ThS.BS Dương Thanh Hải – Bác sĩ khoa Nội Tim mạch – Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Bệnh da đái tháo đường là biểu hiện da phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường. Biểu hiện của bệnh là các nốt ban teo, tăng sắc tố đặc trưng nằm trên cẳng chân của bệnh nhân tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh da đái tháo đường có liên hệ với các biến chứng mạch máu nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường như: bệnh thận, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc, bệnh động mạch vành. Do đó, tầm soát sớm các dấu hiệu của bệnh da đái tháo đường có vai trò quan trọng trong việc điều trị tích cực để dự phòng các biến chứng đái tháo đường.
Bệnh da đái tháo đường có từ khi nào?
Đầu những năm 1960, bác sĩ người Thụy Điển Hans Melin đã nghiên cứu và mô tả một dạng tổn thương da nâu tròn ở chi dưới của bệnh nhân đái tháo đường. Melin đã mô tả những tổn thương rất chi tiết và kết luận rằng chúng rất đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường. Năm 1965, Binkley đặt ra thuật ngữ “bệnh da đái tháo đường”, ông cho rằng bệnh da đái tháo đường là một biểu hiện da của bệnh lý vi mạch biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Biểu hiện bệnh da đái tháo đường như thế nào?
Các tổn thương thường không triệu chứng, bắt đầu tự phát dưới dạng các dát hoặc sẩn hình tròn hoặc hình bầu dục, có vảy, màu đỏ hoặc tím, hình tròn hoặc bầu dục. Có thể có sự chai cứng, với một vết lõm hoặc mụn nước ở trung tâm. Những tổn thương này sau đó tiến triển thành những tổn thương giống như sẹo đặc trưng của bệnh đái tháo đường. Ở những tổn thương đã thành lập, có thể có một lớp vảy sừng mỏng. Biểu hiện thường xuyên nhất như hình trong, màu nâu, các vết thương teo có đường kính dưới 1cm, một số có thể dài ra và lên đến 2,5cm. Chúng thường xảy ra trên ống chân, phân bố không đối xứng hai bên nhưng hiếm khi có được báo cáo trên cánh tay, đùi, thân và bụng. Cường độ sắc tố tương ứng với mức độ teo, các tổn thương sẫm màu nhất cũng bị teo nhiều nhất.
Mỗi sang thương kéo dài trung bình 18-24 tháng, trước khi mờ dần đến các dát teo nhỏ nhất hoặc có thể biến mất hoàn toàn.Trong một số trường hợp, màu nâu biến mất và thay vào đó là sự giảm sắc tố nhẹ. Khi các tổn thương cũ rõ ràng, các tổn thương mới sẽ xuất hiện.
Nguyên nhân của bệnh da đái tháo đường là gì?
Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh cảu bệnh da đái tháo đường vẫn chưa được biết rõ. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra như tổn thương của bệnh da đái tháo đường xảy ra thứ phát sau chấn thương; do các vùng thiếu máu cục bộ tương đối gây ra bởi sự thay đổi nhiệt độ cục bộ, biểu hiện thường ở chi dưới là do nhiệt độ da giảm, lưu lượng máu chậm, tăng độ nhớt huyết tương và tính dễ vỡ của mạch; do thiếu máu cục bộ. Một cơ chế khác được đề xuất là bệnh thần kinh do đái tháo đường gây ra thoái hóa dây thần kinh dưới da, dẫn đến bệnh da đái tháo đường.
Mô bệnh học của tổn thương ở bệnh da đái tháo đường bao gồm tăng sinh nguyên bào sợi, tăng mật độ collagen, với sự dày lên của các bó collagen và sự phân mảnh hoặc tách rời của các sợi collagen và phù da. Có sự gia tăng số lượng mao mạch với sự hyalin hóa của các tiểu động mạch da, tăng sinh nội mô và thu hẹp hoặc tắc một phần mạch máu, tăng sắc tố da và lắng đọng phức hợp haemosiderin.
Tôi sẽ làm gì khi thấy biểu hiện bệnh da đái tháo đường?
Sự hiện diện của bệnh da đái tháo đường có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác nghiêm trọng hơn và sự xuất hiện của nó có liên quan đến cả các biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn. Các bệnh lý này bao gồm: bệnh lý võng mạc, bệnh thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy: chỉ 21% những người bệnh da đái tháo đường không có biến chứng vi mạch, 52% những người có một biến chứng, 57% những người có hai biến chứng và 81% những người có cả ba biến chứng.
Do đó, những người bị đái tháo đường, khi thấy biểu hiện da cần phải đến khám bác sĩ. Chẩn đoán bệnh da đái tháo đường thường chỉ cần thực hiện bằng khám lâm sàng nhưng để chẩn đoán nguyên nhân và tầm soát các bệnh lý liên quan, đặc biệt là biến chứng mạch máu cần khám chuyên khoa và một số xét nghiệm chuyên sâu như khám chuyên khoa mắt, soi chụp đáy mắt; khám chuyên khoa mạch máu và siêu âm đánh giá mạch máu; các xét nghiệm vi đạm niệu, chức năng thận; khám chuyên khoa thần kinh…
Phòng ngừa và điều trị bệnh da đái tháo đường như thế nào?
Các tổn thương của bệnh da do đái tháo đường không có triệu chứng và không có khuyến cáo điều trị hoặc điều trị thường không hiệu quả. Điều trị bệnh da đái tháo đường được tập trung vào tầm soát và điều trị các biến chứng có liên quan.
Phòng ngừa bệnh da đái tháo đường và các biến chứng tối ưu hóa việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân mắc bệnh da đái tháo đường để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh đái tháo đường là điều tối quan trọng.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Tài liệu tham khảo
- Melin H. An atrophic circumscribed skin lesion in the lower extremities of diabetics.
- Binkley GW. Dermopathy in the diabetic syndrome. Arch Dermatol
- Bauer MF, Levan NE, Frankel A, Bach J. Pigmented pretibial patches. A cu- taneous manifestation of diabetes mellitus.
- Danowski TS, Sabeh G, Sarver ME et al. Shin spots and diabetes mellitus.