CN. Nguyễn Thị Hồng Phúc
Nhân viên Phòng Quản lí chất lượng, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Mang thai là thời điểm lý tưởng để nuôi con khỏe mạnh, một sản phụ khỏe mạnh sẽ sinh ra những em bé có hệ thần kinh và phổi khỏe mạnh. Luyện tập thể dục không chỉ mang lại sức khỏe cho mẹ bầu mà còn là nền tảng ban đầu cho sức khỏe của thai nhi từ bên trong bụng mẹ.
Những lợi ích mà thể dục mang lại cho mẹ
Bạn có biết rằng – chỉ với 150 phút tập thể dục mỗi tuần sẽ mang lại vô số lợi ích cho các mẹ bầu? Nói rõ hơn, nó không nhất thiết phải thực hiện một lần, chỉ cần 10 phút cho mỗi lần tập và đều đặn mỗi ngày cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Việc tập thể dục trong thai kỳ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời như:
- Cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ ngon và sâu hơn;
- Giảm tình trạng trầm cảm trước sinh và sau sinh (vì nguy cơ là như nhau);
- Giảm đau lưng – là một vấn đề thường gặp trong thai kỳ do thay đổi cân nặng và độ cong sinh lý của cột sống;
- Giảm bớt tình trạng táo bón;
- Kiểm soát cân nặng hiệu quả ngay cả trước và sau khi sinh;
- Cải thiện thể lực cũng như hoạt động của tim và mạch máu giúp tăng sức chịu đựng khi sinh;
- Giúp bạn khỏe mạnh, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ, giảm tình trạng tăng huyết áp thai kì.
Những lưu ý cho mẹ bầu trước khi tập thể dục
Mẹ bầu nên đi khám thai trước khi có ý định tập thể dục vì trong một số trường hợp đặc biệt, Bác sĩ sản khoa sẽ cho mẹ những lời khuyên cụ thể về việc hạn chế các hoạt động thể chất hoặc chỉ định cho mẹ một vài bài tập phù hợp với cơ thể mẹ.
Khi nào mẹ bầu không nên tập thể dục trong giai đoạn mang thai?
- Mẹ bầu mắc một số bệnh lý về tim hoặc phổi, thiếu máu, tiền sản giật hoặc huyết áp cao;
- Mẹ mang thai đôi trở lên và có các yếu tố nguy cơ sinh non hoặc có tiền sử sảy thai;
- Mẹ bầu có hiện tượng nhau tiền đạo hoặc nhau bám thấp;
- Hoặc theo tình trạng sức khỏe tại kỳ khám thai gần nhất.
Khuyến khích mẹ bầu tập luyện các bài tập thể dục từ tuần thứ 16 trở lên với sức khỏe được Bác sĩ đánh giá là có thể tập thể dục và duy trì việc luyện tập trong suốt cả thai kỳ. Mẹ bầu nên lắng nghe lời khuyên của Bác sĩ tại từng thời điểm khám thai định kỳ để có một chu kỳ mang thai an toàn và khỏe mạnh.
Gợi ý vài bài tập có thể áp dụng cho bà bầu
Đi bộ là hoạt động tốt cho mẹ bầu, giúp tăng cường hoạt động cho tim và phổi mà không làm đau đầu gối hay mắt cá chân.
Bơi lội được xem là môn thể thao lý tưởng cho mẹ bầu. Bơi lội là một bài tập ít tác động đến khớp và dây chằng vì nước hỗ trợ cơ thể bạn. Bơi lội cũng là một bài tập thể dục nhịp điệu và điều hòa sức bền. Cả hai yếu tố này đã được chứng minh là giúp rút ngắn thời gian chuyển dạ và giảm nguy cơ biến chứng khi sinh.
Yoga (những động tác có chọn lọc): Bạn hãy đăng ký một lớp yoga dành riêng cho bà bầu và tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên. Theo Bác sĩ Nhật, yoga sẽ giúp khớp dẻo dai, hạn chế chấn thương và giúp cơ thể săn chắc toàn diện, bên cạnh đó, yoga sẽ giúp tinh thần minh mẫn và tập trung hơn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng sau tam cá nguyệt thứ nhất, các động tác nằm ngửa phải được loại bỏ khỏi bài tập.
Đi xe đạp: nhẹ nhàng hàng ngày có thể giúp mẹ bầu thoải mái tinh thần, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, để an toàn cho cả mẹ và em bé trong bụng, mẹ bầu nên chọn đạp xe trên những đoạn đường ít người, bằng phẳng và không bị ô nhiễm bởi khói bụi nhà máy và đi cùng người thân.
Hoặc những hoạt động thể dục khác mà bạn được Bác sĩ sản khoa gợi ý cho lần tái khám gần nhất.
Nếu bạn đã quen với việc tập thể dục trước khi mang thai, hãy dành khoảng 4 ngày một tuần, mỗi ngày 30 phút. Nếu bạn là người mới làm quen hoặc chưa từng tập thể dục nhiều, hãy bắt đầu từ từ với 10 phút mỗi lần và xây dựng dần dần.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý giảm tốc độ hoặc dừng lại nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc đau và phải đảm bảo rằng bạn cung cấp đủ nước, mặc quần áo rộng rãi và phù hợp trong quá trình tập thể dục. Đồng thời, bạn không nên tham gia các hình thức thể dục mang tính chất vận động mạnh, gập người, vận tốc nhanh như: đấu võ, hít xà đơn, điền kinh, boxing, quần vợt…
Mẹ bầu nên tạm ngừng tập thể dục và đến gặp bác sĩ nếu có một số dấu hiệu sau đây:
- Xuất huyết âm đạo;
- Chóng mặt;
- Thở nhanh, nông khi gắng sức;
- Có cơn gò kèm đau bụng;
- Ra nước ối;
- Đau đầu;
- Đau nhói ngực;
- Yếu cơ ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng;
- Sưng phù kèm đau chân.
Hành trình mang thai là một hành trình hạnh phúc không giấy mực nào diễn tả được. Sự liên kết giữa mẹ và bé là điều diệu kỳ mà tạo hóa đã ban tặng cho những người phụ nữ. Mến chúc các chị em đang và sắp làm mẹ sẽ có một chu kỳ mang thai khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo
- https://www.rcog.org.uk/for-the-public/browse-all-patient-information-leaflets/physical-activity-and-pregnancy/
- https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-sau-sinh-va-ba-bau-nen-tap-the-duc-the-nao-de-khong-loi-bat-cap-hai-16922032523434806.htm
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)