1. Dị ứng đạm sữa bò là gì? Tại sao cần phát hiện sớm?
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch khi trẻ tiếp xúc với các protein (đạm) có trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa. Đây là một trong những dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ dưới 1 tuổi.
Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, da, hô hấp và tăng trưởng của trẻ. Nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách, dị ứng sữa bò có thể gây suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc thậm chí một số hiếm trường hợp là phản ứng phản vệ – một phản ứng dị ứng nguy hiểm đến tính mạng.
2. Biểu hiện lâm sàng – Làm sao để nhận biết?
-
Dị ứng đạm sữa bò có thể biểu hiện khác nhau tùy theo cơ địa từng bé. Phụ huynh nên nghi ngờ nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng sau khi bú sữa công thức hoặc ăn dặm có sữa:
-
Tiêu hóa: tiêu chảy, có thể kèm nhầy hoặc máu, nôn trớ kéo dài, đầy bụng, kém tăng cân;
-
Da: nổi mề đay, phát ban, khô da, viêm da dị ứng;
-
Hô hấp: khò khè, ho kéo dài, nghẹt mũi;
-
Phản ứng nặng (ít gặp): phù môi, mí mắt, lưỡi; khó thở; tím tái; lơ mơ – đây là dấu hiệu phản vệ cần cấp cứu ngay.
-
- Thời điểm xuất hiện triệu chứng có thể ngay sau khi ăn sữa (vài phút – vài giờ) hoặc sau vài ngày tiếp xúc liên tục.
3. Làm sao để chẩn đoán dị ứng sữa bò?
Việc chẩn đoán không thể chỉ dựa vào triệu chứng. Bác sĩ cần khai thác kỹ bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng và có thể đề nghị làm các xét nghiệm hoặc thử loại bỏ sữa để quan sát.
Các phương pháp chẩn đoán phổ biến:
-
-
Loại trừ và thử lại: Tạm ngưng dùng sữa bò, sau đó, thử lại có kiểm soát. Nếu triệu chứng hết khi ngưng và trở lại khi dùng lại sữa thì có khả năng dị ứng.
-
Xét nghiệm máu tìm kháng thể IgE đặc hiệu (áp dụng cho trường hợp nghi dị ứng do phản ứng miễn dịch nhanh).
-
Lưu ý: Việc tự ý chẩn đoán hoặc loại bỏ sữa mà không có hướng dẫn từ bác sĩ có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.
4. Xử lý và điều trị như thế nào?
Nguyên tắc xử trí chính là loại bỏ hoàn toàn các loại sữa và thực phẩm có chứa đạm sữa bò khỏi chế độ ăn của trẻ và mẹ (nếu trẻ đang bú mẹ hoàn toàn).
-
Trẻ bú mẹ hoàn toàn: Mẹ cần loại bỏ sữa bò và sản phẩm từ sữa khỏi khẩu phần ăn trong 2–4 tuần.
-
Trẻ dùng sữa công thức: Cần chuyển sang loại sữa đặc biệt.
-
Sữa thủy phân hoàn toàn (Extensively Hydrolyzed Formula – eHF);
-
Sữa thủy phân gạo (HRF – Hydrolyzed Rice Formula): là lựa chọn thay thế cho eHF, phù hợp với trẻ không dung nạp đạm sữa bò hoặc có nguy cơ dị ứng cao;
-
Sữa axit amin (Amino Acid Formula – AAF): Trong trường hợp dị ứng nặng hoặc không đáp ứng với eHF.
-
Lưu ý: Tuyệt đối không dùng sữa dê, sữa cừu hoặc sữa đậu nành cho trẻ dưới 6 tháng nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ.
-
Sữa thủy phân một phần (Partially Hydrolyzed Formula – pHF)
-
Là sữa có đạm sữa bò được thủy phân một phần, chuỗi peptid vẫn còn tương đối dài;
-
Không đủ an toàn cho trẻ đã dị ứng đạm sữa bò;
-
Được sử dụng để giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ có yếu tố cơ địa (VD: có người thân bị dị ứng), không dùng để điều trị;
-
Thuộc nhóm sữa phòng ngừa.
-
Sau khi dị ứng ổn định, bác sĩ có thể đánh giá lại định kỳ để xem trẻ đã “hết dị ứng” chưa (thường sau 6–12 tháng loại bỏ hoàn toàn).
5. Làm sao để phòng tránh dị ứng đạm sữa bò?
Dù không thể phòng ngừa tuyệt đối, phụ huynh có thể giảm nguy cơ dị ứng sữa bò cho trẻ bằng các biện pháp sau:
-
-
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời – đây là cách bảo vệ đường tiêu hóa và hệ miễn dịch tốt nhất;
-
Nếu cần dùng sữa công thức ở trẻ có nguy cơ cao dị ứng (gia đình có cơ địa dị ứng), nên dùng sữa thủy phân một phần (Partially Hydrolyzed) dưới sự chỉ định của bác sĩ;
-
Không cho trẻ dùng sữa bò tươi trước 12 tháng tuổi;
-
Khi trẻ đã được chẩn đoán dị ứng, phụ huynh cần đọc kỹ nhãn thực phẩm, vì đạm sữa bò có thể có mặt trong nhiều sản phẩm không ngờ tới như: bánh quy, bơ, kem, phô mai, xúc xích, sữa bột pha chế, thậm chí thuốc bột.
-
6. Lời khuyên dành cho phụ huynh
-
Dị ứng đạm sữa bò không phải là bệnh nan y, phần lớn trẻ sẽ tự hết dị ứng sau 1–3 năm tuổi nếu được chẩn đoán và theo dõi đúng cách.
-
Không tự ý đổi sữa cho trẻ hoặc cho dùng lại sữa cũ khi chưa có chỉ định bác sĩ.
-
Luôn thông báo cho bác sĩ nhi khoa nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau khi dùng sản phẩm chứa sữa. Giữ liên hệ định kỳ với bác sĩ để được kiểm tra lại khả năng dung nạp và tư vấn thay đổi chế độ ăn phù hợp theo độ tuổi.
Tài liệu tham khảo
-
Bộ Y tế Việt Nam, 2014, “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về dị ứng – miễn dịch lâm sàng”, Quyết định số 3942/QĐ-BYT ngày 02/10/2014.
-
Fiocchi A, Brozek J, Schünemann H, et al. “World Allergy Organization (WAO) Diagnosis and Rationale for Action against Cow’s Milk Allergy (DRACMA) Guidelines”. World Allergy Organ J. 2010;3(4):57–161. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3653646.
Biên soạn bởi: BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Tuấn
Bác sĩ Khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng
———————————————————————–
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 6h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7
-
Địa chỉ: 82 Phạm Văn Đồng, Hiệp Long, Thanh Điền, Tây Ninh
-
Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
-
Email: dichvukhachhang@honghunghospital.com.vn
-
Fanpage: