VIÊM MŨI DỊ ỨNG

Bs. Nguyễn Minh Tuyến

Bác sĩ Tai- Mũi – Họng, khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm bên trong mũi do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông vũ… với các biểu hiện như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi hoặc ngứa mũi.

Viêm mũi dị ứng thường chia làm 2 nhóm dựa vào thời gian xuất hiện trong năm:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa: thường các tác nhân gây dị ứng là phấn hoa, nấm mốc…
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm: thường các tác nhân gây dị ứng là bụi nhà, gián, lông động vật…

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng có dễ không?

Viêm mũi dị ứng thường dễ được nhận biết với 3 triệu chứng điển hình: hắt hơi, ngứa mũi và chảy nước mũi. Viêm mũi dị ứng thường tự khỏi, không gây biến chứng. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nếu như có kèm theo các triệu chứng khác như: sốt, ho hay các biểu hiện toàn thân.

Thông qua khai thác về tiền sử dị ứng của người bệnh và gia đình, hỏi về môi trường sống và làm việc, hỏi về khởi phát, mức độ nặng, triệu chứng phối hợp và các tác nhân nghi ngờ, bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán tình trạng viêm mũi dị ứng và các tác nhân nếu có. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần cho bạn làm thêm một số xét nghiệm như: soi dịch mũi, các test dị nguyên miễn dịch để loại trừ nguyên nhân khác.

Điều trị viêm mũi dị ứng như thế nào?

Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng là biện pháp hữu hiệu nhất để điều trị viêm mũi dị ứng.
Khi không thể xác định được các tác nhân hoặc bạn không thể tránh được, một số thuốc sau đây có thể làm giảm triệu chứng và giảm mẫn cảm:

  • Thuốc kháng histamine đường uống (fexofenadine, desloratadine, centirizin), đường xịt tại chỗ (azelastin).
  • Thuốc thông mũi, co mạch để làm giảm nghẹt mũi: phenylephrine, pseudoephrin uống hoặc oxymetazolin, phenylephrine… xịt mũi.
  • Corticosteroid đường xịt mũi (fluticasone, mometasone, budesonide), đường uống (prednison, methylprednisolone – chỉ dùng ngắn ngày, trong đợt cấp).
  • Kháng leukotriene: montekulast
  • Giảm mẫn cảm đặc hiệu có hiệu quả tốt đối với dị ứng phấn hoa theo mùa.

Làm gì để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng?

Nên tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Khi biết bản thân bị dị ứng với tác nhân gì, cố gắng hạn chế tiếp xúc với tác nhân đó. Đeo khẩu trang trong khu vực có nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây dị ứng là biện pháp phòng tránh tốt cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo

Bộ y tế, 2014, Viêm mũi dị ứng (Allergic Rhinitis) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về dị ứng – miễn dịch lâm sàng,ban hành kèm theo Quyết định số 3942/QĐ-BYT ngày 02/10/2014.