Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi…

“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Ngày còn đi học, miệng cứ đọc làu làu những câu ca dao trên mà nào hiểu hết ý nghĩa.
Ngày lớn khôn mới hiểu và thấm thía hết từng chữ, từng câu, thương biết bao tình cảm thiêng liêng của người làm cha, làm mẹ…

Ấy vậy mà, vẫn còn nhiều lắm, những người cha, người mẹ dành hết cuộc đời cho con cái, thế nhưng về già vẫn chỉ thui thủi một mình…
Đó là câu chuyện của cô L và chú B., hai vợ chồng có với nhau được tới 4 người con nhưng ở cái tuổi ngoài 70, cô chú vẫn đang phải bươn chải mưu sinh kiếm sống từng ngày. Cô thì rửa chén cho quán ăn được 50 nghìn/ buổi, chú thì phụ dọn dẹp cho lò mổ, được 100 nghìn/ 1 đêm – công việc buộc chú phải làm suốt đêm dù sức khỏe chú rất kém…

Rồi không may, cô bị té gãy tay, nhưng vì không có tiền đi viện, chú tự hái lá về băng bó cho cô hàng ngày, vết thương không thuyên giảm mà ngày càng có dấu hiệu sưng tấy, nhiễm trùng. Không chịu nỗi khi nhìn cô đau đớn từng ngày, chú chở cô đến tòa soạn Báo Tây Ninh kêu cứu và may mắn thay Phòng Công tác xã hội Bệnh viện ĐK Hồng Hưng có dịp được giới thiệu về hoàn cảnh của cô chú.

Sau khi tiếp nhận bệnh, tiến hành các cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn giữa các bác sĩ Ngoại khoa, nhận thấy cô tuổi cao, sức yếu mà vết thương hiện chưa cần thiết phải mổ, cô đã được chỉ định tập vật lý trị liệu, kết hợp dùng thuốc trong thời gian 3 tháng tại Bệnh viện… với toàn bộ chi phí được Bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn.

3 tháng ấy, dẫu không tốn tiền thuốc men, nhưng tiền đi lại đổ xăng, cô chú cũng phải chắt mót lắm. Theo lời cô kể, hai vợ chồng phải bán dần những món có giá trị trong nhà mới đủ tiền làm lộ phí: “Hôm rồi tui bán cái bàn nhôm hai vợ chồng ăn cơm ở nhà được 300 ngàn, rồi đổ xăng đi tới lui cũng hết. Hôm kế tui bán luôn cái phơi sào đồ được 200 ngàn nữa… Mà giờ nhà chả còn gì để bán nữa cô ơi…”

Càng chạnh lòng hơn khi chứng kiến cảnh cô chú chuẩn bị cho bữa ăn chiều sau giờ tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện. Không gì hơn, bữa chiều hôm ấy của cô chú chỉ là 2 ổ bánh mì mà ai đó đã cho từ hôm trước, được nướng lại, cháy khét, khô cứng…

Ngày ngày, bất kể nắng mưa, chú đều đặn, ân cần đưa cô đến Bệnh viện điều trị. Những hôm đợi cô tập vật lý trị liệu, chú nằm ngủ trên băng ghế chờ bên ngoài. Cô kể: “Từ nhà tới Bệnh viện ổng chạy cỡ 1 tiếng, có khi mệt quá, ổng ngừng lại rồi gục đầu lên xe ngủ đỡ 10 phút mới chạy tiếp nổi…”. Có lần chú ngất xỉu ngay tại khu ngồi chờ do suy nhược cơ thể, thiếu ăn, thiếu ngủ trong thời gian dài. Nhân viên Bệnh viện đã kịp thời mua bánh, sữa cho chú ăn đỡ đói và đưa chú đi khám tổng quát, kê toa thuốc bổ cho chú uống thêm…

Sau 3 tháng điều trị tại Bệnh viện, hiện tay cô đã gần như đã hồi phục 80% mà không cần phải mổ. Ngày chia tay Bệnh viện, nhìn cô chú ngậm ngùi ra về mà không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt: “Mấy cháu tốt với vợ chồng già tui quá, tụi tui không bao giờ quên ơn Bệnh viện Hồng Hưng này… lo cho bả là quá đủ rồi, giờ còn lo tới cho tui nữa… Tui mang ơn Bệnh viện nhiều lắm!”

Hãy nghĩ về cha mẹ – đấng sinh thành nuôi dưỡng chúng ta nên người và sống cho phải đạo! Đừng để họ phải cô đơn trong tuổi già, bạn nhé!!!

Chia sẻ luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu và những nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống. Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng với khẩu hiệu “Chia sẻ cuộc sống”, luôn hy vọng sẽ được hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, đóng góp và sẻ chia nhiều hơn cùng những mảnh đời khó khăn

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7