Điều dưỡng Nguyễn Thị Cúc
Điều dưỡng trưởng, Đơn vị Tiêm chủng – Dinh dưỡng, Khoa Khám Ngoại trú
Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Tiêm phòng là một sự kiện quan trọng, không những của bản thân bé mà của cả cha mẹ với bao nhiêu lo âu, hồi hộp trước tiêm. Để giúp cho buổi tiêm phòng diễn ra tốt, cha mẹ có thể lưu ý những vấn đề dưới đây.
Tại sao trẻ nhũ nhi cần tiêm chủng đầy đủ?
Vì đây là độ tuổi có sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc bệnh. Tiêm chủng đầy đủ giúp trẻ có khả năng miễn dịch tốt để phòng các bệnh nguy hiểm. Bằng việc tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch của cơ thể trẻ sẽ nhận biết các tác nhân xâm nhập và kích thích tạo ra kháng thể rất nhanh chóng, đầy đủ để vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh.
Trẻ nhũ nhi cần tiêm những loại vắc-xin nào?
Giai đoạn trẻ sơ sinh: Ở giai đoạn này, trẻ cần được tiêm vắc-xin Viêm gan B (VGB) trong vòng 24h sau sinh và tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) càng sớm càng tốt nếu không có chống chỉ định.
Giai đoạn trẻ 2 tháng đến 12 tháng tuổi: Giai đoạn này, trẻ cần tiêm một số vắc-xin sau đây:
- Vắc-xin ngừa bệnh: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Viêm gan B, Viêm màng não do Hib;
- Vắc-xin Rotavirus;
- Vắc-xin Phế cầu khuẩn (PCV);
- Vắc-xin cúm;
- Vắc-xin não mô cầu BC;
- Vắc-xin ngừa bệnh: Sởi – Quai bị – Rubella;
- Vắc-xin Thủy đậu;
- Vắc-xin viêm não Nhật Bản;
- Vắc-xin viêm màng não do não mô cầu ACYW;
- Vắc-xin Viêm gan siêu vi A.
Những trường hợp nào trẻ cần hoãn tiêm và khi nào trẻ tiêm được?
Trường hợp nào không được tiêm phòng cho trẻ?
- Có tiền sử phản vệ độ III trở lên sau tiêm chủng vắc-xin lần trước (có cùng thành phần).
- Trường hợp có tiền sử lồng ruột: chống chỉ định với vắc-xin Rota.
- Trường hợp mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh: chống chỉ định với vắc-xin OPV.
- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.
Trước khi tiêm chủng bố mẹ cần chuẩn bị những gì?
- Tránh cho trẻ ăn hoặc bú quá no;
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ để tránh nhiễm trùng;
- Mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ của trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó;
- Trước khi tiêm, ba mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ;
- Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt… mẹ nên báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
Sau khi tiêm trẻ cần được chăm sóc như thế nào?
- Sau khi tiêm xong, hãy ở lại theo dõi 30 phút để đề phòng trẻ bị sốc phản vệ;
- Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong 1 đến 2 ngày sau tiêm chủng;
- Cho trẻ bú/ ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ ăn khi nằm;
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra trẻ về: tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…);
- Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm;
- Cho trẻ bú mẹ hoặc uống nhiều nước hơn, bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm;
- Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi nào?
Sau khi tiêm phòng, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sau thì bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện:
- Trẻ sốt cao không hạ;
- Co giật, chân tay lạnh;
- Tím tái, khó thở, khóc thét từng cơn/ quấy khóc liên tục;
- Bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm.
Một số băn khoăn thường gặp của bố mẹ khi cho trẻ tiêm ngừa?
Tiêm nhiều loại vắc-xin cùng một lúc có làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị ốm, sốt hay quá tải hệ miễn dịch?
Khoa học đã chứng minh rằng, tiêm cho trẻ nhiều loại vắc-xin cùng lúc không gây tác dụng phụ lên hệ thống miễn dịch của trẻ. Trẻ tiếp xúc với hàng trăm chất ở bên ngoài kích thích đáp ứng miễn dịch hàng ngày, như ăn thức ăn cũng sản sinh ra kháng nguyên trong cơ thể và vi khuẩn sinh sống ở miệng và mũi. Trẻ tiếp xúc với kháng nguyên từ cảm cúm thông thường hoặc viêm họng nhiều hơn là từ vắc-xin. Khi cho trẻ tiêm nhiều loại vắc-xin cùng một lúc, mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, trẻ cũng sẽ sớm hoàn thành lịch tiêm chủng và quan trọng là hạn chế số lần tiêm, vốn là điều trẻ rất sợ.
Có thể trì hoãn tiêm vắc-xin không và trì hoãn được bao lâu?
Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ con bạn là tuân thủ theo lịch tiêm chủng ở quốc gia mà bạn sinh sống. Nếu bạn trì hoãn và chậm không đưa con đi tiêm vắc-xin, bạn sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh cho con mình. Tuy nhiên, nếu trẻ chưa được tiêm, mẹ có thể cho bé tiêm lùi lại sau. Tuy nhiên, nên nhớ đừng trì hoãn quá lâu và cần hỏi ý kiến bác sĩ cũng như thông báo thời gian muộn cụ thể của bé trước khi tiêm.
Vắc-xin có thể khiến con của tôi bị ốm không?
Vắc-xin cực kỳ an toàn, những tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin rất hiếm. Hầu hết các triệu chứng ốm mệt hay khó chịu sau khi tiêm vắc-xin rất nhẹ và tạm thời, ví dụ như hơi đau nhức ở nốt tiêm hoặc sốt nhẹ. Những triệu chứng này có thể được kiểm soát bằng việc dùng thuốc giảm đau do bác sỹ kê.
Vì vậy, Ba mẹ cần nắm các vấn đề liên quan đến tiêm chủng trên để việc tiêm phòng của trẻ thuận lợi. Đồng thời cũng giúp của ba mẹ giảm bớt sự lo lắng, băn khoăn và mang lại kết quả phòng ngừa tối ưu nhất.
Tài liệu tham khảo
- Quyết định 2535/QĐ- BYT ngày 10/07/2014 của Bộ trưởng Bộ Y Tế về hướng dẫn theo dõi chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng
- Quyết định 1575/QĐ-BYT ngày 27/03/2023 ban hành Hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em
- unicef.org/vietnam/vi/một-số-thắc-mắc-về-vắc-xin
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)