Các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi vào mùa xuân và cách phòng tránh

BS.CKI Danh Thị Ngọc Tuyền

Bác sĩ Khoa Nội Tim mạch – Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Vào những ngày thời tiết giao mùa, khí hậu thay đổi từ nóng sang lạnh, mưa nắng thất thường, môi trường nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút, vi khuẩn có hại phát triển – là mầm mống gây bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta. Với những người cao tuổi, do sự suy giảm hệ miễn dịch làm giảm sức đề kháng nên lại càng dễ mắc bệnh. Do đó, vào thời điểm này, người cao tuổi cần phải nâng cao các biện pháp phòng tránh để tăng cường sức khoẻ nhằm ngăn ngừa các bệnh lý này.

Viêm đường hô hấp

Khi thời tiết thay đổi từ thu sang đông làm nhiệt độ có xu hướng giảm dần nên đường hô hấp là cơ quan thường nhạy cảm nhất vào mùa này. Do đó các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường rất dễ gặp và tái phát ở người cao tuổi. Biểu hiện của những bệnh này thường là sổ mũi, đau họng, đau đầu, nhức mỏi cơ, ho sốt, khó thở, khò khè… Chính vì vậy, người cao tuổi cần chú ý đến các dấu hiệu này để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Để phòng bệnh, cần giữ ấm cơ thể, ăn nóng, uống ấm, tập luyện thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc lá. Nếu đang điều trị các bệnh mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thì nhớ uống thuốc và đi tái khám đầy đủ. Cúm và phế cầu là một trong những tác nhân gây bệnh thường gặp trên các đối tượng này. Hiện nay, tại các cơ sở y tế cũng đã có vắc-xin phòng ngừa, chính vì vậy đối tượng người cao tuổi cũng nên được tiêm phòng đầy đủ để hạn chế bị bệnh và nếu có nhiễm bệnh thì bệnh cũng giảm được các triệu chứng cũng như thời gian điều trị bệnh.

Bệnh về cơ, xương, khớp

Vào mùa lạnh, người cao tuổi thường hay đau nhức xương khớp. Đây cũng là một trong những bệnh lý liên quan đến sự lão hoá khi lớn tuổi. Sự suy giảm chức năng của các khớp, cùng với sự tổn thương đóng vôi của các dây chằng, sự bào mòn các sụn khớp và đặc biệt là loãng xương sau tuổi mãn kinh do suy giảm các hoocmon nội tiết làm các khớp cử động không còn được linh hoạt, thường xuyên đau nhức và cứng. Các biểu hiện thường gặp là đau nhức tại chỗ, sưng, nóng, đỏ vùng khớp tổn thương, hạn chế các cử động co duỗi khớp, đôi khi người bệnh cảm giác lạo xạo ở khớp gối.

Để phòng bệnh, chủ yếu là thường xuyên vận động để gia tăng sự dẻo dai và linh hoạt của các khớp, tăng cường thực phẩm nhiều đạm, canxi để có bộ xương vững chắc, xoa bóp và uống thuốc giảm đau đúng liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ. Nên đo mật độ xương để tầm soát, nhất là phụ nữ sau tuổi mãn kinh để được điều trị kịp thời khi có dấu hiệu loãng xương. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần có các biện pháp phòng tránh té ngã như: mang dép chống trơn trượt, hạn chế đến những nơi nền nước ẩm ướt … nhằm tránh các chấn thương và gãy xương ở người cao tuổi.

Bệnh lý tim mạch, đột quỵ

Tuổi cao là một trong những yếu tố nguy cơ của các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, và  các bệnh lý về mạch máu não như đột quỵ. Vào mùa lạnh, nhu cầu oxy của tim tăng lên do phải tăng cường hoạt động để duy trì thân nhiệt nên dễ dẫn đến mất cung cầu oxy cho tim hoạt động. Điều này dễ dẫn đến cơn đau tim ở những người cao tuổi có sẵn bệnh lý mạch vành (hẹp mạch máu nuôi tim), làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hay lên cơn khó thở đột ngột ở những người cao tuổi có suy tim trước đó. Hệ mạch máu ở người cao tuổi có sự giảm độ đàn hồi, xơ cứng, kèm theo đó là bệnh lý tăng huyết áp làm cho thành mạch máu dễ bị tổn thương nên dễ bị đột quỵ hơn, nhất là vào thời điểm chiều tối, nửa đêm về sáng. Các dấu hiệu nhận biết là người bệnh đột ngột choáng váng, xây xẩm, đau đầu, giảm và mất ý thức, yếu liệt nửa thân người, méo miệng, nói đớ. Trong các trường hợp nặng hơn có thể ngã quỵ và bất tỉnh. Khi đó cần chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất một cách nhanh chóng để kịp thời điều trị.

Để phòng tránh, cần ăn uống khoa học điều độ, giảm ăn mặn, chất béo, dầu mỡ, rượu bia, hút thuốc lá và nên bổ sung đủ nước. Thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.  Cần giữ ấm cơ thể, môi trường sống tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Khi mắc bệnh tăng huyết áp phải uống thuốc đều đặn để giảm nguy cơ các biến chứng như:  đột quỵ, suy tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp do huyết áp tăng mất kiểm soát. 

Các bệnh nhiễm trùng

Khi thời tiết chuyển mùa, môi trường ẩm ướt là điều kiện để các vi sinh vật, mầm mống gây bệnh phát triển và  xâm nhập vào cơ thể. Chính vì vậy các bệnh lý liên quan cũng gia tăng như tiêu chảy cấp, nhiễm trùng tiêu hoá. Các triệu chứng thường gặp như nôn ói, đau bụng, tiêu phân lỏng nhiều lần, sốt… Khi cơ thể mất quá nhiều nước và chất điện giải dễ dẫn đến truỵ tim mạch, thậm chí nặng hơn có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Có thể phòng tránh các bệnh lý này bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm đúng cách, bổ sung đủ nước nhất là khi thời tiết nóng nực. Nếu có các dấu hiệu của bệnh thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Kết luận

Vì sự suy giảm hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng, nên đối với người cao tuổi, các vấn đề sức khỏe phòng bệnh rất quan trọng. Trong giai đoạn giao mùa, cơ thể tiếp xúc với nhiều mối nguy hiểm từ môi trường sống từ chế độ sinh hoạt đến thời tiết… nên việc phòng bệnh cần phải chú trọng hơn. Người thân cần phải hiểu các quy luật này để có sự quan tâm, chăm sóc và giúp những người lớn tuổi trong nhà phòng bệnh hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

  1. Cổng thông tin điện tử của Bộ Y Tế: https://moh.gov.vn/
  2. Trang thông tin điện tử Cục y tế dự phòng: https://vncdc.gov.vn/