Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai

Điều dưỡng Nguyễn Thị Cúc
Điều dưỡng trưởng, Đơn vị Tiêm chủng – Dinh dưỡng, Khoa Khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh.

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai đặc biệt quan trọng đối với cả bà mẹ lẫn thai nhi. Chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ sẽ giúp thai nhi phát triển tối ưu, bà mẹ đủ sức khỏe để sinh con, nuôi dưỡng và chăm sóc con. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến con từ khi còn là bào thai đến khi trẻ trưởng thành.

Tại sao dinh dưỡng lại quan trọng đối với thai kì?

Khi mang thai, dinh dưỡng quan trọng hơn bao giờ hết. Bạn cần nhiều chất dinh dưỡng hơn so với trước khi mang thai. Lựa chọn thực phẩm phù hợp theo từng giai đoạn thai kỳ sẽ giúp thai nhi phát triển tốt và ngăn ngừa một số biến chứng:

  • Biến chứng ở mẹ: bệnh đái tháo đường thai kỳ, bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ, thiếu máu và nhiễm trùng, giảm sức đề kháng, nguy cơ sẩy thai, sanh non, nguy cơ mổ lấy thai.
  • Biến chứng ở thai: nguy cơ thai dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng bào thai, nhẹ cân khi sinh, nhiễm trùng sơ sinh…

Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cần thiết khi mang thai là gì?

Khi mang thai cần nhiều acid folic, sắt, canxi và vitamin D nhiều hơn so với trước khi mang thai:

  • Axit folic: Đây là một loại vitamin nhóm B giúp ngăn ngừa dị tật về ống thần kinh ở trẻ. Trước khi mang thai, bạn cần 400mcg mỗi ngày. Trong khi mang thai và khi cho con bú, bạn cần 600 mcg mỗi ngày từ thực phẩm hoặc viên uống vitamin bổ sung. Acid folic có nhiều trong các loại rau có lá, bắp cải, măng tây, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, gan, thịt gà, trứng.
  • Sắt: rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển trí não của thai. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, vì vậy, bạn cần nhiều chất sắt hơn cho bản thân và thai nhi đang lớn. Bạn cần ít nhất 27mg sắt mỗi ngày. Thực phẩm giàu chất sắt như đậu, đậu lăng, ngũ cốc, thịt bò, gà tây, gan và tôm. Bạn cũng nên ăn các loại thực phẩm giúp cơ thể hấp thụ chất sắt, bao gồm: cam, bưởi, dâu tây, bông cải xanh và ớt.
  • Canxi: Khi mang thai, bổ sung canxi có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật – một bệnh lý tăng huyết áp nặng khi có thai. Canxi giúp tổng hợp xương và răng của thai. Người trưởng thành mang thai cần 000mg canxi mỗi ngày. Phụ nữ dưới 18 tuổi khi mang thai (từ 14-18) cần 1.300mg canxi mỗi ngày.
  • Vitamin D: giúp canxi được hấp thụ vào cơ quan nhận chúng. Tất cả phụ nữ, dù có thai hay không, cần 600 IU vitamin D mỗi ngày. Thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan cá, trứng, bơ, sữa, các loại cá béo.
  • Cần nhiều chất đạm hơn khi mang thai. Nguồn đạm tốt cho thai kỳ bao gồm: đậu, đậu Hà Lan, trứng, thịt nạc, hải sản và các loại hạt.
  • Khi mang thai, cơ thể cần nhiều nước hơn để giữ nước và hỗ trợ thai nhi trong bụng. Vì vậy, việc quan trọng là phải đảm bảo uống đủ ít nhất 2 lít mỗi ngày.

Ngoài ra, việc chú ý thêm trong chế độ dinh dưỡng trước, trong và sau khi sinh đối với những chất sau đây cũng cần thiết, bao gồm: I-ốt, vitamin B1, vitamin A, chất béo. Hãy nhớ rằng dùng quá nhiều chất bổ sung có thể gây hại, như Vitamin A cao sẽ gây dị tật bẩm sinh. Vì thế, chỉ dùng vitamin và khoáng chất bổ sung mà nhà sản xuất khuyến nghị.

Nên tăng bao nhiêu cân và năng lượng trong thai kỳ?

Việc tăng cân phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai. Hầu hết sẽ tăng từ 1-2kg trong ba tháng đầu, sau đó, mỗi tuần trung bình tăng 0,5kg. Mức tăng cân trong thời kỳ mang thai theo khuyến nghị Tổ chức Y Tế Thế Giới như sau:

  • Phụ nữ bình thường: tăng 11-16kg;
  • Phụ nữ thừa cân: tăng 4- 9 kg;
  • Phụ nữ nhẹ cân: tăng 13-18kg;
  • Phụ nữ mang đa thai: tăng 16.5 – 24.5 kg.

* Giai đoạn 3 tháng đầu: có lẽ thai phụ không cần thêm calo

* Giai đoạn 3 tháng giữa: thai phụ cần ăn nhiều hơn 340 kcal/ ngày

* Giai đoạn 3 tháng cuối: thai phụ cần ăn nhiều hơn 450 kcal/ ngày

Trong những tuần cuối thai kỳ, có thể không cần thêm calo.

Các thực phẩm mẹ bầu không nên dùng hoặc hạn chế

  • Thức uống có cồn, rượu, bia là chất kích thích: vì chúng có thể gây nghiện và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Các chuyên gia cho rằng, uống rượu, bia tại bất cứ thời điểm nào lúc mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi. Một hậu quả nghiêm trọng của việc uống rượu, bia khi mang thai là gây ra các rối loạn do nhiễm độc rượu ở bào thai, khiến thai nhi kém phát triển và mắc dị tật. Ngoài ra, dù không uống nhiều nhưng phụ nữ mang thai uống thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ.
  • Quá nhiều cafein (quá 200mg/ ngày).
  • Cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá ngừ trắng, cá ngói, cá mập, cá kiếm hoặc cá thu vua.
  • Thức ăn không nấu chín kĩ, không hợp vệ sinh có khả năng chứa vi trùng gây bệnh: trứng luộc lòng đào, thịt tái, hải sản sống, sữa tươi không tiệt trùng, hải sản hung khói, xúc xích hoặc thịt nguội, thịt đông lạnh, bất kỳ mầm cây sống nào (cỏ linh lăng, cỏ ba lá, củ cải và đậu xanh).

Xử lý các vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng thường gặp khi mang thai:

Thiếu máu thiếu sắt:

Thường xảy ra từ 3 tháng giữa, nhất là 3 tháng cuối thai kỳ. Chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng:

  • Uống viên sắt bổ sung với hàm lượng sắt nguyên tố 60mg và 400 µgacid folic;
  • Uống mỗi ngày 1 viên liên tục từ khi phát hiện có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh;
  • Uống giữa các bữa ăn, không uống kèm với sữa, nước trà, cà phê.

Buồn nôn và nôn:

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp cải thiện tình trạng nặng, bao gồm:

  • Bổ sung đầy đủ vitamin và các chất cần thiết;
  • Điều chỉnh thời gian giữa các bữa ăn, có thể chia nhỏ số lần ăn và lượng thức ăn, khi bị buồn nôn hoặc nôn không nên ép cơ thể phải ăn thật nhiều, vì khi càng ép cơ thể lại càng nôn nhiều hơn;
  • Thay đổi loại thực phẩm đang ăn, chọn những loại thực phẩm khi ăn bạn cảm thấy dễ chịu và tiêu hóa tốt.

Nếu thay đổi chế độ ăn và lối sống vẫn chưa cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn, có thể sử dụng một số loại thuốc được chứng minh là an toàn trong thai kỳ:

  • Vitamin B6, Doxylamine hoặc Vitamin nhóm B kết hợp doxylamine
  • Nhóm thuốc chống nôn – Ondansetron: chỉ dùng khi triệu chứng nặng và không đáp ứng với các thuốc khác và theo chỉ định của Bác sĩ.

Táo bón: được định nghĩa là ít hơn 3 lần đi tiêu/ tuần và rất hay gặp trong thai kỳ. Nếu tình trạng nặng Bác sĩ có thể cho bạn thuốc làm mềm phân hoặc nhuận tràng, những thuốc này đã được chứng minh không gây hại cho thai. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, táo bón khi mang thai có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống. Chẳng hạn:

  • Uống nhiều nước 6-8 ly nước mỗi ngày, nước ép rau củ, mận khô sẽ rất hữu ích.
  • Tập những bài tập thể dục dành riêng cho bầu mỗi ngày.
  • Bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn: rau, tráicây, khoai củ hoặc có thể tham khảo với Bác sĩ về bổ sung qua viên vitamin.
  • Không bổ sung quá liều sắt trong thai kỳ, vì sắt gây táo bón nên cần tham khảo ý kiến với Bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

  1. FAQs 001: Nutrition During Pregnancy. American College of Obstetricians and Gynecologists. https://www.acog.org/womens-health/faqs/nutrition-during-pregnancy. March 2022.
  2. Morning Sickness: Nausea and Vomiting of Pregnancy | ACOG
  3. Pregnancy constipation: Are stool softeners safe? – Mayo Clinic

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)