ThS. BS. Nguyễn Nhật An, Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
“Cô N.T.K.C 54 tuổi (Dương Minh Châu – Tây Ninh) gần một năm sử dụng thuốc giảm đau truyền miệng từ người quen mách, cô thấy mệt mỏi nhiều, mặt căng tròn, chân tay teo và da khô mỏng, dễ bị bầm máu, bụng to dần ra… và nhiều triệu chứng khác nữa, khiến cô phải nhập viện. Cô đến bệnh viện khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng Cushing do thuốc cùng nhiều rối loạn khác và được chỉ định nhập viện…”
Trên đây là một bệnh nhân điển hình, mắc phải các biến chứng nghiêm trọng từ việc lạm dụng thuốc có chứa Corticoid (dân gian hay thường gọi là thuốc có đề – xa, thuốc gây mục xương, thuốc “hạt dưa”). Đây là một nhóm rối loạn bệnh lý rất thường gặp ở các bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện. Vậy việc lạm dụng Corticoid gây ra những hệ lụy gì, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Corticoid là gì?
Corticoid là một loại nội tiết tố, được cơ thể sản sinh ra từ tuyến thượng thận (một tuyến nhỏ nằm trên 2 quả thận, được cho là tuyến “sinh mạng” trong cơ thể chúng ta). Corticoid được tiết ra theo nhịp ngày – đêm, đều đặn từ tuyến thượng thận vào trong máu, đưa đến các tác dụng sinh lý quan trọng như sau:
- Tác dụng về sinh lý trên chuyển hóa đạm, đường, mỡ, canxi, phospho, tác dụng trên chuyển hóa nước và điện giải. Tác dụng trên tâm thần kinh, tạo cảm giác hưng phấn và năng lượng. Trên hệ tiêu hóa, làm tăng tiết acid dịch vị và pepsin, gây thèm ăn, giảm tiết chất nhầy, trên tim mạch giữ muối, nước.
- Tác dụng trong điều trị: thuốc Corticoid có ba tác dụng chính, đó là chống dị ứng bằng cách ngăn chặn phản ứng dị ứng, kháng viêm mạnh và ức chế miễn dịch dẫn đến giảm khả năng đề kháng nên dễ gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và nhiễm virus.
Như vậy, về cơ bản, Corticoid đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh lý hàng ngày của chúng ta, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng, cảm giác sảng khoái vào buổi sáng để làm việc, đáp ứng với stress và giảm đi về chiều tối khi cơ thể cần nghỉ ngơi, giúp bảo vệ cơ thể trước các kích thích bất lợi từ môi trường bên ngoài.
Corticoid, tốt hay xấu?
Corticoid là “con dao 2 lưỡi”.
Trong Y khoa, Corticoid được dùng để điều trị các bệnh lý liên quan đến miễn dịch, dị ứng, do chất này có tác dụng ức chế miễn dịch các bệnh như: viêm mũi dị ứng, hen, phản ứng phản vệ, dị ứng da, lupus ban đỏ, vảy nến, viêm loét đại trực tràng, viêm khớp dạng thấp. Corticoid còn bổ sung trong suy tuyến thượng thận cấp/ mạn, khi cơ thể gặp các stress nặng như sốc nhiễm trùng… và rất nhiều bệnh lý trong mọi chuyên khoa.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc không dưới sự hướng dẫn và theo dõi của Bác sĩ, tự ý sử dụng và sử dụng các chế phẩm không rõ nguồn gốc thì người dân không được hưởng lợi ích của Corticoid mà ngược lại còn gặp các tác dụng có hại của nó.
Hậu quả của việc lạm dụng Corticoid
Sử dụng Corticoid không đúng chỉ định, liên tục và lâu dài sẽ đưa đến các hậu quả từ việc gia tăng mạn tính chất Corticoid trong cơ thể, dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng lên nhiều hệ cơ quan.
1. Biến chứng sớm
- Viêm loét dạ dày – tá tràng: thường là loét đa ổ dạ dày, đặc biệt khi bệnh nhân dùng chung với các thuốc giảm đau khác.
- Giảm sức đề kháng toàn thân: Cơ thể dễ nhiễm nấm, nhiễm các loại virus (Zona, thủy đậu, Herpes), vi trùng, dễ mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn sẽ nặng lên.
- Rối loạn tâm thần: tính khí thay đổi, gây hưng phấn (vui vẻ, kích thích bất thường), ăn nhiều, mất ngủ, nặng hơn có thể loạn thần cấp, hoang tưởng, nói sảng hoặc trầm cảm.
2. Biến chứng muộn
- Hội chứng Cushing: Đây là sự thay đổi kiểu hình cơ thể qua thời gian dài do chất Corticoid, biểu hiện với mặt tròn, đỏ, rậm lông, mụn trứng cá, tái phân bổ mỡ làm béo vùng bụng, vai gáy, vùng lưng, teo cơ tứ chi, da khô mỏng, rất dễ bị bầm máu.
- Loãng xương, hoại tử đầu xương: đau nhức xương, gãy xương tự phát hoặc sau chấn thương nhẹ, xẹp đốt sống.
- Tăng đường huyết, rối loạn nước và điện giải: gây ra đái tháo đường ở người đã rối loạn dung nạp đường trước đó, gây khó kiểm soát đường hơn trên bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường, giữ muối, nước trong cơ thể và giảm Kali.
- Mắt: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
- Suy tuyến thượng thận.
- Chậm tăng trưởng trên trẻ em.
Đối với các loại Cortioid dạng tại chỗ, việc lạm dụng cũng đưa đến những tác hại tại chỗ.
- Tiêm khớp: Sau khi tiêm khớp để giảm đau từ 2 – 3 ngày, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng khớp.
- Bôi mỹ phẩm dạng “kem trộn”: Sau khi bôi vài ngày, da mặt sẽ bị nám, nhiễm nấm, teo da, da lõm xuống, nhăn nheo, mụn mủ.
- Corticoid dạng xịt: nhiễm nấm hầu họng và thực quản.
Nhận dạng thuốc có chứa Corticoid
Thuốc Corticoid khi được kê toa bởi Bác sĩ có nguồn gốc rõ ràng cũng rất dễ nhận biết, đa phần thuốc thường có phần đuôi của tên là “…sone” hoặc “…olone”, thuốc được trình bày đa dạng như: kem bôi da, thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai, thuốc xịt mũi họng, dụng cụ hít tác động trên phổi, thuốc dạng viên nén nho nhỏ, dạng thuốc chích dùng tiêm khớp, tiêm tĩnh mạch:
- Thuốc medrol chứa thành phần methylprednisolone.
- Thuốc fucicort chứa thành phần betamethasone.
- Thuốc điều trị bệnh hen symbicort chứa thành phần budesonide.
- Thuốc nhỏ mắt polydexa chứa thành phần dexamethasone…
Cần lưu ý, các loại thuốc “gia truyền” điều trị giảm đau, viêm xoang, giúp ăn ngon, ngủ ngon, các loại thuốc Bắc dưới dạng “cao, đơn, hoàn, tán”, thuốc Đông y giả mạo “thần dược” giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, lên cân… Tất cả các loại thuốc có tác dụng kể trên, đều có thể chứa Corticoid, thậm chí với hàm lượng rất cao.
Cách điều trị và phòng tránh
Các hậu quả từ Corticoid đều do người bệnh không đến khám bệnh khi cơ thể mắc các vấn đề như: đau nhức, muốn ăn ngon, ngủ ngon, nhu cầu làm đẹp da… dẫn đến việc tự tìm đến các thầy lang, nhà thuốc, các cơ sở kém chất lượng, các loại mỹ phẩm trôi nổi, phải dùng các chế phẩm có chứa Corticoid mà không biết. Đa phần người bệnh tìm đến khám bệnh viện là khi cơ thể đã xuất hiện các biến chứng của bệnh.
Do đó, cách điều trị cũng như phòng tránh tác hại của Corticoid đơn giản và hiệu quả nhất đó là khuyến khích người dân, khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc nhu cầu chăm sóc sắc đẹp, cần đến bệnh viện để được thăm khám, nghe tư vấn đầy đủ từ các Bác sĩ.
Đối với trường hợp đã dùng hoặc đã gặp các biến chứng của Corticoid như bài viết mô tả, cũng cần sớm đến bệnh viện, vì kể cả việc ngừng đột ngột các thuốc có chứa Corticoid cũng gây ra hệ quả nghiêm trọng. Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được các Bác sĩ thiết lập một lộ trình để giảm liều và ngưng thuốc hợp lý, cũng như điều trị các rối loạn liên quan.
Kết luận
Corticoid là một “con dao 2 lưỡi” mà lưỡi nào cũng rất sắc bén. Khi được chỉ định đúng bởi các Bác sĩ, Corticoid là một thuốc loại thuốc quan trọng nhưng khi được sử dụng sai sẽ đưa đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Hãy đến gặp và trao đổi với Bác sĩ khi bạn có nhu cầu về chăm sóc y tế, tự tạo thói quen sử dụng thuốc theo toa, đọc tờ hướng dẫn sử dụng nhằm có thêm thông tin về thuốc, tuyệt đối không mua các loại thuốc xuất xứ không rõ ràng, tự bào chế, thuốc truyền miệng, thuốc không được kiểm chứng phê duyệt.
Tài liệu tham khảo
1. Tran, Quang Nam. Biến chứng sử dụng Glucocorticoid. Bài giảng Bộ môn Nội Tiết, Đại học Y dược TPHCM.
2. Tran, Quang Nam. Cập nhật về điều trị Hội chứng Cushing ngoại sinh. Bài giảng Bộ môn Nội Tiết, Đại học Y dược TPHCM.
3. https://suckhoedoisong.vn. Suy tuyến thượng thận, teo da do lạm dụng corticoid. Published January 9, 2021. Accessed July 13, 2023. https://suckhoedoisong.vn/suy-tuyen-thuong-than-teo-da-do-lam-dung-corticoid-169185156.htm
4. Thuốc “đề xa” gây hại! Accessed July 14, 2023. https://suckhoedoisong.vn/thuoc-de-xa-gay-hai-169135041.htm
5. Cảnh báo tình trạng lạm dụng corticoid – Chương trình mục tiêu quốc gia – Cổng thông tin Bộ Y tế. Accessed July 12, 2023. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/canh-bao-tinh-trang-lam-dung-corticoid
6. Cảnh giác thuốc đông dược pha trộn Corticoid. Accessed July 13, 2023. http://soyte.phutho.gov.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/title/1056/ctitle/21
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2023,
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)