Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình ở người lớn là 5%, ở trẻ em là 10%. Những năm gần đây, hen ở trẻ em có xu hướng tăng lên, cứ 20 năm, tỷ lệ lên cơn hen ở trẻ em tăng lên 2-3 lần.
Để điều trị kiểm soát hen thành công, việc chăm sóc trẻ tại nhà và ở trường là rất quan trọng, trong đó, vai trò của người trực tiếp chăm sóc trẻ quyết định hiệu quả của quá trình điều trị. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng đủ kiến thức và khả năng thực hành để chăm sóc tốt cho trẻ. Hơn nữa, trong môi trường kinh tế – xã hội phát triển như hiện nay, người chăm sóc trẻ đa số sẽ là ông bà lớn tuổi hoặc trẻ sẽ được đi học tại trường trong môi trường một giáo viên nhưng chăm sóc rất nhiều trẻ cùng lúc. Đây cũng chính là một trong những khó khăn thách thức của việc giúp trẻ tuân thủ điều trị và kiểm soát hen tại nhà và ở trường hiệu quả.
Vậy cần làm gì để giúp việc điều trị và chăm sóc trẻ hen tại nhà và ở trường hiệu quả?
Một số nội dung cơ bản mà người chăm sóc trực tiếp cho trẻ hen cần phải biết như sau:
Quản lý và sử dụng thuốc
- Thuốc kiểm soát dài hạn:
- Sử dụng các thuốc hít corticosteroid (ICS) để kiểm soát viêm nhiễm đường thở.
- Thuốc này cần được sử dụng hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi trẻ không có triệu chứng.
- Thuốc cắt cơn nhanh:
- Sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh (SABA) như salbutamol để làm giảm triệu chứng hen ngay lập tức khi trẻ có cơn hen.
- Chỉ sử dụng khi cần thiết và không quá 2 lần mỗi tuần (trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ).
Theo dõi và đánh giá tình trạng trẻ mỗi ngày
Phụ huynh cần trao đổi với giáo viên và nhờ giáo viên cùng hỗ trợ việc theo dõi tình trạng của trẻ mỗi ngày, để thông tin đến bác sĩ trong lần tái khám tiếp theo:
- Biết được số lần trẻ sử dụng thuốc cắt cơn hen bao nhiêu lần trong ngày.
- Triệu chứng của trẻ khi lên cơn hen.
- Yếu tố kích thích trẻ xuất hiện cơn hen (thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, mùi hương…).
Đặc biệt lưu ý cần đưa trẻ đi tái khám kiểm tra sức khỏe đúng theo lịch hẹn.
Xử trí khi trẻ có cơn hen tại nhà và ở trường
- Sử dụng thuốc cắt cơn dạng phun hoặc dạng hít theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị trước đó.
- Sau đó cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ có bất kỳ các dấu hiệu nào sau đây
- Tình trạng của trẻ không đỡ sau 6 nhát xịt thuốc giãn phế quản trong 2 giờ.
- Trẻ quá khó thở.
- Trẻ nói năng nặng nhọc, nói từng từ.
- Không thể xử trí khi trẻ có cơn hen.
- Trẻ tím tái môi hay các đầu ngón tay.
Phòng ngừa tái phát cơn hen ở trẻ
Để kiểm soát tốt việc tái phát các cơn hen, gia đình cần tránh xa những nguyên nhân gây khởi phát cơn hen như:
- Không để thú nuôi (chó, mèo…) trong nhà.
- Không hút thuốc, tránh khói bụi trong nhà hoặc khu vực gần trẻ.
- Tránh sử dụng các dạng thuốc xịt có mùi nặng như nước hoa, xịt phòng, xịt cồn trùng… các hóa chất có nặng mùi khác như nước lau nhà, nước vệ sinh nhà tắm…
- Tránh cho trẻ chơi thú nhồi bông.
- Nơi nghỉ ngơi của trẻ cần: dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp, không trải thảm, drap (ga) trải giường chăn màn cần được thường xuyên giặt giũ (tốt nhất là bằng nước nóng), phơi khô ngoài nắng.
- Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài, tuân thủ lịch tái khám và tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc khi thấy tình trạng trẻ cải thiện.
Trẻ cũng dành phần lớn thời gian sinh hoạt và học tập tại trường, do đó, gia đình cần lưu ý trao đổi với giáo viên của trẻ để đảm bảo phòng ngừa tốt nhất.
Các biện pháp phòng ngừa trẻ bị hen ngay từ đầu
Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa hen ngay từ khi trẻ chưa sinh ra hoặc trẻ mới sinh sẽ góp phần giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh hen trong quá trình lớn lên:
- Khuyến khích sinh thường. Không nên sinh mổ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Không để các bà mẹ mang thai và trẻ sau khi sinh hít phải khói thuốc lá.
- Bú sữa mẹ, tốt nhất là bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu sau sinh.
- Không khuyến khích sử dụng kháng sinh phổ rộng, paracetamol cho trẻ trong năm đầu đời.
Hen là một bệnh khá nguy hiểm, vì cứ mỗi lần trẻ đối mặt với cơn hen là có lại có khả năng dẫn đến bệnh phổi mạn tính về sau, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tuy vậy, hen lại là một bệnh có thể kiểm soát tốt. Do đó, việc phòng ngừa tái phát cơn hen để trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen sẽ giúp các con khỏe mạnh trong sinh hoạt, học tập, vui chơi cũng như chất lượng cuộc sống hoàn toàn tốt như các bạn cùng trang lứa.
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen ở trẻ em dưới 5 tuổi – Bộ Y tế 2016.