Tầm soát rối loạn nhịp tim bằng đo điện tim 24 giờ

BS. Phạm Minh Dân, 

Bác sĩ khoa Nội Tim mạch – Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Cô N.H.C, 62 tuổi, đang làm việc nhà, đột ngột ngất. Trước đây cô cũng nhiều lần ngất tương tự. Cô đã khám nhiều lần ở phòng khám và bệnh viện ở địa phương nhưng vẫn chưa tìm ra bệnh. Sau đó, nhờ sử dụng phương pháp tầm soát rối loạn nhịp bằng đo điện tim 24 giờ, bác sĩ đã phát hiện cô bị nhịp nhanh thất, một rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Cô đã được chuyển đến đúng chuyên khoa điều trị và tình trạng dần ổn định.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Bình thường tim sẽ co bóp đều đặn, nhịp nhàng do xung động điện từ nút phát nhịp gọi là nút xoang. Xung động điện từ nút xoang sẽ lan truyền đến các tâm nhĩ, sau đó sẽ dẫn truyền đến tâm thất qua hệ thống dẫn truyền gọi là nút nhĩ thất và các bó nhánh dẫn truyền. Nhịp tim thông thường ở người trưởng thành từ 60 – 100 lần/phút. Nhịp tim có thể chậm hơn ở người trẻ tuổi, đặc biệt ở các vận động viên, hay khi ngủ. Nhịp tim cũng có thể nhanh hơn khi lo lắng, hốt hoảng hay khi sốt.
Rối loạn nhịp tim xảy ra khi có rối loạn hình thành xung động hay do rối loạn hệ thống dẫn truyền, dẫn đến nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường, hoặc không đều.

Những ai có thể bị rối loạn nhịp tim?

Bất cứ ai cũng có thể bị rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, những đối tượng nguy cơ cao dễ bị rối loạn nhịp tim hơn người bình thường như những bệnh nhân có tiền căn tim mạch trước đó: suy tim, bệnh lý van tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành; bệnh nhân có bệnh lý về tuyến giáp: suy giáp hay cường giáp;  bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, hội chứng ngưng thở lúc ngủ; tiền căn gia đình có người bị rối loạn nhịp tim trước đó; những người thường xuyên căng thẳng, stress, thừa cân, béo phì…

Biểu hiện rối loạn nhịp tim như thế nào?

Tùy theo dạng rối loạn nhịp tim đang mắc, mà có những biểu hiện khác nhau. Rối loạn nhịp tim có thể không gây ra triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, có những rối loạn nhịp có thể ảnh hưởng hoạt động bóp máu của tim đến các cơ quan, hay có nguy cơ hình thành huyết khối trong buồng tim gây tắc mạch não (rung nhĩ), nguy hiểm hơn có thể gây ngưng tim đột ngột. Do đó, rối loạn nhịp cần phải được chẩn đoán sớm và có hướng điều trị thích hợp. 

Những triệu chứng thông thường của rối loạn nhịp:

  • Cảm giác hồi hộp, lo lắng,
  • Đánh trống ngực,
  • Hụt hơi, tim bị hẫng một nhịp,
  • Chóng mặt, xây xẩm, ngất,
  • Đau ngực, khó thở.

Các cận lâm sàng để chẩn đoán rối loạn nhịp:

Rối loạn nhịp tim để chẩn đoán cần phải kết hợp giữa lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ qua thăm khám có thể phát hiện được nhịp nhanh, nhịp chậm, hay nhịp tim không đều, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác cần phải kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng.
Trong các xét nghiệm cận lâm sàng, điện tâm đồ (ECG) bề mặt là quan trọng nhất, cho thấy đặc điểm điện học của từng rối loạn nhịp.
Tuy nhiên, điện tâm đồ chỉ có thể phát hiện được rối loạn nhịp tại thời điểm đo. Trong trường hợp còn nghi ngờ có rối loạn nhịp nhưng không đo được trên điện tâm đồ, hoặc cần đánh giá toàn diện hơn, bác sĩ sẽ cho chỉ định đo Holter ECG. Bệnh nhân sẽ đeo máy đo Holter trên người để ghi điện tâm đồ liên tục trong 24 tiếng hoặc 48 tiếng để phát hiện các rối loạn nhịp thoáng qua, rối loạn nhịp không có triệu chứng trong khoảng thời gian này.

Holter là gì?

Holter điện tim là một máy ghi điện tim nhỏ kích thước bằng một máy điện thoại di động được gắn trên người để theo dõi điện tim trong một khoảng thời gian, thường là 24 giờ. 
Khác với điện tim thường quy chỉ ghi được nhịp tim trong vòng 10 – 30 giây, holter điện tim ghi lại 24 giờ sẽ tăng khả năng phát hiện bệnh tim, đặc biệt là các rối loạn nhịp tim xuất hiện thoáng qua rồi hết. Nếu ghi điện tim thường đa số không phát hiện ra bệnh.

Các trường hợp thường được các bác sĩ chỉ định ghi Holter điện tim 24 giờ:

  • Ngất chưa rõ nguyên nhân.
  • Chóng mặt, xây xẩm thoáng qua.
  • Cơn hồi hộp, tim đập nhanh thoáng qua.
  • Nhịp tim chậm.
  • Theo dõi đáp ứng sau điều trị rối loạn nhịp tim.
  • Phát hiện rối loạn nhịp tim ở người bệnh suy tim giai đoạn cuối, bệnh cơ tim phì đại, bệnh van tim.
  • Đột quỵ nhồi máu não mà bác sĩ nghi ngờ rung nhĩ.
  • Tính toán tần số xuất hiện ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ trong 24 giờ.

Máy Holter điện tim có hại gì không?

  • Máy Holter điện tim, cũng như máy ghi điện tim thông thường, không đau và không gây hại cho cơ thể.
  • Các miếng dán điện cực có thể gây kích ứng da với những người có cơ địa không phù hợp. Tuy nhiên các biểu hiện thường nhẹ như: mẩn ngứa cục bộ ở chỗ dán điện cực và sẽ tự hết sau vài ngày.

Các lưu ý khi ghi điện tim 24h:

  • Cần tránh các hoạt động gắng sức vì có thể gây nhiễu tín hiệu điện tim.
  • Tránh gần các máy dò kim loại, các thiết bị có nam châm lớn, các khu vực có điện thế cao có thể gây nhiễu thiết bị
  • Tránh môi trường quá nóng ra mồ hôi nhiều gây sút điện cực trên da người bệnh.
  • Không làm ướt điện cực, làm ướt máy Holter hoặc làm rớt máy, tránh va đập.
  • Ghi chép tỉ mỉ các triệu chứng và các hoạt động trong ngày vào “nhật kí” được cung cấp kèm theo khi đeo máy. 
  • Trong khi đeo máy, nếu thấy bất cứ triệu chứng gì bất thường như: ngất, hồi hộp kéo dài, đau ngực, khó thở… cần nhập viện ngay mà không chờ tới đủ 24 giờ.

Những cận lâm sàng cần thiết khác để chẩn đoán rối loạn nhịp:

Trong một số trường hợp đặc biệt, không chẩn đoán được rối loạn nhịp trên ECG bề mặt và Holter ECG, bác sĩ có thể cho các xét nghiệm chuyên biệt khác như: nghiệm pháp bàn nghiêng, thăm dò điện sinh lý tim…

Kết luận

Rối loạn nhịp là một bệnh lý tim mạch thường gặp. Tùy thuộc vào dạng rối loạn nhịp mà có các biểu hiện khác nhau và các hướng điều trị khác nhau, từ không điều trị gì đến cần các điều trị chuyên biệt.
Holter điện tim là một thiết bị vô cùng hữu ích đối với bác sĩ trong việc chẩn đoán cho bệnh nhân mắc bệnh rối loạn nhịp tim. 
Để phòng tránh những biến chứng, hệ lụy nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, bạn nên khám sức khỏe định kỳ hoặc đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khi có các biểu hiện nghi ngờ rối loạn nhịp để bác sĩ có những chẩn đoán và can thiệp sớm nhất.

Tài liệu tham khảo

https://www.racgp.org.au/getattachment/97672619-5a5d-4675-a616-e19aec1ee094/Patient-information.aspx
https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/diagnosing-a-heart-attack/holter-monitor
https://www.nhlbi.nih.gov/health/arrhythmias#:~:text=An%20arrhythmia%2C%20or%20irregular%20heartbeat,down%20while%20resting%20or%20sleeping.
 
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2023,
Chủ đề: BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: Tiếp cận toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)