Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi

Khi tuổi càng cao con người thường có sự thay đổi về tâm lý. Họ thường trở nên khó tính, dễ cáu gắt, suy nghĩ tiêu cực và điều này được giải thích là do vấn đề khủng hoảng tâm lý. Vậy biểu hiện của khủng hoảng tâm lý là gì? Nguyên nhân vì sao? Phòng ngừa điều trị như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.

Biểu hiện khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi?

Khủng hoảng tâm lý là trạng thái hoảng loạn, mắt thăng bằng cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện hoặc trải nghiệm với những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp, gây cho người ấy cảm giác mất an toàn nghiêm trọng. Đây không phải là bệnh mà chỉ là một trạng thái tâm lý và là khởi đầu của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần khá đa dạng tùy theo mức độ của bệnh mà có biểu hiện khác nhau.

  • Mức độ nhẹ: Thường chỉ biểu hiện khó tính hơn lúc trẻ, hay cáu gắt, giận hờn vu vơ, trách móc con cái, sống ít vui vẻ, với nhiều suy nghĩ tiêu cực, chán ăn, mệt mỏi, dẫn đến suy kiệt.
  • Mức độ vừa: Với biểu hiện của lo âu, trầm cảm, hồi hộp, đánh trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, buồn rầu, chán nản, hay than vãn, suy nghĩ lệch lạc,…
  • Mức độ nặng: Ở giai đoạn này có những dấu hiệu của loạn thần, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm nặng, hay ngồi một mình, tự sống cô lập với con cái, nói những câu vô nghĩa, thậm chí tự tìm đến cái chết.

Khủng hoảng tâm lý ở người lớn tuổi

Cuộc khủng hoảng trong cuộc sống sau này thường xảy ra vào những năm gần 60 tuổi của một người. Nó có thể được kích hoạt bởi các sự kiện như nghỉ hưu, cái chết của một người thân yêu, bệnh nặng hoặc cái chết sắp xảy ra. Cốt lõi của nó là sự phản ảnh ngược về cách một người đã dẫn dắt cuộc đời mình và những lựa chọn mà người ta đã đưa ra. Sự phản ảnh này thường được thúc đẩy bởi mong muốn được sống một cuộc sống có giá trị và ý nghĩa đi đôi với sự không chắc chắn về thành công của một người.

Suy ngẫm về những việc làm sai trái trong quá khứ của một người cũng có thể được thúc đẩy bởi mong muốn tìm cách bù đắp chúng trong khi vẫn còn có thể.

Khủng hoảng tâm lý cũng có thể tự thể hiện dưới một hình thức lý thuyết hơn khi cố gắng đánh giá xem cuộc sống của mình có tác động tích cực đến môi trường, người khác hay thế giới nói chung hay không. Điều này thường gắn liền với mong muốn để lại một di sản tích cực và có ảnh hưởng. Tuy nhiên ít người có thể làm gì để thực sự giải quyết cuộc khủng hoảng, đặc biệt đối với những người có đánh giá tiêu cực về cuộc sống của họ. Một yếu tố cản trở khác đó là các cá nhân thường không thể tìm thấy năng lượng và sức trẻ cần thiết để tạo ra những thay đổi có ý nghĩa cho cuộc sống của họ.

Nguyên nhân

Có 4 nhóm nguyên nhân lớn gây nên khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi sau đây:

Sự cô đơn

  • Trong góa bụa: hay gặp ở những người ít con, sống xa con cái hoặc con cái thiếu quan tâm, chăm sóc dẫn đến tâm lý tủi thân.
  • Cảm giác không có ích cho gia đình và xã hội. Cảm giác làm phiền, tốn kém tiền bạc và công sức của con cháu.
  • Ngoài xã hội: họ thường có xu hướng sống ít hòa nhập cộng đồng, khép kín, không bạn bè, không người thân, không thích tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm.

Vấn đề tài chính

Những người về già không chủ động về tài chính nên tâm lý bất an, lo sợ bệnh tật, sợ bị bỏ rơi, ngược đãi,… khi không thể chi trả chi phí sinh hoạt, y tế, chăm sóc.

Sức khỏe

Người càng lớn tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần.

Do mâu thẫu, xung đột

Xung đột gia đình là nguyên nhân thường gặp nhất, như: bất đồng quan điểm giữa vợ chồng, thiếu sự tôn trọng từ con cháu, anh em bất hòa dễ dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi.

Phòng ngừa và điều trị

Chúng ta không nên tập trung vào việc giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng mà nên tập trung nhiều hơn vào việc tránh hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Các khuyến nghị cho mục đích này bao gồm chăm sóc sức khỏe thể chất, kinh tế và tình cảm của một người cũng như phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ xã hội.

Cần tạo điều kiện cho người cao tuổi sống cùng gia đình, khuyến khích họ kết bạn, tìm bạn đời mới sau khi mất vợ hoặc chồng. Tích cực tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, hưu trí,… Con cái nên gần gũi chăm sóc, chia sẻ, động viên và tham khảo ý kiến của họ cho những quyết định quan trọng. Tạo tâm lý thoải mái để họ tham gia những việc vặt trong nhà như đi chợ, nấu ăn, trồng rau, nuôi cá, chăm cháu,…

Nên chuẩn bị một nguồn tài chính ổn định trước khi về hưu như mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, tiền tiết kiệm,… Chúng ta cần có kế hoạch cấp dưỡng bố mẹ, ông bà có được cảm giác an tâm và yêu thương từ con cháu.

Tăng cường hoạt động thể dục thể thao từ khi còn trẻ và duy trì đến tuổi già. Tạo sân chơi lành mạnh, phù hợp lứa tuổi để họ giao lưu và tận hưởng cuộc sống. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện những bệnh tiềm ẩn và điều trị kịp thời.

Chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, có ích cho cộng đồng và xã hội làm tăng sự tương tác với mọi người xung quanh. Trong gia đình nên tìm mọi cách khắc phục những mâu thuẫn nội bộ, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý sẽ là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tâm lý.

Kết luận

Như vậy khủng hoảng tâm lý là một vấn đề lớn về sức khỏe tâm thần. Nếu chúng ta nhận biết, khắc phục sớm thì tránh được tổn thương tâm lý không đáng có cho người cao tuổi.

Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TS Trần Hữu Bình – Chẩn đoán điều trị các rối loạn tâm thần hành vi, NXB Y học 2014 trang 39-57

2. Nguyễn Văn Hấn – Sức khỏe tâm tính người cao tuổi, NXB – KHXH 2017 trang 25-30
3. Ths.Bs Nguyễn Minh Mẫn – Phòng khám Tâm lý BV ĐH Y Dược Tp.HCM
4. https://en.wikipedia.org/wiki/Existential_crisis#Later-life 

Biên soạn bởi Bs.Nguyễn Văn Bình – Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh