Hãy bảo vệ lá gan của bạn để phòng bệnh ung thư gan

BS. Nguyễn Thị Kiều
Bác sĩ Khoa Khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

 

Ung thư gan là tình trạng các khối u ác tính phát sinh trong gan, dẫn đến việc sẽ phá hủy các tế bào gan và cản trở khả năng hoạt động bình thường của gan, có hai loại chính:

  • Ung thư nguyên phát: hình thành từ chính các tế bào trong gan;
  • Ung thư thứ phát: phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan như ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư mật, ung thư phổi, ung thư vú…

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020, tỉ lệ ung thư gan ở Việt Nam chiếm 14,5% trong tất cả các loại ung thư. Tỷ lệ ung thư gan cũng khác nhau tùy theo giới tính, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới khoảng gấp 4 lần. Hiểu về nguyên nhân dẫn đến ung thư gan có thể giúp phòng ngừa. Khám sức khoẻ định kỳ có thể giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư gan.

Các nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát?

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan bao gồm: nhiễm virus mạn tính, uống nhiều rượu bia, đái tháo đường, béo phì…

  • Trong nhóm viêm gan do virus thì viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan, kế đến là viêm gan siêu vi C. Người bị nhiễm viêm gan B có nguy cơ cao gấp 200 lần so với người không bị nhiễm loại virus này.
  • Uống rượu kéo dài dẫn tới xơ ganlà nguyên nhân thường gặp nhất của ung thư gan trên toàn thế giới.
  • Thực phẩm dự trữ trong môi trường nóng và ẩm dễ sinh ra một loại nấm gọi là Aspergillus flavus, loại nấm này sinh ra Aflatoxin là chất được biết gây ung thư gan mạnh trên thực nghiệm.
  • Ung thư tế bào gan cũng xuất hiện ở trên 30% bệnh nhân bị ứ sắt có tính chất di truyền. 
  • Tại Việt Nam, hậu quả của chiến tranh để lại với hàng triệu tấn chất độc màu da cam có chứa chất Dioxin cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây nên căn bệnh này.

Phòng ngừa ung thư gan nguyên phát bằng cách nào?

Ung thư gan có thể được phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.

Trên thế giới, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư gan là nhiễm virus gây viêm gan B và viêm gan C. Những virus này có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua việc dùng chung kim tiêm bị nhiễm (ví dụ như tiêm chích ma tuý), qua quan hệ tình dục không an toàn và qua sinh nở. Do đó, để phòng tránh và điều trị nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cần phải:

  • Không sử dụng chung kim tiêm và quan hệ tình dục an toàn (ví dụ như sử dụng bao cao su).
  • Tiêm ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ sớm trong 24 giờ sau sinh và những người lớn có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B.
  • Người bị viêm gan B mạn tính nên được điều trị bằng một số loại thuốc kháng để giảm lượng virus trong máu và giảm tổn thương gan. Mặc dù, thuốc không chữa khỏi bệnh nhưng chúng làm giảm nguy cơ xơ gan và cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư gan.
  • Viêm gan C hiện nay chưa có vaccine ngừa nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi. Điều trị nhiễm viêm gan C mạn tính có thể loại bỏ virus và làm giảm nguy cơ ung thư gan.

Thực hiện lối sống lành mạnh như hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh béo phì, gan nhiễm mỡ, tiểu đường và một số bệnh khác có thể giúp phòng ngừa ung thư gan và một số bệnh ung thư khác.

Thay đổi cách bảo quản một số loại ngũ cốc để tránh bị ô nhiễm, hạn chế tiếp xúc các hoá chất ung thư.

Một số bệnh di truyền có thể gây xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan. Phát hiện và điều trị sớm bệnh này có thể giảm nguy cơ. Ví dụ, tất cả trẻ em trong gia đình mắc bệnh ứ sắt (hemochromatosis) nên được sàng lọc bệnh và điều trị.

Làm thế nào để tầm soát, phát hiện sớm ung thư gan nguyên phát?

Ung thư gan có tỉ lệ tử vong cao, trước hết là do tính chất bệnh tiến triển thầm lặng nên đa số bệnh nhân thường phát hiện ra bệnh khi đã bước vào giai đoạn muộn. Lúc này, các tế bào gan đã bị phá hủy nghiêm trọng, khối u quá to hoặc đã di căn, chức năng gan và một số cơ quan khác suy giảm khiến cơ thể khó đáp ứng hiệu quả với các phương pháp điều trị. Vì vậy, tầm soát, phát hiện sớm ung thư gan ở giai đoạn đầu, trước khi người bệnh có triệu chứng sẽ giúp cho việc điều trị được dễ dàng hơn, cải thiện khả năng sống sót sau ung thư gan.

Mặc dù, hiện nay chưa có một tiêu chuẩn sàng lọc định kỳ cho ung thư gan nhưng bằng các phương tiện siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và xét nghiệm dấu ấn ung thư AFP (alpha-fetoprotein) có thể giúp phát hiện sớm các trường hợp ung thư gan. Tầm soát ung thư gan định kỳ mỗi 6-12 tháng nên được thực hiện tương tự như kiểm tra sức khoẻ khác. Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư gan nên được tầm soát thường xuyên hơn.

Theo nhiều khuyến cáo, nên thực hiện siêu âm gan và xét nghiệm AFP định kỳ mỗi 3-6 tháng 1 lần đối với những người có nguy cơ mắc ung thư gan như: xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào, bệnh thừa sắt di truyền hoặc nhiễm viêm gan B, C mạn tính hoặc gia đình có người mắc ung thư gan.

Siêu âm là gan là một phương tiện không xâm lấn, an toàn và có sẵn ở nhiều nơi. Siêu âm gan có độ nhạy khoảng 60% và độ đặc hiệu 85-90%, tuỳ thuộc vào kinh nghiệm người làm siêu âm.

Xét nghiệm AFP cũng không đắt tiền và được thực hiện đơn giản qua lấy mẫu máu. Xét nghiệm này thường không được khuyến cáo thực hiện đơn độc mà nên được kết hợp với siêu âm gan. Ở mức giới hạn huyết thanh là 20 ng/ml, AFP có độ nhạy để phát hiện ung thư gan là 25-60%.

Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện khối u nhỏ cỡ 1cm. Tuy nhiên, đây là phương tiện khá đắt tiền nên được khuyến cáo sau siêu âm gan và xét nghiệm AFP.

Cần làm gì khi phát hiện ung thư gan

  • Trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe,
  • Tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về ung thư gan,
  • Tham gia điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ,
  • Giữ vững niềm tin và lạc quan trong cuộc sống,
  • Rèn luyện sức khỏe và thực hiện chế độ dinh dưỡng theo chĩ dẫn của bác sĩ.

Kết luận

Giữ cho lá gan luôn khỏe mạnh bằng các biện pháp đã thảo luận ở trên giúp chúng ta phòng tránh ung thư gan. Khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm ung thư trước khi người bệnh có triệu chứng sẽ giúp cho việc điều trị được dễ dàng hơn, cải thiện khả năng sống sót sau ung thư gan.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)

Tài liệu tham khảo

  1. Aerican Cancer Society. Can Liver Cancer Be Prevented? https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer/causes-risks-prevention/prevention.html. Truy cập ngày 12/12/2022.
  2. National Cancer Institute. Liver Cancer Screening. https://www.cancer.gov/types/liver/what-is-liver-cancer/screening. Truy cập ngày 12/12/2022.