Bệnh hen suyễn người lớn

BS.CKI Tô Bảo Quốc
Trưởng Khoa Khám ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

Bệnh hen suyễn là gì? 

Hen suyễn hay Hen phế quản (HPQ) là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản. 

Triệu chứng bệnh hen suyễn là gì?

Các triệu chứng bệnh thường gặp:

  • Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt là thở ra
  • Thời điểm xuất hiện cơn khó thở: về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi)
  • Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đàm, khó thở, nặng ngực
  • Tiền sử bản thân: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn
  • Tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản và hoặc các bệnh dị ứng.

Nguyên nhân các yếu tố gây khởi phát cơn hen là gì?

Các yếu tố thường làm khởi phát cơn hen là do di truyền kết hợp tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài như:   

  • Thay đổi thời tiết: không khí lạnh, máy lạnh, quạt gió
  • Nhiễm trùng đường hô hấp, cảm cúm
  • Các loại nước hoa, hóa chất, khói thuốc lá, khói nhang, bụi
  • Phấn hoa, bào tử nấm mốc, mạt nhà, lông thú nuôi
  • Hoạt động thể chất gắng sức, căng thẳng tâm lý, lo lắng, stress
  • Dị ứng thuốc, như thuốc: chẹn beta, aspirin, thuốc kháng viêm không steroid
  • Rượu bia, thức ăn hải sản, thịt bò, gà
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Chẩn đoán bệnh hen suyễn

Hen suyễn phải được bác sĩ chuyên khoa hô hấp thăm khám chẩn đoán

  • Đo chức năng hô hấp là công cụ quan trọng để chẩn đoán bệnh hen suyễn. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khai thác thêm tiền sử, yếu tố di truyền, tình trạng dị ứng và thăm khám để đánh giá mức độ của bệnh.
  • Một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang phổi, khám tai mũi họng hoặc các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý đường hô hấp khác.

Điều trị bệnh hen suyễn

Bao gồm:

  • Cắt cơn hen và loại trừ các yếu tố gây khởi phát.
  • Kiểm soát lâu dài gồm: kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng sinh hoạt bình thường (kiểm soát theo bậc hen phế quản), giảm thiểu nguy cơ trong tương lai như cơn hen ác tính, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc điều trị hen suyễn chia thành 3 loại chính:

Thuốc kiểm soát hen: là các thuốc dùng duy trì để điều trị bệnh hen giúp làm giảm nguy cơ đợt cấp và sụt giảm chức năng hô hấp nhờ tác dụng giảm tình trạng viêm đường thở. Hiện nay, thuốc kiểm soát hen ban đầu cho người lớn gồm thuốc Formoterol/Corticosteroid dạng hít (ICS) phối hợp với thuốc thích beta 2 tác dụng ngắn (SABA). Trên thị trường Việt Nam có các loại như:

  • Formoterol/budesonide 4,5/160 mcg; 4,5/80 mcg; dạng DPI
  • Formoterol/budesonide 4,5/160 mcg; 4,5/80 mcg; 2,25/80 dạng pMDI
  • Salmeterol/fluticasone propionate 25/50; 25/125; 25/250 mcg dạng pMDI
  • Salmeterol/fluticasone propionate 50/100; 50/250; 50/500 mcg dạng DPI
  • Fluticasone propionate 125 mcg dạng pMDI
  • Fluticasone propionate 0,5 mg/2 ml dạng phun khí dung
  • Budesonide 0,5 mg/2 ml và 0,5 mg/ml dạng phun khí dung.

(2) Thuốc cắt cơn hen: là các thuốc chỉ dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng, khi người bệnh có cơn khó thở hoặc đợt cấp hen. Giảm nhu cầu hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn hen là mục tiêu quan trọng của điều trị hen. Thuốc chai xịt Ventoline dùng để cắt cơn hen nhanh chóng, vì vậy, người bệnh nên mang theo bên mình.  Thuốc này cũng được khuyến cáo sử dụng trước khi tập thể dục.

(3) Thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng: đây là các thuốc được xem xét khi người bệnh có triệu chứng hen dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp dù đã tối ưu hóa điều trị bằng liều cao Corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc thuốc thích beta 2 tác dụng dài (LABA) và đã phòng tránh các yếu tố nguy cơ.
Bệnh hen suyễn là một bệnh mạn tính, có nhiều nguy cơ bao gồm cả tử vong. Do đó, người bệnh cần được bác sĩ đánh giá cẩn thận và có một chương trình quản lý, kiểm soát lâu dài dành riêng cho từng người bệnh. Trong đó, sự tuân thủ điều trị và sự hiểu biết của người bệnh về bệnh hen suyễn sẽ giúp kiểm soát tốt lâu dài.

Các biện pháp chăm sóc người bệnh hen suyễn 

Bên cạnh sử dụng thuốc để phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, bệnh nhân cần phải duy trì sức khỏe tốt và tránh các tác nhân kích ứng cơn hen.

  • Vệ sinh, khử trùng các vật dụng trong nhà. Sử dụng máy lọc không khí để giảm bớt lượng tác nhân kích thích trong không khí, bụi bẩn, nấm mốc.
  • Hạn chế tiếp xúc với thú nuôi: chó mèo…
  • Hạn chế máy lạnh, sử dụng khẩu trang che mũi miệng khi ra trời lạnh.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên và ăn uống đầy đủ vitamin, khoáng chất, tăng cường sức đề kháng cơ thể. Tránh rượu bia, thức ăn bị dị ứng, tránh stress, lo âu, căng thẳng…
  • Kiểm soát chứng trào ngược dạ dày thực quản (nếu có).
  • Tiêm chủng ngừa cúm, phế cầu đầy đủ.

Kết luận

Mặc dù bệnh hen suyễn kiểm soát được, nhưng đây vẫn là một căn bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, gây tổn thương mạn tính ở phổi. Nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ra các cơn hen cấp có khả năng nguy hiểm tính mạng. Do đó, bệnh nhân phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị hen hàng ngày từ bác sĩ và chủ động tránh các tác nhân kích thích tạo cơn hen.

Tài liệu tham khảo 

  1. Hội hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng. Chiến lược toàn cầu về xử trí hen. https://ginasthma.org/wp-content/uploads/2020/11/GINA-Pocket-Guide-2020-Vietnamese.pdf 
  2. Hội hô hấp Việt Nam. Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi”