Phẫu thuật ghép sọ khuyết sau chấn thương

Chu Văn Tuấn

Bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình – Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

Tại sao phải ghép xương sọ?

Xương sọ người là bộ phận định hình cấu trúc cho phần đầu, giúp nâng đỡ khuôn mặt và là lớp bảo vệ não bên trong. Khi khuyết sọ, não không được che chắn và biến dạng vùng đầu do đó có thể có các biến chứng sau:

  • Hội chứng giảm áp lực nội sọ như chóng mặt, đau đầu, suy giảm ý thức, rối loạn cơ vòng…
  • Nguy cơ động kinh, chậm phát triển tâm thần kinh.
  • Ngoài vấn đề sức khỏe, người khuyết sọ còn cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp, mặc cảm về hình dáng bên ngoài.

Phẫu thuật ghép sọ nhằm mục đích sửa chữa một khuyết hổng xương sọ, giúp người bệnh giảm biến chứng và tạo hình lại hình dáng vùng đầu, gương mặt.

 Các phương pháp trong phẫu thuật ghép khuyết sọ

Ghép sọ tự thân

Bác sĩ giải phẫu thần kinh sử dụng chính mảnh sọ não được lấy từ quá trình phẫu thuật để tạo hình, khôi phục phần xương sọ bị khuyết cho người bệnh. Miếng xương sọ khi được cắt ra sau phẫu thuật lần đầu sẽ được chuyển tới các ngân hàng mô để bảo quản, tiệt trùng bằng tia Gamma và giữ cấp đông ở nhiệt độ – 850C nhằm bảo quản mảnh xương sọ với thời gian lên tới 5 năm. Tuy nhiên, khuyến cáo phẫu thuật đặt lại bản sọ tự thân tốt nhất nên được thực hiện trong 3 – 9 tháng sau lần mở sọ đầu để tránh nguy cơ viêm rò, tiêu sập xương sọ do phản ứng đào thải của cơ thể.

Ghép sọ bằng chất liệu nhân tạo

Ghép sọ nhân tạo là sử dụng vật liệu nhân tạo để tạo hình, ghép vào phần xương sọ bị khuyết cho người bệnh, được chỉ định trong trường hợp: chấn thương sọ não kín gây lún sọ; vết thương sọ não hở gây vỡ vụn, vỡ nát xương sọ; viêm rò mảnh sọ tự thân sau phẫu thuật ghép sọ thì đầu; viêm tiêu mảnh ghép xương sọ.

Hiện nay, tạo hình ghép khuyết sọ 3D đã góp phần tạo nên tính thẩm mỹ cho các phương pháp ghép sọ. Vật liệu nhân tạo thường được sử dụng như lưới titan, xi măng nhân tạo, carbon…

  • Xi măng nhân tạo (là loại xi măng sinh học trong y khoa) sau khi trộn lên và tạo hình thì trong vòng 7 phút sẽ đông cứng. Như vậy sẽ cho hình ảnh của 1 khối chắc chắn, bảo quản được tổ chức mô bên dưới.
  • Sử dụng miếng ghép nhân tạo bằng titan để ghép khuyết sọ: Thời gian tạo hình không bị giới hạn, có thể sử dụng miếng sọ đó uốn nắn sao cho như ý và cố định vào hộp sọ của người bệnh. Phương pháp này đảm bảo được tính thẩm mỹ cao cho người bệnh.

Một số biến chứng có thể gặp phải trong phẫu thuật ghép xương sọ

Phẫu thuật ghép sọ khá an toàn nhưng cũng có thể gặp một số biến chứng như:

  • Chảy máu vết mổ, tụ máu sau mổ
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Viêm não, màng não
  • Hoại tử da đầu
  • Hoại tử mảnh ghép xương sọ
  • Động kinh.

Do đó, phẫu thuật ghép sọ sau chấn thương sọ não cần được bác sĩ khám và lựa chọn phương pháp phù hợp với từng người bệnh. Nhằm giúp bệnh nhân về vấn đề sức khỏe, cũng như mang lại tính thẩm mỹ để bệnh nhân tự tin giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng.

Tài liệu tham khảo   

  1. (2022b, March 3). Johns Hopkins Medicine. https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/cranioplasty
  2. Atlas of Emergency Neurosurgery.