BS. Đặng Tiến Dũng
Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát – Tiết niệu – Ung bướu, Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Theo Globocan 2020, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ tư trên toàn Thế giới. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, ung thư dạ dày dễ lan rộng, xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc di căn xa.
Tiên lượng cho người mắc bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giai đoạn bệnh có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Ở giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư chỉ ở dạ dày, việc điều trị sẽ cho kết quả tốt hơn, nhiều trường hợp có thể kỳ vọng bệnh được chữa khỏi. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp được phát hiện vào giai đoạn bệnh tiến triển, thời điểm mà khối u đã xâm lấn qua thành dạ dày hoặc lan sang các cơ quan khác của cơ thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Các dấu hiệu ung thư dạ dày bạn không thể bỏ qua
Ung thư dạ dày là bệnh lý dễ bỏ sót khi ở giai đoạn sớm một phần vì các triệu chứng ban đầu rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa lành tính khác. Nhận biết được các triệu chứng của ung thư dạ dày là rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh trước khi quá muộn. Dưới đây là một số dấu hiệu cần chú ý:
Khó tiêu và ợ nóng dai dẳng
Phần lớn các trường hợp những tế bào ung thư ban đầu sẽ xuất hiện tại niêm mạc dạ dày. Qua một thời gian, nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp, chúng sẽ phát triển và lấn át các tế bào bình thường. Điều này sẽ làm tổn hại đến hoạt động tiêu hóa bình thường của cơ thể. Kết quả có thể là gây trào ngược axit, ợ nóng và khó tiêu. Những triệu chứng này đôi khi chỉ là những rối loạn thoáng qua hoặc là biểu hiện của bệnh lý lành tính nhưng khi khó tiêu hoặc ợ nóng không biến mất có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao bạn không nên bỏ qua các triệu chứng này.
Ợ hơi thường xuyên
Trong hầu hết các trường hợp, ợ hơi không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư. Tuy nhiên, khi ợ hơi xảy ra cùng với các triệu chứng khác, nó có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.
Cảm thấy rất no hoặc đầy hơi sau bữa ăn
Ngay cả khi ăn một lượng nhỏ, bạn vẫn cảm thấy no và chướng bụng. Đây có thể là một triệu chứng nghiêm trọng và bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
Đau bụng dai dẳng
Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng là một trong những dấu hiệu cảnh báo phổ biến của bệnh ung thư dạ dày, đặc biệt khi nó xuất hiện ở phía trên rốn (vùng thượng vị). Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Các dấu hiệu ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn
Ung thư dạ dày không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Bạn có thể gần như không cảm thấy gì cho đến khi ung thư tiến triển. Các giai đoạn sau của ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng như cảm thấy rất mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sụt cân mà không rõ nguyên nhân, nôn ra máu, đi tiêu phân đen, thiếu máu và suy kiệt.
Khi ung thư dạ dày lan sang các bộ phận khác của cơ thể, được gọi là ung thư dạ dày di căn. Nó gây ra các triệu chứng cụ thể ở nơi nó lây lan đến. Ví dụ ung thư dạ dày thường di căn tới hạch trên đòn bên trái. Ung thư lan đến gan có thể gây vàng da và vàng mắt. Nếu ung thư lây lan trong bụng, có thể sẽ xuất hiện các khối trong bụng hoặc tràn dịch ổ bụng, làm bụng căng lên, đau tức, khó tiêu…
Yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày
Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra loại ung thư này nhưng có một số yếu tố được biết là có thể làm tăng nguy cơ như:
- Hút thuốc lá
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P)
- Tuổi (nguy cơ tăng lên cùng với tuổi tác)
- Béo phì
- Một chế độ ăn nhiều thực phẩm hun khói, cá muối, thịt ướp muối, nhiều đồ chua
- Nhịn ăn sáng thường xuyên
- Viêm, loét dạ dày mạn tính
- Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư
Sàng lọc – phát hiện sớm ung thư dạ dày
Do các triệu chứng của bệnh giai đoạn sớm thường không rõ hoặc khá mơ hồ nên việc sàng lọc chủ yếu dựa vào nội soi dạ dày. Các kỹ thuật ngoài nội soi thông thường còn bao gồm nội soi phóng đại, nội soi nhuộm màu có chỉ điểm…
Độ tuổi khuyến cáo nên nội soi tầm soát khác nhau tùy quốc gia. Tại Nhật Bản khuyến cáo chụp dạ dày đối quang kép hàng năm cho những người từ 50 tuổi trở lên hoặc nội soi tiêu hóa trên mỗi 2 hoặc 3 năm. Hàn Quốc khuyến cáo nội soi tiêu hóa trên cho người từ 40 tuổi trở lên mỗi 2 năm.
Theo nhiều nghiên cứu về ung thư dạ dày tại Việt Nam cho thấy độ tuổi mắc ngày càng trẻ do đó những người có tiền sử viêm loét dạ dày mãn tính, nhiễm HP cần theo dõi thường xuyên. Những đối tượng có tiền sử gia đình cần nội soi thường xuyên từ 40 tuổi trở lên. Còn lại nếu có điều kiện nội soi kiểm tra từ 45 – 50 tuổi.
Kết luận
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam và Thế giới, bệnh có liên quan tới vi trùng H.P, diễn tiến nhanh, ác tính cao. Để phòng ngừa tốt thì mọi người cần có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh và có kế hoạch nội soi dạ dày định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm.
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày – Bộ Y Tế (2020)
- Stomach Cancer – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438
- Stomach Cancer – National Cancer Institute https://www.cancer.gov/types/stomach
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2023,
Chủ đề: BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: Tiếp cận toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)