BS.CKI Danh Thị Ngọc Tuyền – Bác sĩ khoa Nội tim mạch – Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Sa sút trí tuệ (SSTT) là một bệnh khá thường gặp ở người cao tuổi. Ước tính có khoảng 10% người trên 60 tuổi và có thể lên tới 50% ở người trên 85 tuổi bị chứng bệnh này. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ ba giây trên thế giới có thêm một người bị SSTT và số lượng người bị SSTT tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Sự già hóa dân số dẫn đến sự thay đổi về mặt bệnh lý. Trước đây, gánh nặng bệnh tật, đa số là các bệnh truyền nhiễm thì hiện nay dần dịch chuyển sang các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương… và SSTT cũng là một bệnh lý được nhắc đến hiện nay. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, khi bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, có khoảng 11% dân số là những người trên 60 tuổi và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất. Điều này dẫn tới nguy cơ các bệnh lý không lây nhiễm càng ngày càng gia tăng.
SSTT là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ bảy trong số tất cả các bệnh và là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật và sống phụ thuộc ở người cao tuổi trên toàn cầu.
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là một hội chứng với biểu hiện mất chức năng nhận thức, khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, lý luận, thay đổi về hành vi và mất chức năng xã hội làm ảnh hưởng đến hoạt động cơ bản hàng ngày của người bệnh. Không những tác động xấu về thể chất, tâm lí, xã hội, kinh tế đến người bệnh mà SSTT còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người chăm sóc trực tiếp họ, gia đình nói riêng và xã hội nói chung.
Mặc dù SSTT chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi, nhưng nó không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa chung mà còn là hậu quả một số yếu tố bệnh lý như tăng huyết áp, đột quỵ… Bệnh Alzheimer là dạng SSTT thường gặp nhất và có thể chiếm 60-70% các trường hợp.
SSTT có nhiều mức độ từ nhẹ (khi mới bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người bệnh) đến giai đoạn nặng nhất (khi người đó phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác trong các hoạt động sống cơ bản hàng ngày).
Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ
Biểu hiện của sa sút trí tuệ ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn tới SSTT, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền căn bệnh lý trước đó, chức năng nhận thức của người đó trước khi bị bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến SSTT có thể theo ba giai đoạn:
- Biểu hiện sớm: SSTT thường là hay quên hoặc hay lẫn lộn các sự kiện, ngày tháng, dễ cáu gắt, bực dọc, cảm xúc không ổn định. Giai đoạn này triệu chứng thường không biểu hiện rõ ràng, nên dễ nhầm lẫn với triệu chứng “đãng trí” bình thường của người cao tuổi nên thường bị bỏ qua. Chính vì thế, người bệnh ít khi được thăm khám và chẩn đoán, dẫn tới chậm trễ trong điều trị.
- Giai đoạn giữa: khi SSTT tiến triển đến giai đoạn giữa, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, bao gồm: không thể nhớ các sự kiện gần hoặc tên mọi người, dễ lẫn lộn, trở nên lạc lõng trong nhà, gặp khó khăn trong giao tiếp, ngại nói, không gọi được tên đồ vật cần gọi đúng ý, cần được người khác hỗ trợ trong việc chăm sóc bản thân như nhắc nhở uống thuốc hay đi lang thang không nhớ đường về và lặp đi lặp lại một câu hỏi.
- Giai đoạn muộn: giai đoạn cuối của SSTT, người bệnh gần như sống phụ thuộc vào gia đình vì không thể hoạt động, không thể tự chăm sóc bản thân. Các triệu chứng bao gồm rối loạn trí nhớ nghiêm trọng, không nhớ thời gian và địa điểm, khó nhận ra người thân và bạn bè, ngày càng cần người khác chăm sóc cho mình, gặp khó khăn khi đi bộ, ăn uống và khó có thể kiểm soát đại tiểu tiện.
Nguyên nhân của bệnh
Do thoái hóa thần kinh (bệnh Alzheimer); SSTT thể Lewy; bệnh Parkinson; do rối loạn thần kinh và chấn thương (chấn thương sọ não, xơ cứng rải rác); do các bệnh tăng huyết áp, nhồi máu não, xuất huyết não, viêm não; do rối loạn nội tiết (đái tháo đường, suy giáp, cường giáp); do sử dụng thuốc, lạm dụng chất (thuốc an thần, rượu, ma túy), thiếu vitamin B12, acid folic… |
Chẩn đoán
Muốn chẩn đoán bệnh SSTT ở người cao tuổi, bác sĩ sẽ căn cứ vào 2 tiêu chuẩn: rối loạn nhận thức và suy giảm nhận thức qua hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các trắc nghiệm đánh giá, đôi khi cần thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh liên quan.
- Các triệu chứng nhận thức hoặc hành vi (neuropsychiatric) ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc thực hiện các hoạt động sống hàng ngày thông thường;
- Các triệu chứng này biểu hiện sự suy giảm so với các mức độ hoạt động trước đó của người bệnh;
- Những triệu chứng này không do mê sảng hoặc rối loạn tâm thần được xác định gây ra.
Sự suy giảm nhận thức hoặc hành vi nên được chẩn đoán dựa trên sự kết hợp của bệnh sử do bệnh nhân hoặc một người chăm sóc bệnh nhân kể lại và đánh giá chức năng nhận thức qua trắc nghiệm (đánh giá ngay tại giường hoặc nếu việc kiểm tra tại giường không khẳng định được, sẽ cần làm các trắc nghiệm thần kinh kỹ lưỡng hơn). Ngoài ra, sự suy giảm phải bao gồm ≥ 2 lĩnh vực trong các lĩnh vực sau:
- Khả năng tiếp thu và ghi nhớ những thông tin mới bị suy giảm (ví dụ: đặt câu hỏi lặp đi lặp lại, thường xuyên đặt nhầm chỗ các đồ vật hoặc quên uống thuốc, quên các cuộc hẹn);
- Suy giảm khả năng lập luận và xử lý các nhiệm vụ phức tạp và sự phán đoán kém (ví dụ: không thể quản lý tài khoản ngân hàng, đưa ra các quyết định không đúng về tài chính);
- Rối loạn chức năng ngôn ngữ (ví dụ: khó khăn trong việc suy nghĩ về những từ thông dụng, lỗi trong nói và/hoặc viết);
- Rối loạn chức năng thị giác, không gian (ví dụ: không có khả năng nhận dạng khuôn mặt hoặc các đồ vật thông thường);
- Thay đổi về tính cách, hành vi hay cách cư xử, thường xuyên giận dỗi và bực mình vô cớ.
Bài kiểm tra ngắn để đánh giá khả năng mắc sa sút trí tuệ
(Mini-Mental State Examination/ MMSE)
Đây là bài kiểm tra trắc nghiệm được đề ra bởi Folstein và rất thông dụng trong giai đoạn hiện tại nhằm phát hiện sớm các trạng thái suy giảm nhận thức nhẹ và các trạng thái SSTT. Bài kiểm tra sẽ đánh giá trên nhiều góc độ khác nhau của chức năng nhận thức, nên bệnh nhân cần phải tập trung trong quá trình thực hiện; nếu thiếu tập trung, có thể đánh giá lại vào một thời điểm khác. Một vài cách để xác định sự tập trung của bệnh nhân là thông qua mức độ chú ý của họ trong quá trình hỏi về lịch sử bệnh tình hoặc bằng cách yêu cầu họ nhắc lại 3 từ bất kỳ.
Những yếu tố được đánh giá và một vài ví dụ cụ thể:
- Sự chú ý và mức độ tập trung: yêu cầu bệnh nhân đánh vần một từ gồm 5 chữ cái lần lượt theo chiều thuận và chiều ngược. Ví dụ như: “K.h.ô.n.g” & “g.n.ô.h.K”.
- Tính định hướng: thông qua các câu hỏi về thông tin cá nhân (như tên bạn là gì?); thời gian (hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu?); địa điểm (địa điểm này tên là gì?)
- Trí nhớ ngắn hạn: yêu cầu người bệnh nhắc lại tên của 3 món đồ vật sau khoảng 2 đến 5 phút.
- Trí nhớ dài hạn: hỏi bệnh nhân về một thông tin trong quá khứ, như “Ngôi nhà đầu tiên của bạn có màu gì? Đứa con đầu tiên của bạn sinh vào năm nào, ở đâu?…”
- Khả năng tính toán: chọn một phép toán đơn giản nào đó. Ví dụ như từ số 100 ban đầu, sẽ liên tục trừ đi 7 từ 4-5 lần (100 và trừ 7, 93 trừ 7, 86 trừ 7…)
- Gọi tên đồ vật: đưa ra một món đồ bất kỳ, chẳng hạn như bút, sách, đồng hồ… và yêu cầu bệnh nhân gọi tên đồ vật đó.
- Làm những hành động theo yêu cầu: bắt đầu bằng một yêu cầu gồm 1 bước như “Chạm tay phải vào mũi”. Sau đó tăng dần lên yêu cầu gồm 3 bước như “Cầm mảnh giấy này bằng tay phải. Gấp đôi nó lại. Đặt lên bàn.”
- …
Ví dụ minh họa về bài kiểm tra & thang điểm đánh giá MMSE
Cận lâm sàng
|
Cách phòng ngừa sa sút trí tuệ
Để phòng ngừa SSTT, người cao tuổi cần thực hiện các khuyến cáo sau của bác sĩ:
- Thường xuyên hoạt động trí não như: đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng;
- Người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao đều đặn, nhẹ nhàng, tránh lối sống thụ động, tĩnh tại;
- Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, duy trì giấc ngủ chất lượng;
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng SSTT;
- Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch như: huyết áp cao, tiểu đường không được kiểm soát tốt, mỡ máu cao, dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ não, là nguyên nhân của SSTT mạch máu. Do đó, người dân nên điều trị sớm và kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường và giảm chỉ số khối cơ thể (BMI) nếu chỉ số khối cao;
- Tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc lá;
- Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế;
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh, lão khoa.
Kết luận:Sa sút trí tuệ vừa là diễn tiến tự nhiên của quá trình lão hoá vừa là một bệnh lý nguy hiểm và gây tử vong ở người cao tuổi. Bệnh do nhiều nguyên nhân do đó cần khám bởi các bác sĩ chuyên khoa. Người cao tuổi nên được tầm soát sớm sa sút trí tuệ để phòng ngừa và điều trị kịp thời. |
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2022,
Chủ đề: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Tài liệu tham khảo:
- Alzheimer’s & Dementia®: The Journal of the Alzheimer’s Association.
- “Tiếp cận chẩn đoán và xử trí sớm sa sút trí tuệ” Hội thần kinh học Việt Nam
- Dementia : World Health Organization