Trật khớp vai – khi “cái vai lạc chỗ”, đừng xem nhẹ!

Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng đẹp trời, bạn tham gia một trận cầu lông sôi động hay một buổi tập gym hào hứng, bỗng một động tác quá sức, một cú trượt chân bất ngờ và… “rắc!” – vai bạn đau nhói, tê buốt, không thể cử động được nữa. Có thể bạn vừa bị… trật khớp vai.

trat khop vai

Trật khớp vai là gì?

Trật khớp vai là một trong những chấn thương khớp phổ biến nhất, xảy ra khi đầu xương cánh tay “trật ra” khỏi ổ chảo của xương vai, cái ổ vốn có tác dụng giữ và điều phối các chuyển động phức tạp của khớp này. Do cấu tạo giải phẫu cho phép vai có biên độ vận động lớn nhưng đồng thời cũng khiến khớp này “mong manh” hơn, dễ bị chấn thương khi vận động sai cách hoặc gặp tai nạn.

Không chỉ vận động viên thể thao, người trẻ tuổi ưa thích vận động mạnh, mà ngay cả những người bình thường, chỉ cần một cú ngã bất ngờ, một cái vấp cầu thang hoặc một động tác với tay quá tầm… cũng có thể khiến khớp vai bị trật. Thống kê cho thấy trật khớp vai xảy ra phổ biến nhất ở nam giới độ tuổi dưới 30, đặc biệt sau chấn thương thể thao. Nếu không được phục hồi đúng cách, nguy cơ tái phát có thể lên tới hơn 50%.

Những biểu hiện khi bạn đã trật khớp vai

  • Khi khớp vai bị “lệch vị trí”, người bệnh sẽ cảm nhận cơn đau rất chói ngay lập tức;
  • Vai sưng to, biến dạng rõ rệt nhìn từ bên ngoài có thể thấy vai “lõm xuống”;
  • Cánh tay như rủ xuống, mất dáng tự nhiên;
  • Người bị trật khớp vai thường phải dùng tay bên lành đỡ lấy cánh tay bên chấn thương, gần như không thể tự vận động được nữa.

Đừng tự ý xử lý trật khớp vai – hãy đến cơ sở y tế để can thiệp đúng cách

Lúc này, việc đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa là hết sức cần thiết. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chụp X-quang để xác định rõ mức độ tổn thương và có kèm gãy xương hay không.

Nếu là trật khớp đơn thuần, các bác sĩ sẽ nắn khớp vai về đúng vị trí ban đầu, thủ thuật này đòi hỏi kỹ thuật chính xác và phải được thực hiện dưới tác dụng thuốc giảm đau hoặc an thần để hạn chế đau đớn và tránh gây tổn thương thêm.

Xem thêm: Điều trị trật khớp vai tái diễn bằng phẫu thuật Latarjet

Phục hồi chức năng sau điều trị

Nắn lại khớp chỉ là bước đầu tiên. Điều quan trọng hơn cả là phục hồi chức năng. Sau khi khớp đã được đặt lại đúng vị trí, người bệnh cần tuân thủ chương trình vật lý trị liệu bao gồm: các bài tập giúp phục hồi tầm vận động, cải thiện sức mạnh cơ quanh khớp vai và đặc biệt là tái huấn luyện thói quen vận động an toàn.

Điều này rất quan trọng vì một chiếc “vai từng trật” sẽ có nguy cơ bị trật tái phát rất cao, đặc biệt là ở người trẻ. Nếu khớp vai bị trật nhiều lần, các cấu trúc quanh khớp (như dây chằng, bao khớp) sẽ bị giãn lỏng, dễ dẫn đến tình trạng “vai lỏng lẻo”, lúc này, việc phục hồi sẽ phức tạp hơn nhiều, thậm chí cần can thiệp phẫu thuật để cố định lại khớp.

Không nên tự ý nắn chỉnh khi bị trật khớp vai

Đáng tiếc là nhiều người do thiếu hiểu biết hoặc ngại đi khám đã cố gắng tự “bẻ nắn” khớp vai tại nhà, hoặc tìm đến các phương pháp “truyền miệng” như nắn bóp dân gian. Điều này không những không giúp giải quyết triệt để, mà còn có thể gây tổn thương nghiêm trọng thêm cho dây chằng, gân cơ và mạch máu quanh khớp.

Hãy nhớ, bất cứ khi nào bạn gặp tai nạn khiến vai đau nhức dữ dội, sưng nề, biến dạng hoặc không cử động được, hãy lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa xương khớp. Việc xử lý kịp thời và đúng cách sẽ giúp bảo vệ vai bạn, hạn chế nguy cơ tái phát và giữ gìn chất lượng vận động lâu dài.

Đừng để một phút bất cẩn biến thành nỗi ám ảnh kéo dài cho “cái vai từng trật”!

Tài liệu tham khảo

  1. Kauta N, Porter J, Jusabani MA, Swanepoel S. First-time traumatic anterior shoulder dislocation: Approach for the primary health care physician. S Afr Fam Pract (2004). 2023 Jun 26;65(1):e1-e7. doi: 10.4102/safp.v65i1.5744. PMID: 37427774; PMCID: PMC10331046.
  2. Kavaja L, Lähdeoja T, Malmivaara A, Paavola M. Treatment after traumatic shoulder dislocation: a systematic review with a network meta-analysis. Br J Sports Med. 2018 Dec;52(23):1498-1506. doi: 10.1136/bjsports-2017-098539. Epub 2018 Jun 23. PMID: 29936432; PMCID: PMC6241619.

Biên soạn bởi: BS.CKII Triệu Quốc Ngọc

Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 6h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7