BS. CKI Nguyễn Hoài Ân
Bác sĩ điều trị tại Trung tâm Da liễu Thẩm mỹ Hồng Hưng, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Rụng tóc là một tình trạng sinh lý của cơ thể do lão hóa hoặc do một bệnh lý gây ra. Khi số lượng tóc rụng trên 100 sợi trong 1 ngày thì tình trạng này cần được can thiệp vì có thể gây ra chứng hói. Các vấn đề tâm lý do chứng hói đầu thường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân rụng tóc là gì?
Rụng tóc di truyền: Hơn 50% cả nam và nữ trên 50 tuổi đều bị rụng tóc do di truyền hoặc do dấu hiệu của sự lão hóa. Tình trạng rụng tóc di truyền do bất thường gen nên được chẩn đoán sớm nếu bạn dưới 50 tuổi, bị rụng tóc nhiều và kéo dài.
Rụng tóc mắc phải: là dấu hiệu hoặc triệu chứng của một bệnh lý hoặc tình trạng dinh dưỡng gây nên như các bệnh liên quan đến nội tiết tố, đang điều trị ung thư, bệnh tự miễn, stress hoặc ăn kiêng dẫn đến thiếu hụt các vitamin và khoáng chất đặc biệt là sắt, kẽm, D, E, A, B.
Những phương pháp điều trị rụng tóc
Khi rụng tóc cần được can thiệp, bạn nên tìm đến các bác sĩ da liễu để được chẩn đoán phân loại điều trị sớm, vì nang tóc lúc này vẫn còn đáp ứng điều trị. Riêng các nguyên nhân rụng tóc do bệnh lý, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được sớm và điều trị nguyên nhân. Khi đó, tóc của bạn cũng sẽ tự phục hồi lại như ban đầu. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng một số phương pháp mới trong điều trị rụng tóc mang lại hiệu quả cao.
Liệu pháp laser ánh sáng
Liệu pháp laser mức độ thấp (LLLT – Low Level Light Therapy) sử dụng các thiết bị phát ra ánh sáng được chiếu lên da đầu giúp kích thích và điều hoà sinh học. Qua đó, liệu pháp này hỗ trợ quá trình sửa chữa mô, giảm viêm và giảm đau. Liệu pháp này có thể kết hợp với các phương pháp khác nhằm đẩy nhanh quá trình hấp thu thuốc cũng như chữa lành các nang lông bị tổn thương. Hiện nay, có nhiều loại sản phẩm sử dụng công nghệ laser có thể sử dụng tại nhà như lược laser hoặc nón đội công nghệ laser.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
PRP (platelet-rich plasma) là phương pháp sử dụng máu tự thân giàu tiểu cầu để giúp tóc mọc tự nhiên bằng cách cung cấp máu cho nang lông, kích thích các tế bào gốc nang tóc phát triển. PRP sẽ tác động khiến nang ngưng hoạt động chuyển sang nang hoạt động.
Hầu hết liệu pháp PRP cần được thực hiện nhiều lần điều trị (mỗi lần điều trị cách nhau 4 – 6 tuần. Để duy trì kết quả điều trị, bạn có thể cần thực hiện lại liệu trình sau 4 đến 6 tháng.
Cấy tóc
Có nhiều phương pháp cấy ghép khác nhau.
Cấy ghép tóc thường được thực hiện dưới gây tê cục bộ. Mỗi đợt điều trị có thể kéo dài từ hai đến tám giờ, tùy thuộc vào số lượng tóc được cấy.
Thông thường, cấy từ 1.000 đến 2.000 nang tóc trong một lần nhưng những vùng rụng tóc lớn hơn có thể cần tới 4.000 nang trong mỗi lần. Một phiên có thể kéo dài vài giờ và nhiều người chọn có hai hoặc ba phiên riêng biệt.
Dược mỹ phẩm hỗ trợ mọc tóc
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ cho tóc yếu dễ gãy rụng. Trong mục này, chúng tôi chủ yếu đưa ra các dạng để bạn có thể tự đánh giá và lựa chọn sản phẩm phù hợp cá thể hoá hơn.
- Hai loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp nhận cho điều trị rụng tóc là Finasteride viên uống 1mg mỗi ngày và Minoxidil (bôi ngoài). Thời gian điều trị cần kiên trì vì trên 6 tháng mới có hiệu quả.
- Dầu gội chứa các thành phần như dầu cây trà, axit lactic, chiết xuất cây tầm ma, kẽm, vitamin B12 được khuyến khích sử dụng để ngăn rụng tóc.
- Vitamin viên uống: Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc điều trị kèm song song sử dụng các viên uống có chứa các hoạt chất như chiết xuất Equisetum arvense (giàu silicon), vitamin (B3, B5, B6, DBiotin), axit amin (L-cystine, taurine) trong thời gian 6 tháng cho thấy việc cải thiện tóc rất tốt.
Kết luận
Rụng tóc có nhiều nguyên nhân: có thể là quá trình lão hoá, do di truyền hoặc do mắc phải. Rụng tóc gây nên các vấn đề về tâm lý làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bác sĩ da liễu sẽ giúp bạn chẩn đoán sớm và lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.
Tài liệu tham khảo
- Adil A, Godwin M: The effectiveness of treatments for androgenetic alopecia: A systematic review and meta-analysis. J Am Acad Dermatol77(1):136–141.e5, 2017. doi: 10.1016/j.jaad.2017.02.054
- Rodrigues BL, Montalvão SAL, et al.“Treatment of male pattern alopecia with platelet-rich plasma: A double-blind controlled study with analysis of platelet number and growth factor levels.” J Am Acad Dermatol. 2019; 80:694-
- Misaki Kinoshita-Isem (2023): “Recent Advances in Understanding of the Etiopathogenesis, Diagnosis, and Management of Hair Loss Diseases”. J Clin Med. 2023 May; 12(9): 3259. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10179687/ )
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2023,
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)