Tìm hiểu về bệnh ung thư

BS.CKI Nguyễn Văn Vũ

Bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu, Khoa Ngoại Tổng quát – Tiết niệu – Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh 

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021, ước tính có khoảng 20 triệu người mắc bệnh ung thư và có khoảng 10 triệu người tử vong do ung thư. Bệnh ung thư có xu hướng gia tăng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Bệnh ung thư là gì?

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào xuất phát từ gen (DNA), các tế bào này tăng sinh mất kiểm soát, phá vỡ cấu trúc mô, cơ quan, xâm lấn xung quanh và lan đến các cơ quan khác.

Nguyên nhân của bệnh ung thư là do các tác nhân như vật lý (tia phóng xạ, tia tử ngoại…), hóa học (khói thuốc lá, khói từ động cơ xăng dầu, chất nhuộm, chất phụ gia…), sinh học (vi trùng Helicobacter Pylori, viêm gan siêu vi B, C…) hay các rối loạn trong quá trình sao chép gen gây ra các đột biến gen.

Cơ chế gây ra ung thư là do các đột biến gen xảy ra ở các gen sinh ung (oncogenes) vượt qua được sự kiểm soát của các gen đè nén bướu (tumor suppressor genes) trong quá trình sửa chữa DNA của tế bào. Các đột biến này được nhân lên, tạo ra nhiều tế bào mang đột biến gen, sinh ra các mô ung thư, các tế bào ung thư xâm nhập vào các cơ quan lân cận, xâm lấn mạch máu, mạch bạch huyết sinh ra sự di căn hạch, di căn xa tới các cơ quan khác.

Các dấu hiệu, triệu chứng ung thư?

Ngày nay, việc kiểm tra định kỳ, tầm soát phát hiện sớm ung thư sẽ giúp điều trị dễ dàng và người bệnh sống lâu hơn. Việc nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng sớm của một số loại ung thư thường gặp như da, cổ tử cung, vú, đại trực tràng và miệng là rất quan trọng để được chẩn đoán và điều trị sớm. Các dấu hiệu đó là:

  • Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng.
  • Ăn không tiêu hoặc khó nuốt.
  • Nói khó hoặc thay đổi giọng nói.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiểu.
  • Ra huyết âm đạo bất thường.
  • Tiết dịch bất thường ở núm vú.
  • Chỗ lở loét khó lành.
  • Chỗ dày lên, nổi u cục phát triển nhanh ở vú hoặc mô mềm.
  • Thay đổi về kích thước và tính chất của nốt ruồi.

Khi triệu chứng rõ rệt sau đây, bệnh có thể có diễn biến trễ:

  • Sụt cân: người ung thư giai đoạn cuối có thể sụt 5-10 kg trong vài tháng.
  • Sốt tái đi tái lại, thường vào ban đêm mà không có nhiễm trùng nào khác.
  • Các triệu chứng do khối u gây bít tắc như nôn ói do u dạ dày gây hẹp môn vị, bí trung đại tiện do u đại trực tràng gây tắc ruột…
  • Các triệu chứng do khối u xâm lấn và chèn ép mô xung quanh như đau; phù mặt và quanh cổ do ung thư phế quản chèn ép tĩnh mạch chủ; nghẹt mũi, ù tai, lồi mắt do u vòm hầu…
  • Các triệu chứng do u di căn như: nổi hạch to tràn dịch màng phổi, màng bụng; gãy xương bệnh lý…

Các phương tiện chẩn đoán ung thư?

Tuỳ theo mỗi loại ung thư, bác sĩ sẽ sử dụng những phương tiện thích hợp để sàng lọc và chẩn đoán. Điều quan trọng là bạn nên trao đổi những triệu chứng, dấu hiệu với bác sĩ. Các phương tiện đó là:

Nội soi: Nội soi có vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư thanh quản, ung thư phế quản phổi, ung thư bàng quang… Qua nội soi, bác sĩ có thể thực hiện một số thủ thuật như sinh thiết bướu, cắt polyp, điều trị một số tổn thương.

Chẩn đoán hình ảnh: Có rất nhiều phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp nhũ ảnh, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), đồng vị phóng xạ… Đây là phương tiện rất quan trọng trong việc phát hiện các tổn thương do ung thư. Tuy nhiên, mỗi loại có những ưu và nhược điểm riêng, cần phải được bác sĩ chỉ định phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Xét nghiệm dấu ấn ung thư: Dấu ấn ung thư là những chất hoặc tiền chất do bướu tạo ra, được sử dụng trong hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát sau điều trị. Một số dấu ấn ung thư phổ biến như: AFP, AFP -L3, PIVKA II trong ung thư gan; CA15-3, CEA trong ung thư vú; CEA, CA19-9 trong ung thư đại trực tràng.

Tế bào học: Tế bào học là một phương pháp chẩn đoán dựa trên xem sự thay đổi hình thái tế bào dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào ung thư. Thông thường bác sĩ sẽ lấy dịch trong khối u, hạch, dịch các màng hoặc dịch tế bào để chẩn đoán. Ví dụ PAP’s mear trong ung thư cổ tử cung; chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) trong bệnh lý tuyến vú, giáp, tuyến mang tai; Cell Block tìm tế bào ác tính trong dịch màng bụng, màng phổi,…

Đây là phương pháp chẩn đoán nhanh, dễ thực hiện, độ chính xác cao nhưng có thể bị âm tính giả (bị ung thư nhưng không phát hiện được).

Chẩn đoán giải phẫu bệnh: Giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh ung thư. Khi xác định bướu hay di căn, bác sĩ sẽ sinh thiết một phần hay lấy trọn một sang thương để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Các mẫu mô được xử lý thông qua các quy trình để làm thành các tiêu bản và được bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi.

Kết quả phân tích giải thích được bản chất của tổn thương, lành tính, ác tính, độ mô học, mức độ xâm nhập, nguồn gốc khối u, mức độ biệt hoá… giúp cho bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.

Chẩn đoán sinh học phân tử: Đây là phương pháp hiện đại, chẩn đoán bệnh ở cấp độ gen, phân tử; sử dụng trong tầm soát ung thư và trong điều trị bằng các loại thuốc hóa trị nhắm trúng đích, liệu pháp gen. Ví dụ: đột biến gen ALK, EGFR, ROSS 1 trong ung thư phổi.

Chẩn đoán bệnh ung thư

Để chẩn đoán bệnh ung thư, bác sỹ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các phương tiện cận lâm sàng, đặc biệt là kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh. Tiến trình chẩn đoán được thực hiện qua từng bước: chẩn đoán cơ quan mang bệnh, chẩn đoán bản chất bướu và chẩn đoán giai đoạn bệnh. Các giai đoạn bệnh như trong bảng sau đây:

Giai đoạn

Mô tả

0

Ung thư tại chỗ

I

Bướu nguyên phát thể tích nhỏ, không kèm hạch, di căn

II

Bướu ăn lan tại chỗ nhiều hơn + xâm nhập hạch tối thiểu

III

Bướu tràn ngập cơ quan bị bệnh +/ kèm hạch quan trọng

IV

Bướu ăn lan quá rộng + di căn xa

Điều trị bệnh ung thư như thế nào?

Việc điều trị bệnh ung thư là sự phối hợp điều trị đa mô thức và điều trị toàn diện trên từng người bệnh. Điều trị đa mô thức là phối hợp các liệu pháp phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân để tổng hợp được các tác dụng tốt nhất của từng liệu pháp nhằm lấy đi hoặc tiêu diệt được nhiều tế bào ung thư nhất và hạn chế tối đa tác dụng phụ hay nhược điểm của từng liệu pháp. Điều trị toàn diện là điều trị, kiểm soát bệnh ung thư và các bệnh đi kèm một cách tối ưu nhất.

 Phẫu thuật: là phương pháp điều trị bướu tại chỗ. Phẫu thuật có vai trò chủ chốt trong điều trị bướu đặc, có 3 loại:

  • Phẫu thuật phòng ngừa: cắt bỏ những tổn thương tiền ung thư giúp làm giảm và loại bỏ nguy cơ gây ung thư. Ví dụ phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu trong điều trị bệnh tinh hoàn lạc chỗ trong ổ bụng.
  • Phẫu thuật điều trị gồm phẫu thuật tận gốc (triệt để) lấy trọn mô bướu kèm rìa diện cắt an toàn; phẫu thuật tạm bợ cắt khối ung thư, làm giảm nhẹ các triệu chứng, làm lui bệnh tạm thời, áp dụng cho bệnh ung thư giai đoạn III-IV.
  • Ghép tạng: ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc chữa các bệnh ung thư máu…

Xạ trị: là phương pháp điều trị ung thư tại chỗ, tại vùng. Nguyên tắc xạ trị là dùng các tia bức xạ ion-hóa có năng lượng cao làm đứt gãy các cấu trúc gen, nhiễm sắc thể hoặc tạo ra các ion hóa gây ra rối loạn sự nhân đôi, sao chép gen, rối loạn phát triển tế bào sau đó tế bào bị tiêu diệt.

Ngày nay, có nhiều phương pháp xạ trị hiện đại như xạ trị điều biến liều (IMRT): dùng các chùm bức xạ được điều chỉnh liều đúng với hình dáng khối u để giảm thiểu tổn thương cho các mô lành xung quanh; xạ trị Proton và hạt nặng: xạ trị những khối u kháng trị với xạ trị Cobalt hay gia tốc, thời gian xạ trị ngắn, hiệu quả cao.

Hóa trị: là liệu pháp điều trị toàn thân, sử dụng các loại thuốc là các chất hóa học để gây độc tế bào ung thư. Các mô thức hóa trị bao gồm:

  • Hóa trị tân hỗ trợ: hóa trị tiến hành trước phẫu thuật hoặc xạ trị.
  • Hóa trị tại chỗ: hóa chất được bơm, truyền trực tiếp vào tổn thương ung thư, ví dụ: TACE, TOCE, HAIC,..
  • Hóa trị bổ trợ: hóa trị tiến hành sau phẫu thuật hoặc xạ trị.
  • Hóa trị giảm nhẹ: điều trị cho các bệnh ung thư lan tràn, di căn xa.

Liệu pháp nhắm trúng đích: là liệu pháp dùng các loại thuốc chuyên biệt, có độ đặc hiệu cao đánh trúng gen, các sản phẩm của gen gây ung thư, ngăn chặn quá trình sản xuất các sản phẩm của các gen gây bệnh, ngăn chặn sự bất tử của tế bào ung thư. Ví dụ: thuốc Trastuzumab dùng trong ung thư vú thể Her-2 (+).

Liệu pháp miễn dịch: là liệu pháp sinh học toàn thân, dùng các loại thuốc chuyên biệt, đặc hiệu cao làm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Liệu pháp nội tiết: là liệu pháp toàn thân, dùng các loại hormone hoặc các chất là tiền chất của hormone để điều trị các loại bệnh ung thư mà có thụ thể dạng nội tiết tương ứng. Ví dụ: trong điều trị ung thư vú, tuyến tiền liệt…

Kết luận

“Ung thư biết sớm trị lành”. Nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng bệnh ung thư là rất quan trọng để chẩn đoán sớm. Để chẩn đoán bệnh ung thư, bác sĩ phải kết hợp các triệu chứng và phương tiện phù hợp. Điều trị bệnh ung thư là phối hợp đa mô thức và điều trị toàn diện trên từng người bệnh

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế. Ung thư học đại cương, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam 2009.
  2. DeVita, Hellman, and Rosenberg’s Cancer Principles & Practice of Oncology 11th edition, Wolters Kluwer 2019.
  3. Abeloff ’s Clinical Oncology, 6th Edition, Elsevier 2020.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin: Tại đây)