BS.CKI Nguyễn Thị Thủy
Phó Khoa Sản – Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Ung thư phụ khoa là khối u ác tính ở cơ quan sinh sản của phụ nữ. Tỷ lệ mắc trên thế giới theo báo cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ bao gồm ung thư nội mạc tử cung (19%), ung thư buồng trứng (9%), ung thư cổ tử cung (7%), ung thư âm hộ (0.8%) và ung thư âm đạo (0.4%). Ung thư nội mạc tử cung có tỷ lệ mắc cao nhất trong khi ung thư buồng trứng có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung có tỷ lệ mắc cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa. Chiến lược tầm soát chỉ được áp dụng cho ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Không có chiến lược tầm soát cho ung thư âm hộ và âm đạo.
Yếu tố nguy cơ
Một số phụ nữ có những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc bệnh ung thư. Việc nhận biết có yếu tố nguy cơ sẽ giúp áp dụng các biện pháp kiểm tra sức khỏe cũng như tầm soát sớm bệnh trước khi khởi phát nặng hơn. Mặc dù, tùy từng loại ung thư sẽ có những yếu tố nguy cơ cụ thể khác nhau nhưng các yếu tố nguy cơ chung bao gồm:
- Phụ nữ từ 50 tuổi,
- Tiền sử gia đình có ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung, ung thư dạ dày, ung thư đại – trực tràng đặc biệt là hội chứng Lynch hoặc ung thư vú,
- Chưa sinh con hoặc vô sinh,
- Mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp,
- Bị hội chứng co thắt hoặc kích thích âm đạo mạn tính,
- Mãn kinh muộn (sau 55 tuổi),
- Sử dụng tamoxifen hoặc sử dụng estrogen không đối kháng,
- Không kiểm tra phết tế bào thường xuyên hoặc có tiền sử phết tế bào cổ tử cung bất thường,
- Hút thuốc lá,
- Có nhiều bạn tình,
- Quan hệ tình dục lần đầu tiên dưới 16 tuổi,
- Bị nhiễm HIV hoặc HPV.
Tầm soát ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung chủ yếu xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi sau khi mãn kinh. Thường liên quan đến tình trạng béo phì với BMI từ 25-30 và ít vận động, cụ thể là do tình trạng tăng estrogen cao. Tất cả phụ nữ mãn kinh trên 50 tuổi và phụ nữ từ 35 tuổi có mắc hội chứng Lynch nên thực hiện tầm soát ung thư.
Chiến lược tầm soát bao gồm: siêu âm ngã âm đạo (sau khi sạch kinh) đo bề dày nội mạc tử cung. Nếu kết quả dưới 5mm thì không cần tầm soát thêm chỉ cần khám phụ khoa định kỳ mỗi năm, nếu lớn hơn 5mm cần cho nạo sinh thiết nội mạc tử cung để chẩn đoán.
Tầm soát ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là ung thư phụ khoa đã được chứng minh có liên quan đến yếu tố di truyền với tỉ lệ 20%. Yếu tố di truyền liên quan đến đột biến gen BRCA1/ BRCA2 hoặc đột biến gen MSH2/ MLH1, PMS1/ PMS2 ở phụ nữ mắc hội chứng Lynch II và hiện nay, đã có nhiều xét nghiệm có thể chẩn đoán các đột biến gen này. Việc tầm soát ung thư buồng trứng giúp cải thiện tỷ lệ sống của phụ nữ khi mắc bệnh.
Tất cả phụ nữ có tiền sử gia đình hoặc khi siêu âm có khối u buồng trứng nên được tầm soát ung thư.
Chiến lược tầm soát bao gồm: xét nghiệm máu về đột biến gen BRCA1/ BRCA2 hoặc đột biến gen MSH2/ MLH1, PMS1/ PMS2. Phụ nữ có yếu tố gia đình nếu kết quả xét nghiệm máu không phát hiện đột biến gen di truyền cần tầm soát bằng siêu âm ngã âm đạo mỗi 6 tháng.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là do nhiễm virus HPV (Human Papiloma Virus). Sự thành công của xét nghiệm phết tế bào tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung dựa trên nền tảng xét nghiệm của Papanicolaou đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục từ 21 đến 65 tuổi phải được tầm soát UTCTC.
Chiến lược tầm soát bao gồm:
- Phết tế bào ở cổ tử cung vào thời điểm sau khi sạch kinh hoàn toàn, không giao hợp hoặc sử dụng thuốc đặt âm đạo trong vòng 72 giờ.
- Khi có một kết quả phết tế bào cổ tử cung bình thường: thời gian thực hiện tầm soát là mỗi 3 năm nếu chỉ phết tế bào cổ tử cung và mỗi 5 năm nếu kết hợp giữa phết tế bào và xét nghiệm HPV.
- Không tầm soát UTCTC đối với phụ nữ đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung.
Khi nào thì nên thực hiện tầm soát ung thư phụ khoa?
Khám phụ khoa định kỳ là cách giúp phụ nữ có cơ hội tiếp cận sớm với việc phát hiện ung thư phụ khoa. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn để thực hiện một số chiến lược tầm soát bệnh như được đề cập ở trên. Ngoài ra, người bệnh cần đến khám sớm nếu như có bất kỳ triệu chứng bất thường dưới đây:
- Ra máu hoặc tiết dịch ở âm đạo bất thường đặc biệt là sau khi mãn kinh hoặc sau khi giao hợp,
- Sờ thấy có khối u to hoặc gây đau ở vùng hạ vị hoặc tầng sinh môn,
- Triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa kéo dài,
- Đau ở vùng xương chậu hoặc hạ vị kéo dài.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Tài liệu tham khảo
- Amanda S. Bruegl, MD: “Gynecologic Cancer Incidence and Mortality among American Indian/Alaska Native Women in the Pacific Northwest, 1996–2016”. Gynecol Oncol. 2020 Jun; 157(3): 686–692.
- Jesus Paula Carvalho: “Hereditary determinants of gynecological cancer and recommendations”.Rev Bras Ginecol Obstet. 2021 Aug;43(8):638-64.
- Nicoletta Colombo: “ESMO-ESGO-ESTRO Consensus Conference on Endometrial Cancer Diagnosis, Treatment and Follow-up”. International Journal of Gynecological Cancer & Volume 26, Number 1, January 2016. P1-30.