự mua và dùng thuốc mà không đến bác sĩ kiểm tra lại tình hình bệnh.
Do các hạn chế về việc điều trị bằng thuốc ở người cao tuổi cùng với tính chất đa bệnh lý mà chủ yếu là các bệnh mạn tính nên vấn đề điều trị không bằng thuốc được đặc biệt quan tâm ở người cao tuổi. Cần có sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp điều trị bằng y học cổ truyền với y học hiện đại, giữa thay đổi lối sống, sử dụng thực phẩm chức năng, chăm sóc điều dưỡng với dùng thuốc đặc trị. Các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, tập dưỡng sinh, yoga, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng, tiết chế… rất được người cao tuổi ưa chuộng và cũng thích hợp, hiệu quả cho họ.
Việc phục hồi chức năng cho người cao tuổi cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của họ. Các chương trình phòng chống mù lòa, trợ thính, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tâm thần dựa vào cộng đồng, các cơ sở y tế, viện dưỡng lão đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc người cao tuổi.
Các bệnh tật thường gặp ở người cao tuổi
Thoái hoá điểm vàng và đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân chính gây giảm thị lực, dẫn đến mù loà ở người cao tuổi. Bệnh thường diễn biến từ từ, không gây đau đớn cho người bệnh, do đó dễ dẫn đến tâm lý chủ quan.
Giảm thính lực là hội chứng thường gặp của tuổi già, cứ ba người trên 65 tuổi, thì một người bị lãng tai và ở tuổi trên 75 thì sẽ là một nửa. Nguyên nhân chính là da ống tai ngoài dần bị teo, ứ đọng ráy tai tạo thành nút ráy, xuất hiện các mảng xơ ở màng nhĩ hoặc chuỗi xương con trong tai giữa bị xốp, canxi hoá làm giảm dẫn truyền âm thanh, thêm vào đó là thần kinh thính giác và các mạch máu nuôi cũng bị thoái hoá. Không nghe được, ngại tiếp xúc làm cho người cao tuổi bị ảnh hưởng tâm sinh lý rất nhiều và từ đó bệnh mất trí nhớ cũng đến mau hơn. |
Suy thoái ở răng miệng như: lão hoá răng, tụt nướu, thoái hoá niêm mạc miệng, suy giảm nước bọt, rối loạn vận động nuốt, suy yếu vị giác,… tất cả những điều này làm người cao tuổi ăn không ngon, chán ăn, khó nuốt, khô miệng, dễ nhiễm khuẩn răng miệng,… gây tác động đến sức khỏe toàn thân.
Hội chứng chuyển hoá với đặc trưng là tình trạng đề kháng insulin (tình trạng các mô kém đáp ứng với insulin) do chế độ ăn giàu chất béo và đường, do các yếu tố di truyền dẫn đến tăng cân, lượng mỡ thừa tích luỹ trên toàn thân mà đặc biệt là dưới da bụng, quanh các tạng sẽ làm gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm; gan tăng phóng thích triglycerid dẫn đến tăng lipid máu; tình trạng tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm kéo dài sẽ dẫn đến tăng huyết áp, nhất là khi có kèm theo các stress tâm thần và các dấu hiệu của xơ vữa động mạch. Biểu hiện của hội chứng chuyển hoá gồm béo bụng, đái tháo đường không phụ thuộc insulin hoặc rối loạn dung nạp đường huyết, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá mỡ, tăng đông.
Loãng xương là một quá trình mất khối lượng và chất lượng xương sinh lý đến một giới hạn, mất xương chậm theo tuổi, bắt đầu sau 40 tuổi với các xương đặc và các xương xốp có lẽ sớm hơn 5-10 năm. Quá trình này diễn ra rõ ràng ở cả nam và nữ khi quá 50 tuổi, phụ nữ mất xương với tốc độ nhanh hơn, mất xương nhanh chỉ xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh.
Thoái hoá khớp là hiện tượng khớp bị tổn hại (xơ hóa, biến dạng, vôi hóa…) thường gặp ở người cao tuổi có thể do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố thuận lợi khác nhau như: tình trạng béo phì, di truyền, chấn thương, viêm nhiễm, tự miễn. |
Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng trí tuệ và nhận thức, dẫn đến giảm khả năng hoạt động sống hàng ngày. Đây là bệnh thường gặp và ảnh hưởng trầm trọng đến người cao tuổi. Ước tính trên thế giới, tỷ lệ mắc ở người từ 60 tuổi trở lên là 3,9% (khoảng 24 triệu người). Với xu hướng già hóa dân số, cứ sau khoảng mỗi 20 năm số người mắc sa sút trí tuệ sẽ tăng gấp đôi. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở các nước đang phát triển, gấp 3-4 lần các nước phát triển. Các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim, bệnh mạch máu não, tăng mỡ máu, uống rượu, chế độ ăn nhiều mỡ bão hoà.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gặp nhiều ở tuổi >50, nam nhiều hơn nữ (liên quan với hút thuốc lá). Tuổi càng cao, bệnh càng nặng và tỷ lệ tử vong càng tăng. Ở Việt Nam, những năm gần đây bệnh có chiều hướng tăng, nhất là ở người cao tuổi.
Ngoài ra, bệnh tật cũng có thể là hậu quả của nhiều yếu tố khác như ốm yếu, tiểu không tự chủ, té ngã, mê sảng và loét tì đè.
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi
Đối với người cao tuổi, chất lượng cuộc sống là một khái niệm khá trừu tượng, tổng hợp nhiều yếu tố. Sức khỏe thể chất tốt và ít ốm đau, bệnh tật là điều kiện căn bản cho một cuộc sống có chất lượng. Tiếp theo đó là các yếu tố như sức khỏe tinh thần, giao tiếp và vị thế xã hội, tình trạng kinh tế, tín ngưỡng, điều kiện sống, môi trường và một số yếu tố khác. Đặc biệt riêng với người cao tuổi, yếu tố được hỗ trợ người khác, được người khác chia sẻ và được cảm thấy mình có ích cho gia đình và xã hội là yếu tố rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. |
Người cao tuổi thường xuyên luyện tập các bài thể dục, nhịp điệu như đi bộ, đi bộ nhanh, bơi, chạy, dưỡng sinh (khí công, yoga, thái cực quyền)… sẽ giảm tới 50% tỷ lệ tử vong và giảm hoạt động chức năng so với những người không vận động. Vận động thể lực thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm nhiều chức năng, làm giảm khởi phát các bệnh mạn tính. Theo một số nghiên cứu, hoạt động vừa phải có thể làm giảm 20-25% nguy cơ tử vong ở người bị bệnh tim. Lợi ích chính của vận động là làm tăng cơ lực, giảm nguy cơ bị loãng xương, sự linh động và các chức năng tim mạch. Do đó luyện tập đều đặn sẽ cải thiện sức khỏe tâm thần, tăng cường các mối quan hệ xã hội, giúp người cao tuổi duy trì tính độc lập lâu dài và làm giảm nguy cơ bị té ngã.
Các chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe và phòng tránh bệnh tật cho người cao tuổi. Nhìn chung người cao tuổi giảm mức ăn so với thời trẻ. Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%; người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Tránh ăn quá no, hạn chế đường, muối, mỡ đặc biệt khi có bệnh ở hệ tim mạch. Người cao tuổi cần ăn nhiều rau tươi, quả chín, thức ăn giàu chất chống oxy hóa nhằm cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng là các vitamin, các yếu tố vi lượng.
Để giữ sức khỏe, người cao tuổi cần sinh hoạt điều độ. Không nên thức quá khuya hoặc dậy quá sớm. Không nên vận động và làm việc gì quá sức hoặc không phù hợp lứa tuổi. Thuốc lá và rượu có tác hại tới sức khỏe người cao tuổi. Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá cũng như rượu sẽ giúp người cao tuổi giảm các bệnh đường hô hấp và tim mạch, huyết áp… Duy trì lao động nhẹ nhưng phải từ từ và vừa sức mình, không nhấc các vật nặng như xô nước đầy, chậu cây ảnh, tivi, xe máy. |
Hàng ngày nên ra khỏi nhà để tiếp xúc với cây xanh, môi trường sạch đẹp và trẻ em, bạn bè. Tránh nắng to và mưa, gió mạnh, cũng như tránh xúc động mạnh. Không tranh luận vô bổ và không xem phim hành động, bạo lực. Người cao tuổi nên kết bạn, tập luyện chung, giúp đỡ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trong một nhóm nhỏ những người cao tuổi hợp với mình.
Đối với những người cao tuổi, thường tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi không liên quan đến vận động thể lực, cũng có giá trị làm giảm các nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể. “Những người thường tham gia các hoạt động giao tiếp sống lâu hơn những người không tham gia những hoạt động này”. Một cuộc khảo sát khác với 2.812 người trên 65 tuổi trong khoảng 12 năm cho thấy, tình trạng suy giảm trí nhớ đã tăng lên gần gấp đôi ở những người sống lẻ loi so với những người có mối liên hệ thường xuyên với bạn bè, người thân, với tổ chức, tôn giáo hoặc tham gia đều đặn các sinh hoạt giao tiếp xã hội. Ngày nay, mọi nền y học đều công nhận yếu tố tâm lý, cảm xúc tác động rất lớn đến sức khỏe vật chất. Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nếu yếu tố tâm lý vững vàng vẫn có thể vượt lên bệnh tật và trở ngại trong cuộc sống. Việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng có thể đã tạo ra sự thay đổi ở não và thể chất theo một cách nào đó, làm chậm tiến trình lão hóa và ảnh hưởng tốt đến hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật và sự xâm nhiễm của vi trùng. Những cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể làm cho khí huyết ngưng trệ, rối loạn hoạt động nội tiết, giảm sức đề kháng. Ngược lại, cảm giác được bảo vệ, được chia sẻ bên cạnh bạn bè, người thân sẽ tạo ra những đáp ứng thư giãn giúp giảm nhịp tim, điều hòa huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch. Hoạt động giao tiếp và được sống trong tình thân yêu giúp cho con người khỏe hơn.
Người cao tuổi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn nếu như người cao tuổi được hỗ trợ người khác, được người khác chia sẻ và được cảm thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. Nếu không được tham gia vào các hoạt động chung thì người cao tuổi dễ rơi vào cảm giác mặc cảm, cô lập, cho rằng mình không còn có ích cho xã hội và gia đình. Đây chính là đặc điểm rất quan trọng của chất lượng cuộc sống người cao tuổi. Do đó, chúng ta cần phát huy khả năng cống hiến của người cao tuổi. |
Kết luận
Lão hoá là một quá trình tự nhiên mà khoa học ngày nay không thể ngăn chặn được. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm, tuổi thọ của một người dài hay ngắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: gen di truyền, các tác động của môi trường, xã hội. Hiểu về quá trình lão hoá và những yếu tố tác động đến sức khoẻ thể chất, tinh thần của người cao tuổi là một phần quan trọng để chăm sóc sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2022,
Chủ đề: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Trung Kiên. Lão Khoa và dân số học người cao tuổi. Giáo trình người cao tuổi, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trang 1-13 (2018).
- Francesca Rossiello, Diana Jurk, João F. Passos & Fabrizio d’Adda di Fagagna. Telomere dysfunction in ageing and age-related diseases. Nature Cell Biology volume 24, pages 135–147 (2022).
- Ageing and health. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/ageing-and-health. Cập nhật ngày 4/10/2021.