Mụn trứng cá – Cẩm nang chăm sóc và điều trị

Nguyễn Thị Trà My – Trưởng nhóm Kỹ thuật lâm sàng, Trung Tâm Da Liễu – Thẩm Mỹ Hồng Hưng, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Khoảng 80-90% thanh niên bị ảnh hưởng bởi mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau, và có đến 20-30% trong số đó cần được hỗ trợ bởi các liệu pháp y học.

Mụn trứng cá có phải là “Chuyện nhỏ”?

Mụn trứng cá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ sơ sinh, mụn trứng cá còn gọi là mụn mủ da đầu, khởi phát lúc 2-3 tuần tuổi và tự giới hạn. Ở trẻ nhũ nhi, mụn thường xuất hiện từ 3-6 tháng tuổi, thường tự hết trong vòng 1-2 năm, tuy nhiên, các cồi mụn và thương tổn viêm tồn tại kéo dài làm tăng nguy cơ để lại sẹo. Hầu hết thiếu niên (80%) bị mụn trứng cá, xuất hiện từ khoảng 8-10 tuổi, vào thời điểm trưởng thành giới tính, lúc mà androgen của tuyến thượng thận bắt đầu kích thích các đơn vị nang lông tuyến bã phát triển, một số trường hợp có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Mụn trứng cá khởi phát sớm có thể là biểu hiện đầu tiên của rối loạn nội tiết tố tiềm ẩn, đặc biệt, nếu bệnh nhân có kèm theo xương trưởng thành nhanh và lông mu phát triển sớm. Một phần ba phụ nữ ở tuổi trưởng thành bị ảnh hưởng bởi một đợt phát ban dạng trứng cá mức độ nhẹ, có thể là khởi phát mới hoặc kết hợp với mụn trứng cá tuổi thiếu niên có sẵn.

Mụn trứng cá viêm có thể gây sẹo và thay đổi sắc tố, ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh, tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngay cả mụn trứng cá nhẹ trên lâm sàng cũng có thể gây ra mặc cảm tâm lý xã hội đáng kể cho bệnh nhân. Điều trị sớm là cần thiết để ngăn ngừa và giảm sự mất thẩm mỹ do sẹo mụn. Trong mọi trường hợp, điều trị đúng, đủ sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và có thể hoàn toàn khỏi bệnh.

Cơ chế sinh mụn trứng cá

Mụn trứng cá là bệnh mạn tính của đơn vị nang lông tuyến bã với bốn cơ chế chính phối hợp như sau: tăng sinh chất bã trong tuyến bã, sừng hóa nang lông bất thường, sự hiện diện của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. Acnes) và phản ứng viêm. Thương tổn cơ bản là vi nhân mụn, có thể tiến triển thành cồi mụn không viêm (mở hoặc đóng) hoặc viêm và hình thành sẩn, mụn mủ hoặc nốt.

Có nhiều yếu tố liên quan đến nguyên nhân gây nên mụn trứng cá:

  • Các yếu tố nội tiết: Mụn trứng cá đi kèm với bất thường chu kỳ kinh nguyệt hoặc đi kèm rậm lông; mụn trứng cá bùng phát trước hành kinh; mụn trứng cá liên quan đến thuốc ngừa thai uống.
  • Yếu tố nghề nghiệp hoặc tiếp xúc hoá chất: tiếp xúc dầu nặng, dầu nhờn, polyvinyl cloura, hydrocarbon thơm, hắc ín, một số mỹ phẩm có dầu hoặc chất nhờn hoặc kem.
  • Các loại thuốc có thể gây mụn trứng cá như: corticosteroid, phenytoin, androgen, vermurafenib, trimethadione, isoniazid, lithium, iodide, bromides, halothane, vitamin B12, truyền chất dinh dưỡng quá mức…
  • Các yếu tố khác như: lạm dụng mỹ phẩm, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, thức khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ, tiếp xúc nhiều trong môi trường khói bụi, bụi bẩn…

Biểu hiện mụn trứng cá

Mụn trứng cá được biểu hiện dựa trên thương tổn da: không viêm và viêm.

  • Thương tổn không viêm: ban đầu là cồi mụn đóng với biểu hiện là các sẩn trắng 1-2mm (mụn đầu trắng). Khi các thành phần trong nang lông trồi lên sẽ thấy cồi mụn mở 2-5mm, đỉnh màu xám (mụn đầu đen).
  • Thương tổn viêm: có thể thấy sẩn hồng ban, mụn mủ, nang và áp-xe.

Mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, vai và lưng. Các thương tổn sau mụn tồn tại dai dẳng, gây ảnh hưởng thẩm mỹ và tâm lý như: hồng ban kéo dài, tăng sắc tố sau viêm, sẹo lõm, sẹo lồi.

Phòng tránh mụn trứng cá chăm sóc da

  • Rửa mặt: không nên rửa mặt với xà phòng, không chà xát da tại các vị trí đang nổi mụn. Những người có làn da dầu nên rửa mặt 2 lần/ ngày.
  • Tẩy trang, sữa rửa mặt: chọn những loại không chứa lipid, chất mài mòn, có pH trung tính, không chứa cồn, không làm kích ứng, khô da…
  • Thuốc thoa điều trị có tác dụng tiêu sừng, kiểm soát dầu nhờn, giảm viêm như retinol, acid salicylic, alpha-hydroxy acid, niacinamide…
  • Chất dưỡng ẩm: giúp làm dịu da đối với những người có làn da nhạy cảm hoặc người điều trị mụn với thuốc bôi có chứa retinoid. Nên dùng chất dưỡng ẩm không dầu (oil – free) và không gây nhân mụn (non – comedogenic), không gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Chống nắng: việc chống nắng hằng ngày giúp bảo vệ da tránh lão hóa, tăng sắc tố sau mụn… Hoạt chất chống nắng không chứa dầu, được thiết kế cho da mụn, không gây nhân mụn, không gây bít tắc lỗ chân lông, chứa hoạt chất chống nắng vật lý như ZnO2, avobenzone…
  • Tránh chạm tay vào da mặt một cách tối đa, giữ điện thoại cách xa mặt khi nói chuyện điện thoại.

Ngoài ra, chăm sóc da mụn trứng cá cần kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Tránh ăn những thực phẩm cay nóng, ngọt, giàu tinh bột, giàu chất béo, sữa… thay vào đó nên ăn những thực phẩm như rau củ quả, sữa chua, thực phẩm giàu omega-3, giàu chất chống oxy hóa… uống nhiều nước mỗi ngày, tránh thức khuya, căng thẳng, hạn chế tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, ô nhiễm…

Điều trị da mụn trứng cá

Điều trị mụn trứng cá là một quá trình và phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm cả việc tự đánh giá chủ quan của bệnh nhân về thẩm mỹ và triệu chứng của họ. Thông thường nhiều loại thuốc hoặc các liệu pháp khác được kết hợp cùng lúc hoặc xoay vòng, tuỳ thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân và tác dụng phụ. Một số loại thuốc, liệu pháp có thể kể đến sau đây:

Các loại thuốc thoa tại chỗ:

  • Retinoid: có tác dụng bình thường hóa sự bong vảy, giảm tạo nhân mụn và ức chế phát triển các tổn thương mới;
  • Benzoyl peroxide: kháng khuẩn mạnh, làm giảm số lượng vi khuẩn P.Acnes, tiêu nhân mụn, đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới, làm chậm sự tiết bã nhờn trên da;
  • Acid azelaic có tác động làm giảm viêm, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn P.Acnes, giúp ngăn chặn sự sản xuất bã nhờn quá mức, giảm bít tắc lỗ chân lông và giảm sự hình thành mụn trứng cá;
  • BHA (beta-hydroxy acid): là acid salicylic giúp thẩm thấu sâu trong lỗ chân lông, giúp giảm bít tắc, điều hòa nhờn bã, giảm viêm và kháng khuẩn;
  • AHAs (nhóm alpha-hydroxy acid): có tác dụng tẩy tế bào chết hóa học, giúp giảm bít tắc, điều hòa tiết bã nhờn trên da, giúp giảm tình trạng trứng cá;
  • Các thuốc khác: Niaciamide, lưu huỳnh, resorcinol, sodium sulfacetamide…

Các loại thuốc uống toàn thân:

  • Kháng sinh: chỉ định cho mụn trứng cá mức độ trung bình, nặng. Không dùng kháng sinh đơn độc, không dùng bừa bãi, cần phải phối hợp với các biện pháp trị liệu khác. Kháng sinh thường dùng: erythromycin, tetracyclin, doxycycline, minocycline…
  • Isotretinoin: gây ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn, chống viêm, giảm sừng hóa nang lông;
  • Thuốc tránh thai: làm giảm lượng androgen trên tuyến bã nhờn, ức chế tuyến dầu hoạt động quá mức, từ đó, có thể kiểm soát sự phát triển của mụn trứng cá.

Ánh sáng sinh học (đèn LED- Light Emitting Diode)

Điều trị mụn trứng cá bằng chiếu đèn LED là phương pháp trị liệu dùng ánh sáng xanh dương (400nm-470nm) kết hợp ánh sáng đỏ (630nm–700nm) để làm tăng hiệu quả điều trị: giảm phản ứng viêm, sừng hóa bất thường của phễu nang lông, tiêu diệt vi khuẩn P.Acnes có trong mụn trứng cá, thu hẹp lỗ chân lông, làm da trắng và mịn màng, săn chắc và làm mờ vết nhăn, khử màu vết đốm, cháy nắng, sắc tố.

Tái tạo da bằng hóa chất: glycolic acid, lactic acid, salicylic acid…

Tái tạo da bằng hóa chất là một trong những phương pháp được dùng để trẻ hóa da và hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá. Các hoạt chất thường được sử dụng để tái tạo da như glycolic acid, trichloroacetic acid, salicylic acid, lactic acid… với nhiều nồng độ khác nhau.

IPL (Intense pulsed light)

Điều trị mụn trứng cá bằng IPL là kỹ thuật sử dụng chùm ánh sáng xung ngắn, cường độ cao, có màng lọc đèn chớp với phổ bước sóng 500-1200nm, dựa trên hiệu ứng quang nhiệt phân huỷ chọn lọc tác động lên tuyến bã, diệt vi khuẩn P.Acnes.

Liệu pháp quang động học (Photodynamic therapy)

Liệu pháp quang động học là phương pháp sử dụng chất nhạy ánh sáng (axit 5-amino levulinic (ALA), metyl amino levulinic (MLA), indocyanine green (ICG), axit indole-2-acetic) để điều trị chọn lọc trên da, sau đó chiếu ánh sáng. Phương pháp này làm tổn thương các tuyến bã nhờn, cải thiện mụn trứng cá.

Các nguồn ánh sáng được đề nghị: ánh sáng xanh, ánh sáng đỏ, IPL, laser màu, laser KTP 532 nm(Potassium Titanyl phosphate).

Laser

Laser diode 1450 nm, Laser Nd: YAG, Laser Erbium (1540 nm) có bước sóng dài, thâm nhập sâu trong da, gây tổn thương nhiệt ở tuyến bã dẫn đến làm giảm tiết bã nhờn, có tác dụng tốt trên mụn trứng cá viêm.

RF vi điểm (Fractional/Micro needle/Microneedling RF)

RF vi điểm tạo ra những vùng thương tổn bởi nhiệt độ sâu trong lớp bì mô liên kết dẫn đến kích thích hiện tượng lành thương, tạo liên kết đàn hồi giúp trẻ hóa da, hiệu quả trong điều trị tổn thương mụn.

KẾT LUẬN

Mụn trứng cá là tình trạng mạn tính, dễ tái phát, có nhiều yếu tố liên quan đến nguyên nhân và điều trị. Mụn trứng cá có thể gây sẹo và thay đổi sắc tố, ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh, tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chăm sóc da đúng cách, điều trị đúng, đủ giúp phòng ngừa và điều trị khỏi bệnh.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thanh Hùng (2019) “Mụn trứng cá thông thường”. Thẩm mỹ nội khoa. NXB Y học.
  2. BS. Trần Nguyên Ánh Tú (2019) “Ánh sáng và laser điều trị mụn trứng cá”. Thẩm mỹ nội khoa. NXB Y học.
  3. BS. Nguyễn Thị Lan Anh, Sức khỏe đời sống ngày 16/04/2022: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-mun-trung-ca-tu-nhe-den-nang-169220414093646829.htm
  4. Guidelines of care for the management of acne vulgaris/ American Academy of Dermatology 2016 (Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ).