Bệnh ghẻ và những điều bạn cần biết

Bệnh ghẻ là gì?

Bệnh ghẻ (dân gian còn gọi là bệnh ghẻ ngứa) do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis) gây ra. Bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh hoặc quần áo, đồ dùng có ký sinh trùng ghẻ, vì vậy, việc điều trị và chẩn đoán rất quan trọng, giúp cho người bệnh khỏi bệnh cũng như hạn chế tái phát và lây lan cho người thân.

Ai có nguy cơ mắc bệnh ghẻ?

Bệnh ghẻ gặp ở nhiều lứa tuổi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên và người già nằm liệt giường.

Người sống ở vùng dân cư đông đúc, nhà chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.

̣nh ghẻ có những biểu hiện gì?

  • Biểu hiện chủ yếu là ngứa da, đặc biệt là vùng da non như: kẻ ngón, các nếp gấp, quanh rốn, mông, đùi, bộ phận sinh dục, quầng vú… trừ vùng mặt.
  • Tổn thương mụn nước, sẩn cục mụn mủ rải rác các vùng da non. Đặc biệt là dấu hiệu rãnh ghẻ tạo đường hầm tổn thương dài vài mm.
  • Ngứa thường xuất hiện nhiều về đêm.
  • Gia đình có thể có nhiều người cùng bị ngứa.

Biến chứng và dư hậu của bệnh ghẻ

  • Bệnh có thể gây thành dịch trong cộng đồng nếu không được chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt là những trẻ nhỏ đang đi học hoặc ở nhà trẻ.
  • Biến chứng viêm cầu thận sau khi các vết ngứa do ghẻ gây nhiễm trùng.
  • Ghẻ tăng sừng đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch, gây tử vong và nhiễm trùng huyết.

Bệnh ghẻ được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán ghẻ chủ yếu dựa vào lâm sàng:

  • Mụn nước, đường hang ở kẽ tay, sinh dục….
  • Ngứa nhiều về đêm;
  • Có yếu tố dịch tễ: gia đình, đơn vị, tập thể nhiều người bị;
  • Soi thấy cái ghẻ: dùng thìa nạo (curette) nạo mụn nước ở đầu luống ghẻ hoặc nạo luống ghẻ, cho lên lam kính, nhỏ 1 giọt KOH 10%, soi kính hiển vi thấy trứng hoặc cái ghẻ.

Điều trị và phòng bệnh

  • Việc chẩn đoán và điều trị cần được các cơ sở y tế có uy tín, thực hiện càng sớm càng tốt tránh để xảy ra các biến chứng không mong muốn.
  • Tốt nhất nên điều trị cho cả gia đình để phòng ngừa việc bệnh tái phát.
  • Khi mắc bệnh ghẻ cũng như nghi ngờ mắc bệnh, cần tránh tiếp xúc với người xung quanh, vệ sinh cá nhân hàng ngày.
  • Quần áo cần được đun sôi 80-90 độ C, phơi nắng. Những quần áo ít mặc cần được để riêng trong 1 tuần vì cái ghẻ sẽ tự chết khi ở môi trường bên ngoài 03 ngày.

Tài liệu tham khảo

  1. Fitzpatrick’s dermatology in general medicin, Lowell A. Goldsmith, “Scabies, other mites, and pediculosis”, 8th, 2012, p. 2569-2573.
  2. Andrews’ diseases of skin Clinical Dermatology, William D. James, “Parasitic infestaton, stings, and bites”, 11th, 2011, p. 442-443