Bệnh sởi – Những điều cần biết

1. Bệnh sởi là gì?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn nếu chưa từng tiêm phòng. Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt là trong môi trường đông người.

Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài, viêm não, đặc biệt ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng hoặc chưa tiêm chủng.

2. Nguyên nhân gây bệnh

  • Do virus sởi (thuộc họ Paramyxoviridae).
  • Lây truyền chủ yếu qua:
    • Đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện);
    • Tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, mắt của người bệnh;
    • Dễ lây từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban.

3. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh sởi tiến triển qua 3 giai đoạn chính.

Giai đoạn ủ bệnh (7–21 ngày): Không có triệu chứng.

Giai đoạn khởi phát (4–5 ngày):

  • Sốt cao (39–40°C), mệt mỏi;
  • Ho khan, sổ mũi, mắt đỏ (viêm kết mạc);
  • Xuất hiện hạt Koplik trong miệng (dấu hiệu đặc trưng).

Giai đoạn phát ban:

  • Ban đỏ bắt đầu từ sau tai, lan ra mặt, ngực, lưng, rồi toàn thân.
  • Ban sởi là ban dạng dát sần, không ngứa.
  • Sau vài ngày, ban bay theo trình tự xuất hiện và để lại vết thâm.

4. Cách phòng ngừa bệnh sởi

  • Tiêm phòng đầy đủ:
    • Trẻ em cần được tiêm vắc-xin sởi hoặc vắc-xin phối hợp sởi – quai bị – rubella (MMR) theo lịch tiêm chủng quốc gia.
    • Người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm phòng nên tiêm vắc-xin để phòng bệnh.
  • Tăng cường miễn dịch: ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin A (đặc biệt cho trẻ nhỏ).
  • Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường:
    • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người;
    • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
    • Vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn đồ dùng cá nhân.
  • Cách ly người bệnh:
    • Người mắc sởi cần cách ly ít nhất 7 ngày từ khi xuất hiện ban.
    • Tránh để người bệnh tiếp xúc với trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai.

5. Bệnh sởi được điều trị như thế nào?

Điều trị bệnh sởi hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ, chưa có thuốc đặc hiệu kháng virus sởi. Tùy theo mức độ bệnh, có thể điều trị tại nhà hoặc nhập viện nếu có biến chứng.

Đối với trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà.

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh tiếp xúc nơi đông người.
  • Uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng.
  • Giữ vệ sinh mũi họng: nhỏ nước muối sinh lý, giữ sạch mũi miệng.
  • Hạ sốt bằng paracetamol theo chỉ định liều lượng phù hợp (theo cân nặng).
  • Bổ sung vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ Y tế:
    • Trẻ từ 6–11 tháng: uống 100.000 IU, một liều duy nhất.
    • Trẻ từ 12 tháng trở lên: uống 200.000 IU, một liều duy nhất.

Khi nào cần đưa đến cơ sở y tế?

  • Sốt cao kéo dài không hạ sau 3 ngày;
  • Trẻ bỏ bú, nôn ói nhiều, tiêu chảy;
  • Khó thở, thở nhanh, tím tái – có dấu hiệu viêm phổi;
  • Co giật, lơ mơ, ngủ li bì – nghi ngờ biến chứng thần kinh;
  • Mắt đỏ, chảy mủ, lở loét miệng – nguy cơ bội nhiễm.

Khi thấy các dấu hiệu nặng, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời và hạn chế biến chứng.

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam về phòng chống bệnh sởi: https://moh.gov.vn
  2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – Measles Fact Sheet: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles

Biên soạn bởi: CN.ĐD Lê Thị Mỹ Duyên

Điều dưỡng trưởng Khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 6h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7