Bài viết được tham vấn nội dung bởi BS.CKI Vương Bích Trân, Phó khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU), BVĐK Hồng Hưng
Sốt mò – căn bệnh nghe có vẻ khá lạ tai và hiếm gặp ở nước ta nhưng lại là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính khó chẩn đoán, khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua.
Vừa qua, bệnh nhân nam N.Đ.T, 30 tuổi, ngụ Gò Dầu, Tây Ninh đã nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng với tình trạng sốt cao, lạnh run trong 10 ngày không giảm, kèm nổi hạch bẹn phải, hạch sau tai 2 bên, có cảm giác đau. Khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân không thực hiện đo nhiệt độ tại nhà nhưng có mua thuốc hạ sốt để uống, song không thuyên giảm. Những ngày sau đó, ở bệnh nhân có xuất hiện biểu hiện đau cơ toàn thân, đau đầu, đỏ mắt. Đến ngày 03/11/2023, nhận thấy vẫn còn sốt, gia đình đã quyết định đưa bệnh nhân đến BVĐK Hồng Hưng để thăm khám và điều trị.
Anh T. cho hay, mình làm nghề bán trầu cau ở Miếu Ông Đá (Bến Cầu), nơi này khá hoang sơ, nhiều cây cối bụi rậm và trước đó một đồng nghiệp làm cùng anh cũng từng bị sốt kéo dài tương tự.
Với các dấu hiệu: nổi hạch bẹn to, đau cơ, đau đầu, đỏ mắt diễn tiến nặng dần cùng biểu hiện suy đa tạng, tuột huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng; các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng đã tiến hành thăm khám và phát hiện có thêm một vết loét ở vùng mông trái của bệnh nhân.
Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và vết loét điển hình cùng với kết quả xét nghiệm PCR dương tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt ve mò và kê đơn với các loại kháng sinh thích hợp. Sau gần 8 ngày điều trị, với sự đáp ứng tốt, bệnh nhân đã được xuất viện trong trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn, chức năng các cơ quan hồi phục.
Sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra. Bệnh sốt mò hay gặp ở các nước châu Á nhiệt đới, nhất là những nơi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay dọc bờ sông suối. Đặc điểm của bệnh là sốt kéo dài 2 – 3 tuần, kèm theo vết loét điển hình. Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ rất đơn giản và hiệu quả, với mức chi phí không hề cao.
Sốt mò là căn bệnh khó có thể nhận biết được, khởi phát từ những vết cắn của ấu trùng mò, bệnh không lây truyền từ người sang người. Vì hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nên các biện pháp phòng chống ve mò chính vẫn là:
- Phát quang khu vực xung quanh nhà ở: dọn dẹp cỏ dại, diệt chuột, các loài gặm nhấm, khai thông cống rãnh.
- Phun thuốc diệt côn trùng định kỳ 6 tháng/lần.
- Không nằm hoặc phơi quần áo ở nơi ẩm ướt, tránh ấu trùng mò bám vào.
- Tránh tiếp xúc nơi có nhiều cây cỏ rậm rạp, cỏ dại, đất mùn.
Ngay khi có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và kê đơn phù hợp, hạn chế việc tự mua thuốc uống, kéo dài thời gian bệnh, dẫn đến những biến chứng nặng nề.
- Qua Hotline: (0276) 3836 991 – 0941 6969 39
- Qua ứng dụng “BV Hồng Hưng – Đăng ký Khám bệnh” trên: CH Play (hệ điều hành Android) & App Store (hệ điều hành iOS)
- Địa chỉ: 82 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
- Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
- Email: dichvukhachhang@honghunghospital.com.vn
- Fanpage: