Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong ở trẻ em từ 5 -14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tình hình đuối nước ở trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3 – 5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2,000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Vì vậy, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ.
Khái niệm
Đuối nước là khái niệm để thể hiện tình trạng người bị ngạt dưới nước, là giai đoạn cuối cùng trước khi nạn nhân bị chết đuối thực sự. Khi bị ngạt cơ thể thiếu oxy nghiêm trọng, các cơ quan quan trọng như não, tim sẽ bị tổn thương nhanh chóng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời.
Đuối nước không chỉ giới hạn ở việc bị ngập hoàn toàn dưới nước. Ngay cả việc bị ngập mặt trong một lượng nước nhỏ (ví dụ: trong bồn tắm, xô nước hoặc ao hồ nông) cũng có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.
Đối tượng có nguy cơ bị đuối nước?
Mọi người đều có nguy cơ đuối nước nhưng những nhóm sau đặc biệt dễ bị tổn thương:
- Trẻ Nhỏ: Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 –14 tuổi.
- Nam giới có tỉ lệ đuối nước cao gấp đôi so với nữ giới, ở Việt Nam, tỉ lệ này là 2,5 – 3 lần.
- Những người sống ở khu vực nông thôn và các khu định cư không chính thức thường đối mặt với nguy cơ đuối nước cao do cơ sở hạ tầng không đầy đủ và sự tiếp xúc gần gũi với các nguồn nước mở.
Nguyên nhân gây đuối nước thường gặp ở trẻ em
- Thiếu giám sát: Trẻ em thường không có khả năng tự bảo vệ khi tiếp xúc với nước. Sự thiếu giám sát của người lớn là một nguyên nhân chính.
- Không biết bơi: Trẻ em chưa được học bơi hoặc không có kỹ năng bơi cơ bản có nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc với nước.
- Hiếu kỳ và thiếu nhận thức về rủi ro.
- Môi trường không an toàn.
- Sự cố và tai nạn: Tai nạn liên quan đến phương tiện trên nước (như lật thuyền) hoặc trượt chân vào nước từ các bờ kè trơn trượt.
- Điều kiện thời tiết và môi trường: Lũ lụt, sóng mạnh và dòng chảy không ổn định có thể tăng nguy cơ đuối nước, đặc biệt trong các sự kiện thời tiết cực đoan.
- Rối loạn phát triển: Trẻ em mắc các rối loạn phát triển như tự kỷ có thể bị hấp dẫn bởi nước nhưng không nhận thức được nguy hiểm.
Làm gì khi nạn nhân bị đuối nước?
Khi nạn nhân bị đuối nước, việc xử trí sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể cứu sống họ. Dưới đây là một số hướng dẫn về những việc nên và không nên làm trong trường hợp này:
Những việc NÊN làm
- Đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước: Sử dụng cánh tay, cây sào dài để nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên.
- Gọi cứu hộ ngay lập tức, gọi trợ giúp của mọi người xung quanh: Nếu bạn ở một khu vực có dịch vụ cứu hộ, hãy gọi ngay cho họ, cung cấp vị trí chính xác và tình trạng khẩn cấp của nạn nhân.
- Nếu nạn nhân không ý thức, hãy kiểm tra xem họ có thở không.
- Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên) cho đến khi lực lượng cứu hộ đến.
- Nếu nạn nhân bắt đầu thở lại sau khi được hồi sức, đặt họ nằm nghiêng để giữ đường hô hấp thông thoáng và ngăn chặn nguy cơ sặc nước.
- Sử dụng chăn hoặc quần áo để giữ ấm cho họ, tránh tình trạng hạ thân nhiệt.
Những việc KHÔNG NÊN làm
- Không thử làm tỉnh nạn nhân bằng cách rung lắc mạnh hoặc tát vào mặt: Điều này có thể gây hại nếu nạn nhân có chấn thương cổ hoặc đầu.
- Không ép nạn nhân nôn mửa: Việc này có thể khiến nạn nhân sặc thêm và gây tổn thương và tốn thời gian thay vì phải cấp cứu ngay.
- Tránh hơ lửa, xốc nước.
- Không chờ đợi (để xem tình hình có cải thiện không trước khi hành động): Mỗi giây đều quan trọng đối với nạn nhân đuối nước.
- Không sử dụng phương pháp hô hấp nhân tạo nếu bạn không được đào tạo: Nếu bạn không chắc chắn về kỹ thuật, tốt nhất là chỉ nên thực hiện ấn tim cho đến khi nhân viên y tế đến nơi.
Phòng ngừa đuối nước
- Giáo dục và nâng cao nhận thức: tham gia và cho trẻ tham gia các khóa học bơi lội, giáo dục an toàn nước.
- Giám sát trẻ khi tắm biển, bơi ngoài sông, suối.
- An toàn môi trường: tạo rào cản an toàn, cảnh báo rủi ro.
- Sử dụng thiết bị an toàn: áo phao cứu hộ, thiết bị cứu hộ.
- Tham gia học kỹ năng sơ cứu, thực hành ứng phó khẩn cấp.
Hiểu biết để phòng ngừa và sơ cứu hiệu quả đuối nước đòi hỏi sự cam kết và hợp tác từ mọi tầng lớp của xã hội. Chỉ khi mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng đều nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng ngừa đuối nước và cùng nhau thực hiện các biện pháp cần thiết, chúng ta mới có thể hy vọng giảm bớt số lượng vụ tai nạn thương tâm này và bảo vệ được nhiều sinh mạng quý giá.
Tài liệu tham khảo
- WHO, Global report on drowning: preventing a leading killer, (2014). ISBN 978 92 4 156478 6.
- Bộ Y tế (2022). Phòng chống tai nạn thương tích. https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/-uoi-nuoc-khien-gan-2-000-tre-em-viet-nam-duoi-16-tuoi-tu-vong-moi-nam