Bệnh da liễu thường gặp

ThS.BS. Nguyễn Hải Đăng– Bác sĩ điều trị tại Trung tâm Da liễu – Thẩm mỹ Hồng Hưng, BVĐK Hồng Hưng

Bệnh da liễu là những bệnh có biểu hiện ngoài da do nhiều tác nhân gây nên, các tác nhân thường gặp là: vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm, kí sinh trùng), môi trường, hóa chất, hệ miễn dịch, gen hoặc do cơ địa của người bệnh. Bệnh da liễu thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh, đặc biệt khi bệnh có biểu hiện ở vị trí dễ nhìn thấy.

Mày đay

Biểu hiện là các sẩn mảng hồng ban ngứa, châm chích hoặc như kiến lửa đốt. Chúng có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào hoặc lan rộng khắp cơ thể, xuất hiện nhanh và thường biến mất trong vòng 24 giờ. Nguyên nhân gây ra gồm: dị ứng với thuốc, thực phẩm và phụ gia thực phẩm; các tác nhân vật lý như nhiệt độ cao, nhiệt lạnh, nhiễm trùng, nhiễm virus. Điều trị bằng thuốc kháng histamine và thuốc bôi có thể giúp ích.

Vảy nến

Biểu hiện là các sẩn mảng hồng ban tróc vảy trắng, dày. Bệnh vảy nến xuất hiện khi hệ thống miễn dịch kích hoạt các tế bào da mới phát triển quá nhanh nhưng nguyên nhân chính gây ra bệnh vẫn còn chưa rõ. Người ta cho rằng vảy nến là bệnh của gen và các yếu tố môi trường. Các mảng tróc vảy thường xuất hiện trên da đầu và các mặt duỗi như khuỷu tay, đầu gối; cũng có thể xuất hiện rải rác toàn thân. Vảy nến có các thể bệnh: vảy nến giọt, vảy nến mảng, vảy nến móng, viêm khớp vảy nến, vảy nến mủ, vảy nến đỏ da toàn thân. Đây là bệnh mạn tính, có các đợt bùng phát xen kẽ các đợt lui bệnh. Phương pháp điều trị bao gồm kem và thuốc mỡ bôi da, liệu pháp ánh sáng và thuốc uống, tiêm.

Bệnh zona (herpes zoster)

Giai đoạn sớm là các ban đỏ trên da, sau đó tiến triển thành mụn nước, bóng nước kèm theo đau nhức, tăng nhạy cảm. Tổn thương đặc trưng thường chỉ một bên cơ thể, trên vùng da chi phối bởi dây thần kinh tủy sống. Biểu hiện da thường kéo dài từ 7-10 ngày, nhưng đau dây thần kinh sau zona có thể kéo dài hàng tháng – năm. Để điều trị zona bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng virus, giảm đau, vitamin nhóm B, trường hợp bội nhiễm có thể phải sử dụng kháng sinh.

Bệnh chàm

Là một tình trạng viêm da không lây nhiễm. Biểu hiện bệnh thường là da có màu đỏ, ngứa, khô hoặc nổi mụn nước. Bệnh chàm có tính chất di truyền, các yếu tố gây khởi phát và làm nặng bệnh gồm căng thẳng thần kinh, tiếp xúc các chất kích thích (như xà phòng), chất gây dị ứng và khí hậu có thể kích hoạt bệnh bùng phát. Ở người lớn, nó thường xuất hiện ở khuỷu tay, bàn tay và ở nếp gấp da. Điều trị bằng các thuốc uống, bôi, giữ ẩm da và cần tránh các tác nhân gây kích hoạt bệnh.

Herpes simplex

Virus herpes simplex biểu hiện là các mụn nước nhỏ li ti mọc thành chùm, đau rát, ngứa, thường ở quanh miệng hoặc mũi và dễ dàng lây từ người này sang người khác. Mụn nước lành trong khoảng 10 ngày, có thể bội nhiễm vi khuẩn nếu bị vỡ. Điều trị bằng các thuốc kháng virus và dự phòng nhiễm trùng.

Viêm da tiếp xúc

Phát ban sau khi tiếp xúc với các chất độc từ côn trùng, thực vật, các thành phần trong mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm, các loại thuốc thoa, nước sơn, chất tẩy rửa, các axit hoặc bazo. Ban đầu là các vết đỏ và sưng tại chỗ sau đó trở nên ngứa, bỏng rát. Phát ban có thể là dạng vệt dài màu đỏ trên da. Tổn thương thường phục hồi trong vòng 2 tuần. Điều trị bằng các thuốc chống dị ứng, kháng viêm, hoặc kèm kháng sinh nếu nghi ngờ bội nhiễm.

Mụn cóc

Bệnh gây ra bởi virus papilloma ở người (HPV). Mụn cóc lây lan khi bạn tiếp xúc vào thứ gì đó được sử dụng bởi người bị virus. Chúng thường không gây đau nhưng có thể lây lan từ vị trí này sang vị trí khác hoặc lây cho người khác. Có thể dùng thuốc bôi hoặc cắt đốt để loại bỏ chúng. Nên điều trị sớm để tránh lan rộng và không nên tự cắt tại nhà.

Nấm da

Do vi nấm trên da phát triển và trở nên gây bệnh, biểu hiện là các mảng hồng ban mụn nước li tâm rất ngứa, thường xuất hiện ở các vùng nếp kẽ, nhiều mồ hôi, ẩm ướt. Điều trị bằng thuốc uống, thuốc thoa kháng sinh, vệ sinh cơ thể thường xuyên.

Mụn

Bệnh gặp phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Bắt đầu tuổi dậy thì, hormon trong cơ thể thay đổi, các lỗ chân lông tăng sừng hóa gây bít tắc lỗ chân lông, đồng thời các tuyến bã nhờn tăng tiết và chất bã ứ đọng tại nang lông tạo cồi mụn, ngoài ra da nhờn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn C.acnes tăng sinh, gây ra các tình trạng mụn có cồi hoặc mụn viêm và bệnh dễ tái phát. Điều trị bằng thuốc uống, thuốc thoa, sữa rửa mặt, giữ da mặt khô ráo, sạch sẽ, hạn chế ăn thức ăn nhiều đường, nhiều chất béo, hạn chế trang điểm vì sẽ làm tăng bít tắc lỗ chân lông

Trứng cá đỏ

Bệnh có biểu hiện tương tự mụn trứng cá. Sang thương thường là các sẩn đỏ trên nền hồng ban, tập trung vùng giữa mặt, có thể nhìn thấy các mao mạch, sẩn mủ, da sần, lỗ chân lông to. Một số yếu tố được cho là có liên quan tới bệnh như: thường xuyên tiếp xúc ánh nắng, da nhiều nhờn, sự tăng sinh của kí sinh trùng Demodex trên da. Có thể điều trị bằng thuốc uống, thuốc thoa da, có thể điều trị giãn mạch và da đỏ bằng laser.

Kết luận

Một số bệnh da liễu có thể tự khỏi hoặc dễ dàng chữa hết sau một thời gian ngắn, nhưng cũng có nhiều bệnh cần thời gian điều trị lâu dài hoặc bệnh mạn tính với các đợt tái phát, cần sự kiên nhẫn và tuân thủ của bệnh nhân. Nếu nghi ngờ làn da của mình đang mắc bệnh, tốt nhất bạn hãy đến khám ở bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo

  1. Bệnh học da liễu tập 1-2-3, Trần Hậu Khang, bộ môn Da Liễu trường Đại học Y Hà Nội, NXB Y học Hà Nội 2017
  2. Fitzpatrick’s “Color atlat and synopsis of clinical Dermatology 7th
  3. Bệnh học da liễu – 2008 Bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh