Bác sĩ hay thầy thuốc là người duy trì, phục hồi sức khỏe con người bằng cách nghiên cứu, chẩn đoán, chữa trị bệnh tật và thương tật dựa trên kiến thức về cơ thể con người. Có lẽ gia đình nào có thành viên làm bác sĩ thì sẽ có nhiều sức khỏe hơn. Với suy nghĩ này, các bậc cha mẹ luôn mong ước con mình có thể học giỏi để làm bác sĩ và càng tự hào, hãnh diện hơn khi mong ước ấy trở thành hiện thực. Với tôi, dân ngoại đạo nhưng được làm việc trong môi trường bệnh viện, dù thời gian chưa dài nhưng cũng đủ hiểu về trách nhiệm và sự nhọc nhằn của những người đang khoác chiếc áo blouse trắng.
Nhớ những ngày đầu tiên nhận việc, tôi nhận được vài thông tin than phiền rằng ông bác sĩ đó sao kiệm lời quá, không thấy ổng vui vẻ, nhân viên điều dưỡng cũng không biết hỏi thăm bệnh nhân hoặc thiếu nụ cười… Tôi cũng đã thầm trách bác sĩ, điều dưỡng không quan tâm đến bệnh nhân. Tôi đã hẹn gặp họ ngoài giờ làm việc, một là để gặp gỡ chào sân, hai là cũng để tìm hiểu câu chuyện than phiền mà tôi nhận được. Tôi chọn một góc nhỏ trong quán cà phê cạnh bệnh viện, ngồi đợi khoảng gần 30 phút thì anh bác sĩ cũng đến. Vừa gặp tôi, anh đã nói: “Chào Nhàn, anh kẹt khám một ca bệnh nên đến trễ tí”. Tôi hơi ngạc nhiên và thầm nghĩ hết giờ rồi mà còn khám ca bệnh gì? Tôi hỏi anh dùng món gì? Anh cười và nói anh gọi rồi. Tôi lại ngạc nhiên không hiểu ảnh gọi món khi nào. Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ cho đến khi tôi đề cập đến câu chuyện than phiền, anh hơi trầm lại và ngại ngùng “Cho anh gửi lời xin lỗi bệnh nhân, có lẽ hôm qua cấp cứu nhiều ca bệnh quá nên anh không kịp nói chuyện với bệnh nhân”. Sau này, thông qua nhiều đồng nghiệp khác, tôi mới biết đây là quán cà phê quen thuộc của anh, cà phê đen không đường là món mà anh thường dùng vào đầu mỗi ca trực, anh là bác sĩ rất tận tâm với người bệnh. Tôi cũng tìm hiểu và đúng như anh nói, đêm trực đó rất đông bệnh nhân đến cấp cứu, cả ekip y bác sĩ không một phút nghỉ ngơi. Bác sĩ là vậy đó, cảm xúc của họ bị chi phối rất nhiều thứ xung quanh, họ luôn phải tìm mọi cách để cho mình được tỉnh táo trước mỗi ca trực.
Khi đã làm trong bệnh viện rồi thì hầu như không có những ngày cuối tuần hay Lễ Tết, thay vì được vui chơi cùng gia đình, bạn bè thì họ luôn phải vào ca trực.Tôi đã hỏi nhiều anh chị điều dưỡng, hẹn Tết này mình tập trung đi chơi một bữa.Câu trả lời mà tôi nhận được là “Em bị kẹt lịch trực rồi chị ơi!”. Có lẽ hiếm có ngành nào mà vất vả như ngành Y. Thời gian làm việc của họ không phải 8 giờ một ngày hay 200-300 giờ một tháng mà còn nhiều hơn thế nữa. Đối với họ, ngày nghỉ phép và ngày ra trực là một ngày quý giá vì họ được ngủ vùi liên tục từ sáng đến chiều.
Ngành nghề nào cũng cần phải có tinh thần trách nhiệm. Đối với ngành y, tinh thần trách nhiệm gắn liền với lòng thương người bởi họ luôn đối mặt với sống chết của bệnh nhân, họ luôn phải cảm nhận sự đau đớn của bệnh nhân và nhìn thấu ánh mắt của người thân đang hy vọng vào người thầy thuốc của mình… Không có lòng thương người, không có tinh thần trách nhiệm chắc không thể trụ nổi trong ngành này. Có lần tôi được giao nhiệm vụ ghi chép hình ảnh một ca phẫu thuật làm tài liệu. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ thời gian tối đa thực hiện khoảng 2 tiếng bởi ekip mổ hôm nay có tay nghề “xịn xò” nhất khoa phẫu thuật. Nhưng không thể tin được, ca mổ kéo dài đến gần 6 tiếng đồng hồ. Nhìn ekip phẫu thuật, gây mê đứng xuyên suốt và tập trung cao độ, tôi chân thành nể phục và kính trọng họ. Tôi biết họ rất đói bụng và có lẽ thấm nhoài mệt mỏi cùng với áp lực. Vậy mà đâu đó là sự nhịp nhàng chuyền tay nhau các dụng cụ mổ như một dây chuyền sản xuất tái sinh một sự sống… Ấn tượng nhất trong sự nghiệp làm ngành y của tôi là đây.
Tôi còn nhớ câu nói của một bác sĩ có tiếng trong lĩnh vực phẫu thuật: “Nghề y – một con đường gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ sẩy một ca thì thân bại danh liệt”. Quả thật, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng có thể sai sót nhưng riêng đối với ngành y thì tuyệt đối không thể, bởi mỗi sai sót dù nhỏ thì cũng đều có liên quan đến sinh mệnh của người bệnh. Bởi vậy, khi đứng trước một ca bệnh khó, họ phải tập trung cao độ mà quên hết mọi thứ xung quanh, họ phải nhanh chóng hội chẩn cùng với đồng nghiệp, họ phải lật sách, tra cứu internet… và những lúc như thế, có thể họ sẽ bị bao nhiêu ánh mắt của những người xung quanh, bao nhiêu lời thì thầm: “Nhìn bác sĩ vô cảm quá, bao nhiêu bác sĩ mà sao không chẩn đoán ra bệnh tui, bác sĩ không biết hay sao mà giờ này còn lật sách…”. Hãy cảm thông và bao dung, họ lật sách, họ hỏi tới hỏi lui, họ phải hội chẩn với nhiều người… có,nghĩa họ là những bác sĩ giỏi, cẩn thận và đầy trách nhiệm.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, qua câu chuyện này, tôi mong muốn mọi người có một góc nhìn từ phía bên trong để cảm thông và đặt niềm tin vào y đức của những người làm ngành Y. Tôi cũng xin được tri ân những y bác sĩ, những người đã cống hiến tri thức và sức lực cho xã hội, cho những người đang đau khổ vì bệnh tật. Ngành Y, công việc chỉ dành cho những người giàu lòng nhân ái, biết hy sinh và đầy trách nhiệm.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)