Chăm sóc da khi mang thai

BS.CKI Nguyễn Thị Thủy
Phó Khoa Sản – Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Gần như 90% phụ nữ mang thai trải qua một số thay đổi về da, bao gồm: thay đổi về sinh lý, trầm trọng hơn các bệnh da liễu có sẵn hoặc xuất hiện các bệnh về da mới. Tất cả những việc này có liên quan đến sự thay đổi nội tiết, huyết học, chuyển hóa và miễn dịch khi có thai. Một trong những thay đổi nổi bật gây ra tình trạng trên là sự gia tăng androgen – một “nội tiết tố nam giới” gây ra sự thay đổi lớn về da và hệ thống lông, tóc, móng.

Một số thay đổi về da khi mang thai

Nám: Do sự gia tăng sắc tố melanin của cơ thể nên người phụ nữ sẽ xuất hiện những mảng sậm màu hoặc các đốm nâu mà chúng ta hay gọi là “nám da – mặt nạ thai kỳ” chiếm tỷ lệ lên đến 70% các bệnh về da trong thai kỳ. Nám da có thể được cải thiện sau khi sinh, nhưng chúng thường kéo dài và gây ra những thách thức trong việc điều trị.

Mụn trứng cá: thường ít gặp trong ba tháng đầu thai kỳ nhưng có thể xuất hiện nhiều từ ba tháng cuối do nồng độ androgen của người mẹ tăng lên cao và hậu quả của việc tăng tiết bã nhờn ở da. Những phụ nữ có tiền sử bị mụn trứng cá thường dễ bị mụn nặng hơn khi mang thai. Quản lý mụn trứng cá khi mang thai là một thách thức, vì có nhiều thuốc điều trị được mụn trứng cá nhưng bị chống chỉ định hoặc không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Rạn da: thay đổi phổ biến nhất trong thời kỳ mang thai (chiếm tỷ lệ 63% – 90%), thường xảy ra vào ba tháng cuối thai kỳ và hầu như có liên quan đến yếu tố di truyền, stress và tăng cân quá mức. Sau khi sinh, vết rạn da sẽ mờ dần nhưng không mất, tạo ra các đường vệt trắng hình răng cưa. Rạn da xuất hiện từ bụng xuống chi dưới.
Giãn các tĩnh mạch trên da: xảy ra ở 67% phụ nữ mang thai thuộc nhóm da trắng và thường vào ba tháng giữa, sau đó, sẽ hết trong vòng ba tháng sau khi sinh và không liên quan đến số lần mang thai. Ngoài ra, do áp lực thủy tĩnh trong tĩnh mạch tăng cao, đặc biệt là ở chi dưới có thể dẫn đến phù không lõm và giãn tĩnh mạch. Có sự tăng kích thước các khối u mạch máu trước đó và xuất hiện các tổn thương mạch máu khác như u mạch máu (hemangioma), u hạt sinh mủ (pyogenic granuloma), ban xuất huyết hoặc nốt xuất huyết.

Mảng và sẩn ngứa khi mang thai (Pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy -PUPPP): Trong PUPPP, những nốt mụn nhỏ, đỏ và nổi mề đay sẽ xuất hiện trên da vào giai đoạn sau của thai kỳ. Các vết sưng có thể tạo thành các mảng lớn và có thể rất ngứa. Những vết sưng này thường xuất hiện đầu tiên ở bụng và có thể lan xuống đùi, mông và vú. Không rõ nguyên nhân gây ra PUPPP, tuy nhiên, nó thường biến mất sau khi sinh con.

Sẩn ngứa (Prurigo): Các nốt nhỏ li ti, ngứa trông giống như vết côn trùng cắn có thể xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trên da. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Sẩn thường bắt đầu với một vài vết sưng và số lượng tăng lên mỗi ngày. Đây được cho là do những thay đổi trong hệ thống miễn dịch xảy ra trong thời kỳ mang thai. Sẩn ngứa có thể kéo dài trong vài tháng và thậm chí có thể tiếp tục trong một thời gian sau sinh, thường được điều trị bằng thuốc chống ngứa bôi ngoài da và các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc kháng histamine và corticosteroid.

Bóng nước (Pemphigoid): một tình trạng da hiếm gặp, thường bắt đầu trong quý thứ hai và quý thứ ba của thai kỳ hoặc đôi khi ngay sau khi sinh. Bóng nước có thể do các bệnh về nhiễm virus như thủy đậu, zona hoặc do một rối loạn của bệnh tự miễn trong thai kỳ. Các mụn nước xuất hiện trên bụng, trong trường hợp nặng, các mụn nước có thể bao phủ một vùng rộng trên cơ thể. Đôi khi tình trạng này trở lại trong những lần mang thai sau. Thai phụ khi bị nổi bóng nước sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ, bao gồm sinh non và sinh con nhẹ cân. Cũng có một khả năng nhỏ là bé sinh ra sẽ bị nổi những nốt phồng rộp tương tự vào thời điểm mới sinh. Những mụn nước này thường nhẹ và biến mất trong vài tuần. Cần theo dõi thai chặt chẽ khi phát hiện nổi bóng nước đặc biệt vào những tuần cuối thai kỳ.

Quản lý chăm sóc da khi mang thai

Một số khuyến cáo từ Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ và Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ:

  • Khi mang thai nên tránh sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa retinoids, hydroquinone, formaldehyde hoặc phthalates;
  • Các sản phẩm có chứa axit azelaic, axit glycolic, axit salicylic bôi ngoài da hoặc benzoyl peroxide bôi ngoài da có thể sử dụng an toàn trong thai kỳ nhưng không được lạm dụng quá nhiều khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ;
  • Điều trị mụn trứng cá an toàn khi mang thai bao gồm: điều trị bằng tia laser hoặc ánh sáng, kháng sinh bôi ngoài da, thật cân nhắc khi sử dụng kháng sinh đường uống là azithromycin và clarithromycin, axit azalaic benzoyl peroxide (hạn chế);
  • Sản phẩm dưỡng ẩm, chống lão hóa được cho là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ đã được nghiên cứu bao gồm: chiết xuất từ bơ, cacao, nha đam, dầu dừa, vitamin C và E;
  • Hai thành phần trong kem chống nắng (KCN) được công nhận là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú là titanium dioxide và oxit kẽm hay còn gọi là KCN vật lý, hạn chế sử dụng KCN hóa học vì một số thành phần tồn tại lâu trong máu và trên da;
  • Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo thói quen chăm sóc da khi mang thai bao gồm:
  1. Sử dụng nước ấm khi rửa mặt hoặc tắm;
  2. Thoa chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không chứa cồn bằng đầu ngón tay;
  3. Nếu sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết toàn thân, hãy nhẹ nhàng xoa bóp vào da theo chuyển động tròn;
  4. Rửa sạch bằng nước ấm, vỗ nhẹ thay vì chà xát, làm khô da bằng khăn;
  5. Thoa kem dưỡng ẩm, đặc biệt chú ý không kéo mạnh vùng da quanh mắt;
  6. Thoa KCN gốc khoáng (vật lý) lên bất kỳ khu vực nào tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Các tổn thương liên quan đến sắc tố da: Các thuốc bôi tại vị trí sử dụng chất ức chế tyrosinase, ngăn sự hình thành melanin có thể sử dụng để điều trị. Tuy nhiên, các chất này có thể dẫn đến sự hấp thu toàn thân từ 3% đến 8% nên thận trọng dùng cho phụ nữ có thai. Phân loại của FDA trong thai kỳ với hydroquinone là mức độ C. Thay vào đó, axit azelaic được ưu tiên sử dụng trong thai kỳ với mức B. Axit alpha hydroxy (AHA) đã được sử dụng trong điều trị tăng sắc tố da với hiệu quả tốt. Với phân loại B của FDA, AHA được coi là an toàn khi sử dụng với nồng độ lên đến 10% với độ pH> 3,5.

Mụn trứng cá: Erythromycin Clindamycin là hai loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da phổ biến nhất được kê đơn cho mụn viêm. Chúng được FDA xếp loại B và không có tác dụng gây quái thai nào được báo cáo. Vì vậy, hai loại thuốc kháng sinh bôi này được ưu tiên sử dụng nhất trong thai kỳ. Keratolytics được sử dụng rộng rãi trong điều trị mụn trứng cá bao gồm axit Salicylic axit Glycolic tại chỗ là thành phần thường được sử dụng nhất, vì nó hoạt động như chất tiêu sừng và có nhiều khả năng hấp thụ toàn thân. Các nghiên cứu trên động vật báo cáo dị tật phôi có liên quan đến việc sử dụng toàn thân axit salicylic và axit glycolic liều cao. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu không cho thấy tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh khi sử dụng axit salicylic tại chỗ và khuyến cáo nên hạn chế thời gian, vùng bôi thuốc và tránh tắc mạch. FDA đã không phân loại axit glycolic vào bất kỳ loại nào, nhưng nó được coi là an toàn để sử dụng trong thai kỳ do khả năng hấp thụ toàn thân thấp. Benzoyl peroxide được xếp vào phân loại nhóm C trong thai kỳ, nhưng do thanh thải qua thận rất nhanh nên không có độc tính toàn thân và nguy cơ dị tật bẩm sinh về mặt lý thuyết là rất nhỏ. Benzoyl peroxide có đặc tính kháng viêm rất tốt khi được dùng chung với kháng sinh nên vẫn được cân nhắc khi sử dụng trong thai kỳ với việc đặt lợi ích cao hơn so với nguy cơ và theo chỉ định của bác sĩ.

Rạn da: Các phương pháp điều trị rạn da có sẵn là liệu pháp laser, liệu pháp cacboxy, kem làm mềm da với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào và hoạt chất kích thích tổng hợp collagen và tái tạo biểu mô. Sự đứt gãy của các sợi collagen và elastin gây ra sự biến dạng các vết rạn do mất nước hoặc căng quá mức. Việc sử dụng chất làm mềm và chất giữ ẩm có thể điều trị hoặc ngăn ngừa tổn thương do vết rách ở biểu bì. Một số thành phần dưỡng ẩm an toàn được sử dụng trong thời kỳ mang thai bao gồm: AHA, amoni lactate, silica hữu cơ, phospholipid, cholesterol, axit béo, propylene glycol, glycerin sorbitol. Ngoài ra, vitamin E cũng có thể được sử dụng làm mềm vì hoạt tính chống oxy hóa của nó có thể ngăn ngừa mất nước qua biểu bì. Có một số dược mỹ phẩm, được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung cho vết rạn da, chẳng hạn như axit hyaluronic, panthenol, allantoin, elastin collagen. Axit hyaluronic là polysaccharides glycosaminoglycan, là chất tạo thành mô liên kết và khoang nội bào ở động vật có vú. Nó duy trì tính linh hoạt và độ đàn hồi của mô của biểu mô và các mô đệm bằng cách giữ nước liên kết trong mô. Việc sử dụng axit hyaluronic trong thời kỳ mang thai được coi là an toàn và có thể được sử dụng tự do. Tuy nhiên, axit hyaluronic với mật độ phân tử thấp sẽ thuận lợi hơn vì nó được sản xuất thông qua quá trình phân mảnh polyme hoặc công nghệ nano để tạo điều kiện hấp thụ tốt hơn đến lớp da. Panthenol được coi là an toàn vì nó là một trong những yếu tố có trong da. Mặt khác, sử dụng tại chỗ kem kết hợp có chứa hydroxyprolisilane C, dầu tầm xuân, Centella asiatica triterpenes và vitamin E đã được báo cáo để ngăn ngừa sự phát triển và giảm cường độ của các vết rạn mà không có tác dụng phụ có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để xác nhận lựa chọn điều trị đầy hứa hẹn này trong thai kỳ. Mặc dù sự hấp thu toàn thân của tretinoin là rất ít, nhưng vẫn có một số rủi ro cho thai nhi và trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Vì vậy, tỷ lệ lợi ích – rủi ro khi sử dụng tretinoin để điều trị rạn da sau sinh cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tổn thương mạch máu: phù và giãn tĩnh mạch. Các biện pháp quản lý đối với những tình trạng này bao gồm sử dụng vớ nén áp lực, chế độ ăn uống, nâng cao chân khi ngủ và dẫn lưu bạch huyết bằng tay. Những liệu pháp này có thể làm giảm một số triệu chứng, chẳng hạn như đau, ngứa và phù nề mà không gây ra bất kỳ rủi ro cao nào cho bệnh nhân. FDA khuyến cáo không sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có tác dụng giảm phù nề bao gồm gel thư giãn và các chiết xuất tự nhiên như chiết xuất từ ​​hoa arnica, Hamamelis (cây phỉ) và Aesculus hippocastanum (hạt dẻ ngựa) vì có nguy cơ gây sẩy thai. 

Kết luận

Có nhiều bệnh lý và thay đổi về da ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân do sự thay đổi nội tiết, huyết học, chuyển hóa và miễn dịch. Chăm sóc và điều trị da cần lưu ý lựa chọn sản phẩm bôi hiệu quả, an toàn cả cho bà mẹ và sức khoẻ thai nhi.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)

Tài liệu tham khảo

  1. Pina BozzoAngela Chua-Gocheco, MD: “Safety of skin care products during pregnancy”. Can Fam Physician.2011 Jun; 57(6): 665–667.
  2. Imam Budi PutraNelva Karmila Jusuf: “Skin Changes and Safety Profile of Topical Products During Pregnancy”. J Clin Aesthet Dermatol.2022 Feb; 15(2): 49-57.
  3. Hsieh CJ, Chang YH, Sun CW et al. “Personal care products use and phthalate exposure levels among pregnant women”. Science of the Total Environment. 2019; 648: 135–143.
  4. Sharleen St. Surin-Lord, MD. “Pregnancy and skin care: What products are safe to use?”. Medical News Today. March 30, 2022. https://www.medicalnewstoday.com/articles/pregnancy-skin-care.