Các giai đoạn phát triển của trẻ

ThS.BS Nguyễn Thanh Phước

Phó khoa Nhi – Đơn nguyên Sơ sinh

Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Trẻ em từ lúc sinh ra đến tuổi trưởng thành sẽ trải qua nhiều thay đổi khác nhau về thể chất, lời nói, trí tuệ và nhận thức. Những thay đổi cụ thể ở các độ tuổi khác nhau của cuộc đời được gọi là các mốc phát triển. Quan tâm đến những thay đổi này có thể giúp bạn theo dõi xem con mình có đang phát triển bình thường hay không. Việc không đạt được các mốc này có thể là các rối loạn phát triển hoặc các bệnh di truyền.

Sự phát triển của trẻ có thể chia ra các giai đoạn sau:

Trẻ sơ sinh

Trong tháng đầu đời, trẻ sơ sinh có thể phản ứng tự động với các kích thích bên ngoài. Cụ thể, bé sẽ quay đầu về phía bàn tay của bạn khi bạn vuốt gò má hoặc bé có thể nắm khi bạn đặt ngón tay vào lòng bàn tay bé. Trẻ sơ sinh có thể nhìn cận cảnh các đồ vật, nhận ra một số mùi nhất định, lắc đầu qua lại và cười hoặc khóc để biểu thị nhu cầu.

Trong độ tuổi này có thể phát hiện các dấu hiệu khuyết tật bẩm sinh chẳng hạn như: tật nứt đốt sống, rối loạn di truyền (suy giáp, Thalassemia, suy tuyến thượng thận…) và các rối loạn thai nhi do ảnh hưởng của rượu (fetal alcohol syndrome – FAS).

Trẻ cũng có thể bị các tổn thương chu sinh như xuất huyết não – màng não, sinh ngạt, gãy xương đòn… do sang chấn sản khoa hoặc mắc các bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp (ví dụ: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết…).

Nhiều yếu tố có thể làm cản trở sự thích nghi của trẻ và gây tử vong sớm trong tuần đầu, nhất là trong 24 giờ đầu tiên. Theo báo cáo của WHO năm 2017, tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm đến 47% tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Giai đoạn này cần phải:

  • Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc da kề da ngay sau sinh, bú sữa non càng sớm càng tốt.
  • Hướng dẫn bà mẹ cách nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Mẹ trẻ và gia đình cần tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mối quan hệ gắn bó mẹ – con ngay từ sau sinh.

Thời kỳ nhũ nhi (Infant): 2 tháng – 12 tháng

Trong giai đoạn này, trẻ phát triển nhanh chóng. Trẻ 12 tháng tuổi, thể tích não của trẻ tăng gấp đôi và tương đương với khoảng 72% thể tích não ở người trưởng thành. Trung bình, cân nặng trẻ tăng gấp 3 lần so với lúc sinh, chiều dài tăng 25cm, vòng đầu tăng 10cm.

  • Khi được 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ có thể kiểm soát chuyển động của đầu và nắm hai tay lại với nhau.
  • Khi được 6 đến 9 tháng tuổi, trẻ có thể ngồi mà không cần hỗ trợ, bập bẹ và đáp ứng lại khi gọi tên.
  • Từ 9 đến 12 tháng tuổi, em bé có thể nhặt đồ vật, bò và thậm chí có thể đứng khi được hỗ trợ.

Do chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh mà nhu cầu năng lượng lại cao nên trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Hệ thần kinh chưa được myelin hóa đầy đủ, quá trình ức chế và hưng phấn có xu hướng lan tỏa nên trẻ dễ có các phản ứng toàn thân như sốt co giật.

Sau 6 tháng, các yếu tố miễn dịch mẹ cho đã cạn nhưng khả năng sản xuất miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn chỉnh, do đó, khả năng nhiễm trùng tăng cao.

Trẻ hiếu động nên rất dễ bị tai nạn như chết đuối, điện giật và ngộ độc do nhầm lẫn.

Những khó khăn trong nuôi dưỡng trẻ (ví dụ: cho bú, ru ngủ…) có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của mẹ, từ đó ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ – con dẫn đến tình trạng trẻ ít chịu tham gia chơi cùng bố mẹ hoặc dễ giận dữ, buồn rầu, kém năng động.

Chậm phát triển ở trẻ nhỏ có thể là dấu hiệu của hội chứng Down và các khuyết tật phát triển khác.

Giai đoạn này cần phải:

  • Giáo dục, khuyến khích và hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh trong ít nhất 4 – 6 tháng đầu và cho ăn dặm đúng cách.
  • Theo dõi trẻ định kỳ, chích ngừa đầy đủ tại cơ sở y tế.
  • Bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần chăm sóc, thương yêu con đúng mực.
  • Theo dõi và phát hiện trầm cảm sau sinh ở mẹ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

Thời kỳ răng sữa (early childhood): 1 tuổi – 6 tuổi

Lứa tuổi nhà trẻ (toddlerhood): 1 – 3 tuổi

Khi trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi, trẻ tập đi mà không cần trợ giúp, leo cầu thang và nhảy tại chỗ. Trẻ có thể cầm bút màu, vẽ hình tròn, xếp khối này lên khối khác, sử dụng các câu ngắn và thậm chí làm theo các hướng dẫn đơn giản.

Do hiếu động và tò mò nên trẻ dễ bị tai nạn, ngộ độc. Trẻ ham chơi và dễ bị chán ăn.

Do tiếp xúc rộng rãi với môi trường nên trẻ dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm (sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi, sốt xuất huyết) nếu không được phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ từ trước.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo sàng lọc bệnh tự kỷ cho trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi vì ở lứa tuổi này đã có thể phát hiện sớm các dấu hiệu tự kỷ hoặc bất cứ khi nào cha mẹ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe cảm thấy nghi ngờ. Từ đó, trẻ có thể được phát hiện tự kỷ sớm và kiểm soát tốt hơn.

Các dấu hiệu của khuyết tật phát triển, chẳng hạn như bại não, có thể biểu hiện trong giai đoạn phát triển này.

Lứa tuổi mẫu giáo (preschool): 4 – 6 tuổi

Trong độ tuổi này, trẻ hoàn thiện các kỹ năng vận động của mình. Trẻ có thể ném bóng, nhảy lò cò, đứng bằng một chân trong mười giây hoặc lâu hơn, tự mặc quần áo và vẽ một người có các đặc điểm. Trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ và ký hiệu cùng với việc tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài sẽ giúp tái cấu trúc lại hành vi trẻ, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển khác về sau. Trẻ học được chức năng của đồ vật xung quanh và cũng nhờ đó mà tâm lý trẻ phát triển mạnh.

Giai đoạn này cần phải:

  • Khám răng định kỳ cho trẻ theo chương trình nha học đường;
  • Giáo dục, nhắc nhở và tổ chức cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ;
  • Phòng ngừa tai nạn và các bệnh truyền nhiễm.

Thời kỳ thiếu nhi (middle childhood): (7 – 11 tuổi)

Thời kỳ thiếu nhi (7 – 11 tuổi) là thời kỳ mà trẻ gia tăng sự tách biệt khỏi bố mẹ, rời khỏi trường mẫu giáo bước vào trường tiểu học, đây chính là một bước ngoặt lớn khi chuyển từ một đứa trẻ có hoạt động chủ đạo là vui chơi sang hoạt động chủ đạo là học tập. Mặc dù vậy, do cuộc sống của trẻ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào người lớn nên tính độc lập chưa thật sự phát triển. Trẻ thường chơi theo từng nhóm bạn cùng giới.

Cũng ở thời kỳ này, lòng tự trọng được chú ý nhiều hơn do trẻ đã có khả năng tự đánh giá bản thân cũng như nhận thức được cách người khác đánh giá mình. Thường là thông qua các kết quả học tập như đạt điểm cao hay khả năng chơi được một nhạc cụ.

Hệ thần kinh phát triển cùng với môi trường hoạt động mở rộng và phong phú giúp trẻ có điều kiện tìm tòi, tiếp thu nhanh kiến thức mới, biết suy nghĩ và phán đoán, phát triển trí thông minh và bắt đầu có sự phân biệt giới tính.

Răng vĩnh viễn bắt đầu mọc thay cho răng sữa.

Về tâm lý, trẻ rất dễ xúc động, chưa biết cách kiềm chế cảm xúc. Tuy nhiên, những cảm xúc này thường không ổn định, biểu hiện mạnh mẽ nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Giai đoạn này cần phải:

  • Kết hợp giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, trong chương trình học ở trường nhằm tác động dần về cả ba mặt: thói quen cộng đồng, gia đình và nhà trường.
  • Cung cấp đầy đủ cho nhà trường, cộng đồng: nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh, xà bông rửa tay, bàn ghế đúng tiêu chuẩn nhân trắc cho trẻ, phòng học có đủ ánh sáng và không bị chói.
  • Đưa vào chương trình giáo dục sức khỏe các nhóm bệnh thường gặp ở học sinh tiểu học.
  • Đưa giáo dục giới tính vào trường học.
  • Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhằm phát hiện sớm các rối loạn về ngôn ngữ và học tập.

Thời kỳ thiếu niên (adolescence): Từ 12-18 tuổi, có thể kéo dài đến 20 tuổi.

Trong suốt giai đoạn thiếu niên, trẻ không chỉ trải qua những thay đổi lớn về ngoại hình mà còn thay đổi nhanh chóng về các chức năng sinh lý, tâm lý và xã hội. Các yếu tố về giới tính, văn hóa, môi trường, xã hội có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của trẻ.

Dậy thì là sự chuyển tiếp về mặt sinh học từ trẻ nhỏ sang người trưởng thành. Những thay đổi của dậy thì bao gồm sự xuất hiện các đặc tính giới tính thứ phát, gia tăng chiều cao (đỉnh điểm có thể lên đến 8-9 cm/năm ở nữ và 9-10 cm/năm ở nam), thay đổi về kết cấu cơ thể (lớp mỡ dưới da, bắp cơ, khối lượng máu, các cơ quan nội tạng cũng phát triển mạnh làm cho trẻ có dáng hình biến đổi: vai rộng, ngực nở ở nam, vú và mông to ở nữ).

Về nhận thức, trẻ gia tăng năng lực ghi nhớ có chủ định, cải thiện rõ rệt phương cách và hiệu quả ghi nhớ. Khả năng tư duy trừu tượng của trẻ cũng phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, với những nội dung kiến thức được mở rộng, số lượng thuật ngữ về khoa học gia tăng, ngôn ngữ trở nên phong phú hơn, một số trẻ có thể sớm bộc lộ khả năng sáng tác văn, thơ.

Về tâm lý, trẻ dễ bị xúc động, kích động khiến tâm trạng dễ bị thay đổi. Trẻ bắt đầu xuất hiện tình cảm khác giới và thường mang tính chất lãng mạn, ngây thơ. Tình cảm khác giới này có ảnh hưởng lớn đến trẻ, có thể là động cơ giúp trẻ học tập, phát triển tốt hơn nhưng cũng có thể gây những xáo trộn lớn về cảm xúc, từ đó, ảnh hưởng đến các hoạt động học tập và xã hội. Trẻ có nhu cầu rất lớn về có người để tâm sự, được giải thích, hướng dẫn và thường có khuynh hướng tự đi tìm tình thương, tình bạn, tình yêu. Chính vì thế, gia đình, trường học và xã hội có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, trẻ rất muốn chứng tỏ cho mọi người thấy mình đã trưởng thành, rất muốn gây uy tín, thể hiện năng lực và tính độc lập. Vì vậy, dễ nghiện ngập, hút thuốc, uống rượu, ăn mặc khác người, hành động táo bạo, phiêu lưu. Trẻ cũng rất tò mò, muốn biết mọi điều, muốn làm thử chuyện người lớn như giải quyết sinh lý với người khác phái (thử giao hợp), tìm thú lạ trong chất gây nghiện, tham gia băng nhóm.

Hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, các bệnh nhiễm trùng giảm nhưng lại tăng nguy cơ mắc các bệnh về dị ứng, miễn dịch như viêm cầu thận cấp, hen suyễn, nổi mề đay.

Các dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder-ADHD), chẳng hạn như khó tập trung và dễ bị phân tâm, có thể xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Nếu bạn lo lắng rằng con mình đang bị tụt lại phía sau, hãy liên hệ với nhân viên y tế.

Giai đoạn này cần phải:

  • Cần tăng cường giáo dục và triển khai khái niệm sức khỏe trẻ vị thành niên.
  • Tăng cường giáo dục tuyên truyền cho các bậc cha mẹ về đặc điểm tâm sinh lý ở lứa tuổi này: tạo không khí tin tưởng và an tâm trong gia đình, cha mẹ thật sự là “người bạn già” để hướng dẫn và giải quyết thất bại, nghịch cảnh cho trẻ.
  • Giáo dục giới tính, các biện pháp phòng tránh thai.
  • Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các biểu hiện trầm cảm để kịp thời can thiệp.

Các dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ

Chậm phát triển đề cập đến khi một đứa trẻ không đạt được các mốc phát triển như mong đợi ở trẻ cùng tuổi. Sự chậm trễ có thể xảy ra trong chức năng vận động, lời nói, thính giác hoặc thị giác.

Tất nhiên, nếu một đứa trẻ được sinh ra sớm cần phải có thời gian để bắt kịp đà phát triển như các trẻ sanh đủ tháng. Tuy nhiên, nếu sự chậm trễ kéo dài hoặc đáng kể, chúng có thể chỉ ra các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Điều quan trọng cần nhớ là mỗi đứa trẻ phát triển theo tốc độ của riêng chúng. Vì vậy, nếu con bạn không đạt được một cột mốc nhất định cho độ tuổi cụ thể đó, đừng hoảng sợ hay lo lắng mà hãy cho trẻ một chút thời gian. Nếu bạn vẫn lo lắng về sự phát triển của con mình, hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ nhi khoa.

Các dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ có thể được trình bày trong bảng sau:

Dấu hiệu

Tuổi của bé

3-5 tháng

7 tháng

12 tháng

24 tháng

Chậm phát triển thể chất

– Không cho đồ vật vào miệng

– Kiểm soát đầu và cổ kém

– Không thể với tới hoặc nắm bắt đồ vật

 

– Không thể tự ngồi

– Không lăn theo cả hai hướng

– Co thắt cơ

– Co cứng cơ

– Mềm nhũn

– Không chịu được trọng lượng lên chân khi bạn kéo bé lên vị trí đứng

– Khó nuốt

– Không bò

– Tư thế cơ thể khập khiễng hoặc vụng về

– Không thể đứng với sự hỗ trợ

 

– Không thể đẩy đồ chơi có bánh xe

– Không thể đi bộ

– Chỉ đi trên ngón chân của trẻ

– Chậm nói

 

Chậm phát triển ngôn ngữ

 

– Không phản ứng với tiếng ồn lớn

– Không bập bẹ

– Bắt đầu bập bẹ nhưng không cố gắng bắt chước âm thanh

 

– Không phản ứng với âm thanh

 

– Không sử dụng các từ đơn lẻ, chẳng hạn như “ba”, “ma”

– Không hiểu hướng dẫn, chẳng hạn như “không”, “ẵm”, “bú”…

– Không thể nói ít nhất 15 từ

– Không sử dụng cụm từ 2 từ mà không lặp lại và chỉ có thể bắt chước lời nói

– Không sử dụng lời nói để giao tiếp khi cần thiết

Chậm phát triển cảm xúc

– Không mỉm cười với mọi người

– Không chú ý đến những khuôn mặt mới hoặc có vẻ sợ hãi trước người lạ

 

– Ngại ôm ấp

Không thể hiện sự thích thú khi ở gần mọi người

– Không ngủ thoải mái vào ban đêm (sau 5 tháng)

– Không cười mà không có sự nhắc nhở (5 tháng)

– Không cười hoặc ré lên (6 tháng)

– Không có hứng thú chơi ú òa (8 tháng)

– Không thể hiện tình cảm với cha mẹ hoặc người chăm sóc

– Không đam mê chia sẻ qua lại âm thanh, nụ cười hoặc nét mặt (lúc 9 tháng)

– Không đam mê các cử chỉ tương tác như vẫy tay, vươn tay hoặc chỉ tay

 

Kết luận

“Trẻ em không phải là cơ thể của một người lớn thu nhỏ”, cơ thể trẻ em có những đặc điểm riêng về cấu tạo và sinh lý. Sự thay đổi và phát triển qua các thời kỳ tuổi trẻ không chỉ phụ thuộc vào di truyền mà còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống, gia đình, xã hội và cách nuôi dưỡng… Những kiến thức về tăng trưởng, phát triển và hành vi của trẻ theo từng giai đoạn tuổi giúp cha mẹ và người nuôi dưỡng đồng hành cùng con trong từng bước trưởng thành, hỗ trợ phát hiện sớm các dấu hiệu chậm phát triển, các dị tật bẩm sinh, can thiệp sớm giúp trẻ phát triển khỏe mạnh về cả thể chất và tâm hồn.

Tài liệu tham khảo

  1. org/news/5-stages-child-development/
  2. medicinenet.com/what_are_the_5_stages_of_child_development/article.htm
  3. healthychildren.org/English/ages-stages/teen/Pages/Stages-of-Adolescence.aspx
  4. Nguyễn An Nghĩa (TS.BS), Các thời kỳ tuổi trẻ, Nhi khoa tập 1, tr 14-16, 2020.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)