Rối loạn trầm cảm chủ yếu

Trầm cảm là gì? 

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), “Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung”. Tại Việt Nam, có khoảng 10% người cao tuổi trong cộng đồng có các triệu chứng trầm cảm và 1-2% trong số đó bị trầm cảm điển hình. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt như ở những người sống trong các trung tâm điều dưỡng hoặc cảm thấy cô đơn. Các chuyên gia ước tính, ở những người cao tuổi có bệnh lý thực thể như đái tháo đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao và bệnh xương khớp, tỷ lệ mắc trầm cảm có thể lên tới 20-35%.
Trầm cảm có thể kéo dài và tái phát nhiều lần, làm suy giảm đáng kể khả năng làm việc, học tập hoặc khả năng đương đầu với cuộc sống hằng ngày. 

Nên tầm soát trầm cảm ở những bệnh nhân nào?

Các yếu tố cảnh giác đến rối loạn trầm cảm:
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Đau mạn tính
  • Bệnh thực thể mạn tính 
  • Các triệu chứng không thể giải thích được
  • Thường xuyên đi khám bệnh
  • Hậu sản
  • Sang chấn tâm lý và xã hội.

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn trầm cảm?

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, chẩn đoán một người bị trầm cảm khi có ít nhất 5 trong 9 triệu chứng sau đây, trong đó phải có ít nhất triệu chứng 1 hoặc 2 và các triệu chứng kéo dài liên tục trong phần lớn các ngày trong 2 tuần.
  1. Khí sắc trầm: vẻ mặt buồn rầu, nét mặt trở nên đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng.
  2. Giảm sự quan tâm hoặc mất những thích thú trước đây của bệnh nhân.
  3. Giảm cảm giác thèm ăn, sụt cân.
  4. Mất ngủ/ ngủ nhiều.
  5. Chậm chạp/ kích thích.
  6. Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
  7. Cảm giác vô dụng, tội lỗi.
  8. Giảm khả năng tập trung, chú ý.
  9. Suy nghĩ hoặc có kế hoạch tự sát.

Điều trị bệnh trầm cảm

Nguyên tắc: Bệnh nhân trầm cảm được kết hợp dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm lo âu, liệu pháp tâm lý. Để đạt hiệu quả tối ưu cần phải:
  1. Phối hợp điều trị đa ngành: Trầm cảm không chỉ là một vấn đề sức khỏe tâm thần mà còn liên quan đến các yếu tố văn hóa, xã hội và thể chất; tạo nên một kế hoạch điều trị toàn diện và hiệu quả hơn.
  2. Tùy biến phương pháp điều trị: Điều trị trầm cảm nên được tùy chỉnh dựa trên đặc điểm cá nhân của mỗi bệnh nhân.
  3. Hỗ trợ trực tuyến và công nghệ: sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
  4. Chăm sóc tổng thể: chú trọng không chỉ đến việc điều trị bệnh mà còn đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân, gồm sức khỏe thể chất, tinh thần và môi trường sống.
  5. Giáo dục và phá vỡ định kiến: Tăng cường giáo dục cộng đồng về trầm cảm và phá vỡ định kiến liên quan đến bệnh tâm thần sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ và cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.

Các thuốc chống trầm cảm

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: amitriptylin, clomipramin, tianeptin.
  • Thuốc chống trầm cảm đa vòng: mirtazapin, venlafaxin.
  • Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): fluoxetin, fluvoxamin, paroxetine, sertraline, citalopram. 

Điều trị bằng tâm lý

Điều trị tâm lý được xem là liệu pháp chữa trị trầm cảm phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại. Việc trị liệu tâm lý không chỉ giúp bệnh nhân dần dần hồi phục trở lại, thoát khỏi sự phiền nhiễu của trầm cảm, mà đó còn là hành trình giúp bệnh nhân hiểu thêm bản thân mình, gia tăng sự tự tin và thích nghi với đời sống hơn.
Các liệu pháp tâm lý phổ biến hiện nay:
  • Nhận thức và trị liệu hành vi.
  • Trị liệu nghệ thuật.
  • Trị liệu gia đình.

Cách phòng tránh bệnh trầm cảm

  • Tập thể dục rất tốt cho tinh thần, người lớn tuổi có thể chọn những bộ môn phù hợp với sức khỏe của mình: thiền, thái cực quyền, đi bộ…
  • Giữ thái độ tích cực trước mọi vấn đề trong cuộc sống, kể cả các tình huống khó khăn.
  • Một giấc ngủ ngon rất hữu ích để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn, vì ngủ không ngon có thể gây mệt mỏi và căng thẳng.
  • Chế độ ăn lành mạnh, kiêng những món nhiều dầu mỡ, nhiều đường, chế biến sẵn. Thay vào đó là các thực phẩm giàu chất xơ, chất béo lành mạnh như trái cây, rau củ, cá béo, ngủ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích. 

Kết luận

Cảm thấy buồn bã, căng thẳng, lo lắng và đau khổ là những cảm xúc bình thường của con người khi phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Khi những cảm xúc này kéo dài, gây ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất, cản trở các hoạt động hàng ngày thì nó không chỉ đơn giản là cảm xúc bình thường nữa. Khi bạn hoặc người thân của bạn có những triệu chứng nghi ngờ trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay để nhận được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. ThS.BS. Phạm Thị Minh Châu. Bộ môn Tâm thần – Đại học Y dược Tp.HCM. Trầm cảm ở người cao tuổi.
  2. BS. Trương Quốc Thọ. Bộ môn Tâm thần – Đại học Y dược Tp.HCM. Tiếp cận chẩn đoán và điều trị rối loạn trầm cảm và lo âu.
  3. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm.