ThS.BS Nguyễn Thanh Phước
Phó Khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Dính thắng lưỡi là gì?
Dính thắng lưỡi (tongue-tie) là một dị tât bẩm sinh khi dây thắng lưỡi bị ngắn hơn bình thường làm hạn chế cử động của lưỡi (dây thắng lưỡi là lớp màng mỏng nối đáy lưỡi và sàn họng).
Nhiều cha mẹ quan tâm và lo lắng khi bé bị dính thắng lưỡi có thể gây khó khăn khi trẻ bú và nói ngọng khi trẻ lớn…
Các dấu hiệu nghi ngờ dính thắng lưỡi
- Bé bú chậm, gắng sức nhiều hơn, dễ ọc sữa.
- Phát ra âm thanh bất thường khi bú.
- Đầu lưỡi di động kém, không thể thè lưỡi ra khỏi hàm dưới, không thể đưa lưỡi chạm vào răng hàm trên
- Lưỡi có hình trái tim khi trẻ khóc.
- Trẻ lớn hơn nói ngọng, răng hở và mọc lệch.
- Mẹ bị đau núm vú khi bé bú
- Cha mẹ quan sát thấy dây thắng lưỡi ngắn.
Dính thắng lưỡi có thể dẫn đến những vấn đề gì?
Dính thắng lưỡi không chỉ ảnh hưởng không tốt đến bé mà còn đối với cả người mẹ, có thể kể đến như là:
Đối với bé
- Em bé có thể khó ngậm hoặc giữ núm vú trong thời gian dài khi bú
- Thời gian bú lâu hơn do phải nghỉ ngắt quãng nhiều lần
- Bé khó nuốt khi bú và phải gắng sức nhiều hơn nên dễ bị chướng hơi, ọc sữa
- Khó chịu và dường như lúc nào cũng đói
- Chậm tăng cân
- Tạo ra âm thanh “tách cách” khi trẻ bú
- Khi lớn lên bé có thể bị nói ngọng, răng hở và mọc lệch, ăn uống khó.
Đối với mẹ:
- Núm vú đau hoặc nứt nẻ
- Tiết ít sữa
- Viêm tuyến vú.
Các vấn đề khác của trẻ
- Khó nhấc lưỡi lên hoặc di chuyển lưỡi qua lại
- Khó thè lưỡi ra
- Lưỡi có hình trái tim khi thè ra
Phân độ dính thắng lưỡi
Để có thể phân loại mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ em thì cần phải dựa theo chiều dài của thắng lưỡi được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi, có các mức độ sau
- Độ 1: dính thắng lưỡi nhẹ, độ dài thắng lưỡi từ 12 – 16mm
- Độ 2: dính thắng lưỡi trung bình, độ dài thắng lưỡi từ 8 – 11mm
- Độ 3: dính thắng lưỡi nặng, độ dài thắng lưỡi từ 3 – 7mm
- Độ 4: dính thắng lưỡi hoàn toàn, độ dài thắng lưỡi từ dưới 3mm
Dính dây thắng lưỡi điều trị như thế nào
Tật dính thắng lưỡi có thể điều trị sớm bằng cách cắt dây thắng lưỡi
Chỉ định cắt thắng lưỡi phụ thuộc vào:
- Mức độ bị dính nhiều hay ít: nếu dính thắng lưỡi độ 1, 2: theo dõi; độ 3, độ 4: phẫu thuật
- Mức độ ảnh hưởng đến cử động lưỡi.
- Mức độ ảnh hưởng đến phát âm, bú mẹ của trẻ.
Trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi nhiều và ảnh hưởng đến việc bú thì cần chỉ định cắt liền, khi dính thắng lưỡi gây ra ảnh hưởng cho việc phát âm thì cần chỉ định cắt sớm trước giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Đây là một thủ thuật nhanh chóng, đơn giản và hầu như không gây đau đớn, thường giúp cải thiện việc ăn uống ngay lập tức.
Cắt thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa mọc răng
- Ở trẻ nhỏ (chỉ vài tháng tuổi), thủ thuật này thường được thực hiện mà không cần gây mê hay thuốc giảm đau.
- Thủ thuật này dường như không đau do có rất ít đầu dây thần kinh ở khu vực xung quanh đáy miệng. Một số em bé ngủ trong suốt quá trình thủ thuật, trong khi những em khác có thể khóc một chút.
Cắt thắng lưỡi ở trẻ lớn hơn
- Trẻ đã mọc răng thường cần gây mê toàn thân thời gian ngắn
- Bạn có thể bắt đầu cho bé ăn ngay sau khi bé đã tỉnh táo hoàn toàn.
- Không gây chảy máu nhiều, có thể có một mảng trắng (loét) dưới lưỡi nhưng vết này sẽ lành sau 1 đến 2 ngày.
- Trẻ có thể được xuất viện ngay trong ngày.
Cắt thắng lưỡi ở trẻ lớn và người lớn
- Dính thắng lưỡi nhẹ – trung bình có thể không gây ra bất kỳ vấn đề gì khi trẻ lớn lên và có thể tự hết một cách tự nhiên khi miệng phát triển.
- Đôi khi tật dính thắng lưỡi có thể gây ra các vấn đề như khó phát âm và khó ăn một số loại thực phẩm.
- Cắt thắng lưỡi có thể được thực hiện ở trẻ lớn hơn và người lớn và thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
- Xuất viện ngay trong ngày khi đã tỉnh táo hoàn toàn, ăn được, không chảy máu.
Kết luận
Dính thắng lưỡi gây khó khăn cho trẻ khi bú, ăn và phát âm cũng như ảnh hưởng đến cấu trúc răng miệng khi trẻ lớn. Việc phát hiện và điều trị thắng lưỡi sớm thông qua thủ thuật cắt da thắng lưỡi có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Tài liệu tham khảo
NHS .UK (National Health Service- United Kingdom),Tongue-tie, www.nhs.uk/conditions/tongue-tie/, last Review 05 March 2020; (20/01/2024)