CN.ĐD Nguyễn Thị Cúc
Điều dưỡng trưởng, Đơn vị Tiêm chủng – Dinh dưỡng, Khoa Khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Người mắc bệnh tiểu đường cần xây dựng cho mình kế hoạch ăn uống cân bằng, lành mạnh và duy trì đều đặn thường xuyên. Đều này giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn, kiểm soát được đường huyết tránh tăng quá cao hay hạ quá thấp, kiểm soát được cân nặng và hạn chế những biến chứng lâu dài như tổn thương thần kinh, thận và tim.
Một bữa ăn cân bằng, lành mạnh hay còn gọi là “ăn kiêng” không phải là nhịn ăn mà là một bữa ăn có chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý dựa vào mục tiêu sức khoẻ, khẩu vị và lối sống cũng như thuốc bạn đang dùng
Thông tin sau đây hướng dẫn bạn cách lập kế hoạch bữa ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng trong khi vẫn giữ mức đường huyết của bạn trong mục tiêu.
Các thành phần dinh dưỡng cần có trong một “bữa ăn kiêng” như thế nào?
Các thành phần dinh dưỡng trong một “bữa ăn kiêng” phải có đầy đủ 4 nhóm chất: chất đường, tinh bột hay còn gọi carbohydrate, chất đạm hay còn gọi là protein, chất béo hay còn gọi là lipid và nhóm chất còn lại là chất xơ, vitamin và các khoáng chất.
Mỗi loại thực phẩm có thể gồm một hoặc nhiều nhóm chất này. Bạn có thể sử dụng phương pháp đơn giản “Đĩa thức ăn”, để lực chọn các thực phẩm phù hợp cho bữa ăn của bạn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng một đĩa ăn đường kính khoảng 1 gang tay (khoảng 20cm hay 9inch). Một bữa ăn sẽ bao gồm:
- 1/2 của đĩa là rau củ không chứa tinh bột (màu xanh) như: bắp cải súp lơ, cải xoong, măng tây, xà lách, cà rốt, cà tím, bông cải xanh, cải thảo, đậu bắp, dưa chuột, rau chân vịt, bông cải, đậu xanh…
- 1/4 sẽ là chất đạm (màu đỏ) như: gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, đậu hũ.
- 1/4 còn lại sẽ là các thực phẩm chứa tinh bột (màu tím) như khoai tây, cơm, mì, trái cây, yogurt hoặc một cốc sữa.
- Dùng kèm sẽ là một cốc nước lọc hoặc nước uống không tạo năng lượng như trà đá không đường.
Khẩu phần ăn dành cho người mắc bệnh tiểu đường?
Chất đường, tinh bột hay carbohydrate là nhóm thực phẩm chính sẽ làm tăng mức đường huyết của bạn. Đo lường và theo dõi lượng chất đường, tinh bột bạn ăn và đặt giới hạn cho mỗi bữa ăn có thể giúp giữ lượng đường trong máu ở mức mục tiêu.
Bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xem bạn có thể ăn bao nhiêu tinh bột mỗi ngày và trong mỗi bữa ăn, sau đó tham khảo danh sách các loại thực phẩm phổ biến có chứa tinh bột để lựa chọn khẩu phần ăn. Một cách đơn giản, ngoài phương pháp “Đĩa thức ăn”, nguyên tắc “bàn tay Zimbabwe” có thể giúp bạn đo lường lượng thực phẩm trong khẩu phần trong một bửa ăn:
- Số lượng tinh bột: tiêu biểu là cơm, chỉ ăn một lượng bằng 1 nắm tay, trong trường hợp lao động nặng hoặc tập luyện nhiều thì có thể ăn 2 nắm.
- Số lượng đạm: tiêu biểu là thịt cá, chỉ ăn một phần tương ứng bằng 1 lòng bàn tay, có độ dày bằng độ dày ngón tay út.
- Số lượng rau: chọn lượng rau đầy hai lòng bàn tay, chọn các loại rau ít carbohydrat: rau có lá xanh, bông cải xanh, đậu xanh.
- Số lượng dầu mỡ: giới hạn lượng chất béo bằng với đốt đầu tiên của ngón cái (tương đương một muỗng cà phê 5ml). Nên chọn các loại dầu thực vật như: dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô liu, dầu hướng dương.
Người mắc bệnh tiểu đường cần ăn bao nhiêu bữa ăn trong ngày?
- Bạn cần duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày. Nếu bạn kiểm soát tốt đường huyết không khuyến cáo chia nhỏ bữa ăn.
- Thời điểm bữa phụ: bữa phụ vào cuối buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ chỉ được thực hiện nếu có nguy cơ hạ đường huyết cuối buổi chiều hoặc nửa đêm
Ngoài ra trường hợp tiêm insulin có thể có nguy cơ bị hạ đường huyết vào thời điểm nào trong ngày thì nên có bữa phụ vào thời điểm đó. Hoặc trường hợp có tập thể dục thể thao cường độ cao nên có bữa phụ trước khi tập luyện, bổ sung thêm trong khi tập luyện nếu thời gian tập luyện kéo dài.
Nên hạn chế những thực phẩm và đồ uống nào nếu bị tiểu đường?
Người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế dùng những thực phẩm và thức uống sau:
- Thực phẩm chiên và những thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như:
-
- Khoai lang nướng, bánh mỳ, bột dong, đường kính, mật ong,
- Một số trái cây có chỉ số tăng đường huyết nhanh: dưa hấu, vải, nhãn, xoài, sầu riêng,
- Uống nước, thức ăn có đường như: nước ép trái cây, nước tăng lực, soda, kem, kẹo, bánh nướng, sữa, trà hay cà phê có đường. Cân nhắc sử dụng chất thay thế đường trong sữa, cà phê hoặc trà.
- Thực phẩm chứa nhiều muối, phủ tạng động vật, mỡ, chất kích thích.
- Nên uống rượu vừa phải, không quá một ly mỗi ngày nếu bạn là phụ nữ hoặc hai ly mỗi ngày nếu bạn là nam giới.
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuyp 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 5481 /QĐ-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/diet-eating-physical-activity
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2023,
Chủ đề: BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: Tiếp cận toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Chủ đề: BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: Tiếp cận toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)