Bạn hỏi – Bác sĩ trả lời | Sự kiện Tư vấn sức khỏe: “BỆNH LÝ TIỂU ĐƯỜNG – CAO HUYẾT ÁP – THẬN”

TỔNG HỢP GIẢI ĐÁP cho những câu hỏi của khán giả trong Chương trình Tư vấn sức khỏe – Chủ đề: “BỆNH LÝ TIỂU ĐƯỜNG – CAO HUYẾT ÁP – THẬN”

Vừa qua, chương trình tư vấn sức khỏe BỆNH LÝ TIỂU ĐƯỜNG – CAO HUYẾT ÁP – THẬN tại BVĐK Hồng Hưng đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực cũng như sự tương tác nhiệt tình từ Quý khán giả, không chỉ tại sự kiện mà còn trên các nền tảng hạ tầng số phát sóng trực tiếp.

Xem lại toàn bộ nội dung chương trình tại đây

Suốt thời gian từ khi tiếp nhận đăng kí và ngay tại sự kiện, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Quý bà con từ nhiều kênh khác nhau. Vì thời gian của chương trình có hạn, nên một vài câu hỏi đã chưa được giải đáp ngay tại sự kiện. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc chương trình, các câu hỏi đã được Ban tổ chức chuyển đến các chuyên gia của chúng ta để được hỗ trợ giải đáp.

Hãy cùng BVĐK Hồng Hưng điểm qua một số câu hỏi nổi bật được ghi nhận.

BS.CKI Phạm Văn Tài trả lời:

Chào bạn Võ Hữu Đức! Để chẩn đoán sỏi tiết niệu, bệnh nhân cần thăm khám với BS Chuyên khoa Tiết niệu. Qua các triệu chứng mà bạn có, BS sẽ cho bạn làm các Xét nghiệm và Cận lâm sàng phù hợp như: XN nước tiểu, cấy nước tiểu, siêu âm…Để đánh giá mức độ an toàn thì ta thường dựa vào các yếu tố như:

  • Chẩn đoán đúng và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là tiên quyết,
  • Sau đó sẽ là tay nghề BS và ekip phẫu thuật, phương tiện dụng cụ, thuốc và các vật tư thiết yếu.

BS.CKI Phạm Văn Tài trả lời:

Chào bạn Dann Quốc Trung! Uống nhiều nước là phương pháp để dự phòng sỏi hình thành, sỏi lớn lên hoặc sỏi tái phát. Ngoài ra, chế độ ăn uống, sinh hoạt, cũng như công việc, môi trường sống… có thể ảnh hưởng đến sự hình thành sỏi.
Nguyên tắc uống đủ nước là để nước tiểu không quá đặc, nguy cơ kết tinh các chất tan trong nước tiểu và thành sỏi niệu. Theo hướng dẫn, chúng ta cần uống từ khoảng 30-40ml nước/ kg cân nặng cơ thể trong 24h. Tuy nhiên, BS có mẹo nhỏ để mọi người biết mình uống đủ nước hay chưa dựa vào màu sắc nước tiểu:

  • Nước tiểu màu vàng nhạt: Bạn uống đủ nước.
  • Nước tiểu màu quá sậm, vàng sậm ngả cam: Bạn uống thiếu nước.
  • Nước tiểu màu trắng trong nhạt: Bạn uống quá nhiều nước.

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Hiếu trả lời:

Chào bạn Hồ Văn Lúa! Nguyên tắc về chế độ ăn của người tiểu đường cần:

  • Kiêng ăn đồ ngọt (nước ngọt, sữa ngọt, bánh ngọt, các loại trái cây ngọt như sầu riêng, nhãn, mít chín, xoài chín…)
  • Hạn chế tinh bột
  • Tăng cường rau và chất xơ.

Anh/Chị có thể áp dụng quy tắc ¼: Đối với đĩa thức ăn #20-25cm thì ½ đĩa là rau, trái cây; ¼ đĩa là đạm (thịt, cá, trứng…); ¼ đĩa là tinh bột (cơm, mì, bún, khoai..).

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Hiếu trả lời:

Triệu chứng của người tiểu đường kinh điển là hội chứng 4 nhiều gồm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân; có thể kèm mệt mỏi, nhìn mờ, tê tay chân, vết thương lâu lành.

Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường:

  • Chọn chế độ ăn lành mạnh: tăng cường ăn các loại hạt, ngũ cốc nguyên vỏ, ăn các loại rau, đạm thực vật; hạn chế ăn thịt đã qua chế biến, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều bột đường
  • Tập thể dục thường xuyên: chọn hình thức tập tùy thuộc tình trạng sức khỏe và sở thích, lý tưởng là tập 30 phút/ ngày (khoảng 150 phút/ tuần)
  • Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia
  • Điều trị các bệnh đồng mắc: cao huyết áp, rối loạn lipid máu.

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Hiếu trả lời:

Chào bạn Phản Chí Thiện! Bạn có thể phát hiện bệnh tiểu đường trong các trường hợp sau:

* Tình cờ phát hiện khi xét nghiệm đường huyết khi khám sức khỏe tổng quát

* Xét nghiệm đường huyết tầm soát ở những người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường tuýp 2: người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

  • Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị ĐTĐ
  • Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
  • Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA)
  • HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L)
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
  • Ít hoạt động thể lực.
  • Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
  • Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên.

* Xét nghiệm đường huyết ở những người có triệu chứng nghi ngờ tiểu đường, triệu chứng kinh điển là hội chứng 4 nhiều gồm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân có thể kèm mệt mỏi, nhìn mờ, tê tay chân, vết thương lâu lành.

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Hiếu trả lời:

Chào bạn Hồng Anh! Tiền đái tháo đường không có triệu chứng cụ thể nhưng nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Nếu không điều trị, mỗi năm, có khoảng 5-10% người bị tiền đái tháo đường sẽ phát triển thành đái tháo đường tuýp 2 và khoảng 70% những người bị tiền đái tháo đường sẽ bị đái tháo đường thực sự.

BS.CKI Danh Thị Ngọc Tuyền trả lời:

Chào bạn Nguyễn Gia Bảo! Uống thuốc điều trị tăng huyết áp vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: phù chân, ho khan, chậm nhịp tim. Một số trường hợp khi dùng liều thuốc quá cao có thể gây tụt huyết áp hoặc nếu người bệnh có tiền sử dị ứng có thể gây nổi mẩn ngứa…Vì thế, nếu đang bị cao huyết áp, bạn nên đến thăm khám thêm với các bác sĩ chuyên môn để được khám và tư vấn chi tiết về loại thuốc cũng như liều sử dụng phù hợp với bản thân để hạn chế tối đa những tác dụng phụ cho cơ thể nhé.

BS.CKI Danh Thị Ngọc Tuyền trả lời:

Chào bạn Bùi Quốc Huy! Stress sẽ làm gia tăng hóc môn adrenalin và cortison trong máu, vì thế, sẽ làm tăng nhịp tim, giữ muối, nước và dẫn đến tăng huyết áp. Ngoài ra, cortison tăng lâu ngày dẫn đến tăng đường huyết. Bạn nên tìm cách điều hòa lại tinh thần, thử một vài cách để thư giãn như xem phim, nghe nhạc hoặc một môn thể thao nào đó mà bản thân yêu thích.

BS.CKII Trầm Việt Hòa trả lời:

Chào bạn Lê Minh Lan! Suy thận cấp điều trị tốt sẽ có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng. Tuy nhiên, cần phải theo dõi từ 2-3 năm sau đợt suy thận cấp. Người từng bị suy thận cấp là người có yếu tố nguy cơ mắc phải suy thận mạn. Khi đã chẩn đoán xác định suy thận mạn thì chỉ có thể làm chậm diễn biến của bệnh chứ không thể đảo ngược hoàn toàn tiến triển của bệnh thận mạn.

BS.CKII Trầm Việt Hòa trả lời:

Chào bạn Toàn Nguyên Lê! Hội chứng thận hư hay viêm cầu thận là bệnh lý có nguyên nhân tổn thương ở cầu thận gây tiểu đạm (thận hư tiểu đạm >3.5g/ nước tiểu 24h) kèm theo đó có thể có tiểu máu, tăng huyết áp và khả năng có suy thận cấp trong giai đoạn bệnh đang tiến triển.

  • Nếu xác định được nguyên nhân gây hội chứng thận hư hay viêm cầu thận, điều trị tốt thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
  • Trong trường hợp không xác định được căn nguyên gây bệnh, bệnh có thể trở thành viêm cầu thận mạn, thận hư tái phát hay không hồi phục bệnh có thể tiến triển thành suy thận mạn và có thể mất hoàn toàn chức năng thận.

Tiếp nối thành công của chương trình tư vấn sức khỏe kỳ này, hoạt động tư vấn sức khoẻ tiếp theo trong năm 2024 dự kiến sẽ được diễn ra tại BVĐK Hồng Hưng vào tháng 11.2024 tới đây. 
Kính mời Quý bà con cùng Follow Fanpage Hong Hung Hospital để cập nhật thông tin liên tục từ Bệnh viện!

Để được tư vấn cụ thể hoặc đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, Quý bà con có thể liên hệ đặt lịch với chúng tôi:

—————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7