Nổi mày đay

CN. Hồ Phạm Thúy Vy
Nhân viên Phòng Truyền thông – CTXH, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh


Mày đay là gì?

Mày đay (hay còn gọi là mề đay) là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây phù cấp hoặc mạn tính và nốt phồng trên da. Hiện tượng này phổ biến, không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Nhưng cần phân biệt mày đay đơn thuần với mày đay có dấu hiệu của các tình trạng lâm sàng cần xử lý ngay như sốc phản vệ, hội chứng viêm tự miễn, phù mạch qua trung gian bradykinin di truyền (hereditary angioedema – HAE).

Mày đay phổ biến được phân loại theo thời gian hình thành: 

  • Mày đay cấp tính (kéo dài trong 24 giờ hoặc dưới 6 tuần)
  • Mày đay mạn tính (kéo dài trên 6 tuần). Mày đay mạn tính có thể tự phát hoặc do dị ứng.

Cả hai loại trên có thể cùng tồn tại.

Nguyên nhân gây mày đay

Mày đay có thể do dị ứng hoặc không do dị ứng.
Hầu hết các trường hợp cấp tính do dị ứng với một chất cụ thể, có thể hít hoặc tiếp xúc tác nhân gây dị ứng như: phấn hoa, nhiệt độ, bụi, nhựa, nước bọt động vật, vi khuẩn, kí sinh trùng, côn trùng, các loại thức ăn hoặc do thuốc sử dụng.
Các trường hợp mạn tính do tự phát hoặc bệnh lý tự miễn.

Dấu hiệu của mày đay

  • Những vết sưng phồng, có màu trắng hoặc hồng.
  • Xuất hiện trên bề mặt da nhất là ở vùng tay, chân, kể cả ở mặt.
  • Ngứa và cảm giác khó chịu trên da.
  • Các loại ban khác nhau về kích thước và hình dạng.

Chúng ta làm gì để dự phòng xử trí khi bị mày đay?

Dự phòng mày đay

  • Tăng sức đề kháng của cơ thể: ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh, nước trà xanh và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh tiếp xúc với những yếu tố gây kích ứng đã biết.
  • Tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng: không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn. Không cào/ gãi, xát chanh để tránh những tổn thương da thứ phát.

Xử trí khi phát hiện bị mày đay

  • Nhanh chóng tìm và loại bỏ nguyên nhân gây mày đay (nếu có thể), đặc biệt là các chất có khả năng gây kích ứng.
  • Làm giảm các triệu chứng hiện có, ví dụ: tắm bằng nước ấm, không thoa những loại kem chứa corticosteroid nếu không có chỉ định của bác sĩ vào các vùng da tổn thương.
  • Kiêng vận động mạnh hoặc tập thể dục gắng sức hoặc tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Sử dụng thuốc dị ứng: thuốc kháng sinh histamine là lựa chọn hàng đầu trong việc chữa trị mày đay, có tác dụng giảm ngứa và sưng hiệu quả nhằm làm giảm tình trạng bệnh.

Nếu tình trạng nổi mày đay không được cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp chăm sóc cơ bản, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để có đánh giá chi tiết về tình trạng của da và các phương pháp điều trị phù hợp như thuốc hoặc liệu pháp chuyên sâu.

Kết luận

Tuy bệnh mày đay không lây, hầu như không đe dọa tới tính mạng nhưng nó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và nếu không được chẩn đoán điều trị sớm sẽ có thể trở thành mày đay mạn tính và khó điều trị hơn. Vì vậy, nếu phát hiện có những dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh nên tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

Wiley Online Library. The international EAACI/GA²LEN/EuroGuiDerm/APAAACI guideline for the definition, classification, diagnosis, and management of urticaria. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/all.15090