Báo động đỏ giữa đêm: Ca cấp cứu nghẹt thở giành giật sự sống

Vào ngày 3 tháng 5 năm 2025, “Quy trình CODE RED kích hoạt đội cấp cứu chấn thương” đã được ban hành và đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hưng. 

Tây Ninh, Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hưng, 00 giờ 21 phút ngày 21/5/2025 – Màn đêm tĩnh lặng tại bệnh viện bỗng dưng bị xé toang bởi một dòng thông báo lạnh lùng hiện trên màn hình điện thoại của các Y-Bác sĩ trong kíp trực: “CODE RED.

Kích hoạt “CODE RED” giữa màn đêm tĩnh lặng

Đây không phải là một tin nhắn thông thường mà là mệnh lệnh khẩn cấp, một tín hiệu báo động được kích hoạt cho toàn bộ ê-kíp, từ phòng mổ đến khu hồi sức tích cực (ICU), từ khoa Xét nghiệm đến khoa Chẩn đoán hình ảnh.

Ngay lập tức, những bóng áo trắng từ khắp các khoa phòng hối hả lao về một hướng duy nhất: khoa Cấp cứu. Họ biết rằng, ở đó, một sinh mệnh đang lịm dần và thời gian đang được tính bằng giây. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút, gần như toàn bộ nguồn lực tinh nhuệ nhất của ca trực đêm đó đã tập trung tại điểm nóng.

Chẩn đoán khẩn cấp: Những tín hiệu nguy hiểm hiện rõ

Trước mắt họ là một nam thanh niên 20 tuổi, nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông. Bác sĩ tiếp nhận cấp cứu ngay lập tức báo cáo nhanh, giọng đanh và gấp gáp: “Bệnh nhân đa chấn thương, lơ mơ, huyết áp tụt sâu chỉ còn 60/40 mmHg (một chỉ số sinh tồn cực kỳ nguy hiểm). Nồng độ oxy trong máu (SpO2) chỉ đạt 82% dù đã được hỗ trợ thở oxy, dấu hiệu của suy hô hấp nghiêm trọng.”

Cùng lúc đó, kết quả siêu âm nhanh (FAST) và X-quang tại giường lóe lên những thông tin đáng sợ: xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng và tràn dịch màng phổi trái. Phim X-quang xác nhận tình trạng dập phổi, gãy hàng loạt xương sườn và gãy xương đòn trái.

Cuộc hợp lực nghẹt thở của cả ê-kíp cấp cứu

Không một giây trì hoãn, một “bản giao hưởng” của y học cấp cứu bắt đầu. Mỗi người một việc, phối hợp nhịp nhàng đến hoàn hảo.

“Đèn, ống, hút!” – tiếng ra lệnh dứt khoát của bác sĩ gây mê vang lên. “Midazolam 1 ống, Fentanyl 1 ống, tiêm mạch!”

Nhận định tình trạng thiếu oxy não có thể gây tổn thương không thể hồi phục, ê-kíp lập tức tiến hành kiểm soát đường thở. Với sự hỗ trợ của điều dưỡng, ống nội khí quản nhanh chóng được bác sĩ gây mê hồi sức đặt thành công, lá phổi của bệnh nhân được thông khí nhân tạo. Song song đó, các bác sĩ ngoại khoa khẩn trương thăm khám, đánh giá toàn diện các vết thương, trong khi, đội ngũ ICU chạy đua bù dịch, truyền dịch để kéo huyết áp bệnh nhân ra khỏi ngưỡng tử thần.

Khi đường thở được kiểm soát, huyết áp bệnh nhân nhích lên được 80/60 mmHg. “Yêu cầu 2 đơn vị hồng cầu lắng và 2 huyết tương tươi đông lạnh, khẩn cấp!” – mệnh lệnh được đưa ra. Mẫu máu đã được đội xét nghiệm lấy từ những phút đầu tiên, giờ đây đang được xử lý với tốc độ cao nhất để chuẩn bị cho cuộc truyền máu sinh tử.

May mắn nhờ thiết kế “vàng” của bệnh viện

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất vẫn còn đó – liệu có nguy cơ chấn thương sọ não không? Khi các chỉ số sinh tồn tạm ổn định, một quyết định khó khăn được thống nhất đưa ra là chụp CT-Scan sọ não ngay lập tức trước khi đưa lên phòng mổ. May mắn thay, với thiết kế khoa học của Bệnh viện Hồng Hưng, khoa Chẩn đoán hình ảnh nằm ngay cạnh khoa Cấp cứu, giúp tiết kiệm từng giây quý giá. Trong khi một nhóm nhân viên y tế đẩy bệnh nhân đi chụp chiếu, bác sĩ Ngoại tổng quát đã gặp và giải thích tình trạng nguy kịch cho người nhà, chuẩn bị cho ca phẫu thuật khẩn cấp. Song song đó, bác sĩ Ngoại thần kinh và bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh cẩn thận cùng nhau xem xét phim CT-Scan sọ não của bệnh nhân để không bỏ sót bất cứ thương tổn nguy hiểm nào.

Phim CT-Scan vừa có kết quả, bệnh nhân ngay lập tức được chuyển thẳng lên phòng mổ. Đúng lúc này, một cuộc gọi từ bác sĩ Ngoại thần kinh mang đến tin tốt: “Tổn thương não ổn định, không có chỉ định phẫu thuật!”, cả ê-kíp thở phào như trút được gánh nặng.

Phẫu thuật giành lại sinh mạng trong gang tấc

Ca mổ can thiệp các chấn thương được bắt đầu. Những đơn vị máu đầu tiên cũng vừa kịp đến và được truyền ngay cho bệnh nhân. Ngay khi mở ổ bụng, các phẫu thuật viên phát hiện lá lách đã bị vỡ nát, là nguồn gốc của tình trạng xuất huyết nghiêm trọng. Ê-kip đã nhanh chóng thực hiện cắt lách, cầm máu thành công.

Sau 1 giờ 45 phút căng thẳng, ca phẫu thuật kết thúc. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, huyết áp ổn định và được rút nội khí quản ngay tại phòng hồi sức sau mổ.

Hồi sinh từ lằn ranh sống chết

Nhìn thấy nụ cười yếu ớt nhưng đầy hy vọng của bệnh nhân và giọt nước mắt hạnh phúc của người nhà, những người thầy thuốc mới thở phào nhẹ nhõm và cũng là lúc dần cảm thấy sự mệt mỏi ập đến. Quy trình “Code Red” đã vận hành hoàn hảo. Chúng tôi không chỉ cứu một mạng người, mà còn khẳng định sức mạnh của sự phối hợp đồng bộ, chính xác và tinh thần chiến đấu vì sự sống đến giây phút cuối cùng. Cuộc chạy đua trong đêm ấy, chúng tôi đã chiến thắng.

Biên soạn bởi: BS.CKI Trần Vũ

Khoa Gây mê hồi sức & Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 6h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7