ThS.BS. Nguyễn Hải Đăng
Bác sĩ điều trị tại Trung tâm Da liễu – Thẩm mỹ Hồng Hưng, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Sẹo là gì?
Sẹo là một khu vực của các mô bị xơ hóa thay thế da bình thường sau một chấn thương. Sẹo là kết quả của quá trình sinh học sửa chữa vết thương trên da, cũng như trong các cơ quan và mô khác của cơ thể. Do đó, sẹo là một phần tự nhiên của quá trình lành bệnh. Ngoại trừ các tổn thương rất nhỏ, mọi vết thương (ví dụ: sau tai nạn, bệnh hoặc phẫu thuật) đều dẫn đến một mức độ sẹo nhất định.
Quá trình hình thành sẹo và các dạng sẹo
Sau khi bị tổn thương, da sẽ trải qua quá trình lành thương gồm các giai đoạn viêm, tăng sinh và tạo sẹo. Trong đó giai đoạn tăng sinh giúp tái tạo biểu mô, tổ chức hạt, tăng sinh collagen, tân tạo mạch. Giai đoạn tạo sẹo là giai đoạn cuối cùng, sẹo trở nên rõ ràng và chắc hơn, màu đỏ và nhạt dần theo thời gian.
Có 2 dạng sẹo là sẹo lồi và sẹo lõm, phụ thuộc vào lượng collagen sản sinh tại mô sẹo. Quá trình lành thương tạo ít collagen thì sẹo sẽ lõm, tạo quá nhiều collagen sẹo sẽ lồi.
- Đối với sẹo lõm do mụn (còn gọi là sẹorỗ), người ta chia ra các dạng: sẹo đáy nhọn, sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông; tùy từng dạng sẹo mà có phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài ra sẹo lõm có thể gặp sau khi bị thủy đậu hoặc chấn thương.
- Sẹo lồi là sẹo nổi cao trên mặt da, bờ rõ,màu đỏ hoặc nâu, xu hướng phát triển ra xung quanh vượt ra ngoài giới hạn tổn thương ban đầu, có dạng nhiều nhánh như càng cua, thường gây cảm giác ngứa.
Các phương pháp điều trị sẹo
Hiện nay có nhiều phương pháp làm mờ sẹo, giúp cải thiện kích thước, mật độ, màu sắc, độ lồi lõm của sẹo như: nội khoa dùng thuốc (thuốc thoa, thuốc tiêm) hay thủ thuật, phẫu thuật…
Tùy dạng sẹo sẽ đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác nhau:
- Đối với sẹo lõm có các phương pháp như: laser, peel, tiêm chất làm đầy, bóc tách đáy sẹo, lăn kim, kỹ thuật tái cấu trúc sẹo bằng TCA (đối với sẹo đáy nhọn),
- Đối với sẹo lồi có phương pháp: tiêm corticoid, tiêm 5-FU, phẫu thuật sẹo, đông lạnh mô sẹo, kem gel và miếng dán silicone,
- Màu đỏ của sẹo làm sẹo trở nên nổi bật hơn nên việc điều trị sẹo đỏ có thể là bước đầu tiên ngay cả khi sẹo chưa cải thiện về mặt kết cấu, sử dụng các laser nhắm vào oxyhemoglobin trong các mạch máu của da.
Để tìm ra phương pháp điều trị sẹo hiệu quả và an toàn, trước tiên cần đến thăm khám trực tiếp cùng bác sĩ.
Ai dễ bị sẹo sau mụn trứng cá?
Nguy cơ sẹo mụn tăng lên ở các cá thể sau:
- Có mụn trứng cá viêm mức độ trung bình nặng, mụn dạng nang, nốt, mụn mủ kích thước lớn và thương tổn sâudưới da.
- Trì hoãn không điều trị sớm, đặc biệt các thể mụn trung bình, nặng.
- Lấy mụn không đúng cách gây các tổn thương lớn cho da tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng da.
Vì vậy, việc phòng ngừa sẹo bằng cách điều trị mụn trứng cá hiệu quả là điều vô cùng cần thiết và phải ưu tiên điều trị mụn trước khi bắt đầu trị sẹo. Đối với các trường hợp mụn nặng hoặc dễ tái phát và những người dễ bị sẹo xấu sau mụn, nên tiếp tục duy trì điều trị để giữ làn da không bị mụn trở lại.Tránh thói quen sờ mặt, nặn mụn đúng cách, tập thói quen chăm sóc da nhẹ nhàng.
Cần làm gì khi đã có sẹo
Sẹo là di chứng để lại trên da sau một thương tổn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe tinh thần của người mang sẹo. Các biện pháp khắc phục giúp làm mờ sẹo và cải thiện sẹo về mặt thẩm mỹ. Nếu được điều trị hợp lý, làn da bạn có thể lấy lại vẻ đẹp gần như ban đầu. Ngày nay, có rất nhiều công nghệ thẩm mỹ ra đời giúp cải thiện các tình trạng sẹo xấu. Vì thế bạn có thể đến gặp bác sĩ để cùng tìm hiểu và chọn lựa cho mình một phương pháp điều trị sẹo phù hợp nhất.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
Tài liệu tham khảo
- Bệnh học da liễu tập 3, Trần Hậu Khang, bộ môn Da Liễu trường Đại học Y Hà Nội, NXB Y học Hà Nội 2017
- Fitzpatrick’s “Color atlas and synopsis of clinical Dermatology 7th“
- Bệnh học da liễu – 2008, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh