Trầm cảm sau sinh – kẻ thù thầm lặng của sức khỏe tâm thần phụ nữ

Trầm cảm sau sinh là tình trạng cảm xúc bất ổn mà nhiều phụ nữ gặp phải sau khi sinh con, ảnh hưởng khoảng 10–20% phụ nữ sau sinh, tỷ lệ này có thể tăng cao trong các bối cảnh khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Theo CDC (2023), tự tử là nguyên nhân gây tử vong sau sinh đứng hàng thứ hai tại Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, tỷ lệ chính xác chưa được khảo sát toàn diện nhưng các nghiên cứu khu vực cho thấy có sự gia tăng đáng kể.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến phụ nữ sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm đầu sau sinh, với triệu chứng như buồn bã dai dẳng, mất hứng thú, mất ngủ, cáu gắt và cảm giác vô dụng hoặc có ý nghĩ làm hại bản thân hay con.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng có thể liên quan đến sự thay đổi trong cơ thể, cảm xúc và hoàn cảnh sống của người mẹ. Ví dụ, sau sinh, cơ thể mẹ thay đổi lớn về các chất tự nhiên trong cơ thể (như hormone), cộng thêm áp lực từ việc chăm con, thiếu ngủ hoặc lo lắng về trách nhiệm làm mẹ.

Yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Tâm lý: Tiền sử cá nhân bị trầm cảm và lo âu…
  • Các yếu tố nguy cơ sản khoa: Thai kỳ có nguy cơ cao, nhập viện trong khi mang thai và các biến cố chấn thương trong khi sinh;
  • Các yếu tố xã hội: Thiếu sự hỗ trợ xã hội, bạo lực gia đình dưới hình thức bạo hành vợ chồng, hút thuốc và tuổi mẹ còn trẻ trong thời kỳ mang thai;
  • Lối sống : Thói quen ăn uống kém, giảm hoạt động thể chất và tập thể dục…
  • Tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn tâm thần.

Dấu hiệu nhận biết (có ít nhất 5 trong số các dấu hiệu sau, kéo dài ≥ 2 tuần):

  • Tâm trạng chán nản (chủ quan hoặc quan sát được) xuất hiện hầu hết trong ngày.
  • Mất hứng thú hoặc mất khoái cảm hầu hết trong ngày.
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ nhiều).
  • Chậm phát triển tâm thần vận động hoặc kích động.
  • Sự vô giá trị hay tội lỗi.
  • Mất năng lượng hoặc mệt mỏi.
  • Ý định hoặc hành vi tự tử và những suy nghĩ liên tục về cái chết.
  • Giảm khả năng tập trung hoặc thiếu quyết đoán.
  • Thay đổi về cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn (ví dụ, cân nặng thay đổi 5% trong 1 tháng).

Chẩn đoán phân biệt bệnh trầm cảm sau sinh

  • Baby blues: trạng thái buồn nhẹ, dễ xúc động, tự hồi phục sau 1–2 tuần.
  • Cường giáp và suy giáp; rối loạn giấc ngủ; rối loạn sử dụng chất hoặc ngộ độc chất có thể biểu hiện bằng thay đổi tâm trạng.
  • Rối loạn tâm trạng.
  • Rối loạn tâm thần sau sinh: là cấp cứu về tâm thần có nguy cơ tự tử và giết trẻ sơ sinh.

Để phát hiện trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể sử dụng bảng câu hỏi đơn giản để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của cảm xúc. Nếu bạn có nhiều dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đánh giá thêm để hỗ trợ kịp thời.

Cách điều trị và tác động nếu không điều trị

Điều trị trầm cảm sau sinh tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người

  • Trò chuyện với chuyên gia tâm lý để giải tỏa cảm xúc, phù hợp với trường hợp nhẹ đến trung bình.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cân bằng cảm xúc.
  • Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể dùng các phương pháp đặc biệt để hỗ trợ nhanh chóng.

Tác động nếu không điều trị

  • Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến cha mẹ và trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến rối loạn trầm cảm mạn tính nếu không được điều trị. Ngay cả khi được điều trị, trầm cảm sau sinh vẫn có thể là nguy cơ gây ra các đợt trầm cảm nặng trong tương lai.
  • Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, nguy cơ tự tử cao. Người chung sống cùng người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao.
  • Trẻ em của cha mẹ bị trầm cảm: chậm phát triển ngôn ngữ, thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, khó ăn, khóc quá nhiều và rối loạn thiếu chú ý/tăng động.

Do đó, không khuyến nghị việc ngừng hoặc tạm dừng thuốc điều trị tâm thần chỉ vì tình trạng mang thai. 

Cách thức phòng ngừa trầm cảm sau sinh

  • Nhận diện nhóm nguy cơ cao, giáo dục gia đình, thúc đẩy hỗ trợ xã hội, nuôi con bằng sữa mẹ, lớp học làm cha mẹ để giảm kỳ thị và can thiệp sớm.
  • Vận động thể chất: Hoạt động vừa phải ít nhất 80 phút/tuần, nhất là trong 12 tuần đầu sau sinh, có thể giảm 45% nguy cơ trầm cảm sau sinh.
  • Chia sẻ gánh nặng tâm lý: Giảm gánh nặng tinh thần, san sẻ trách nhiệm gia đình, xây dựng hệ thống hỗ trợ — rất cần thiết.

Tài liệu tham khảo

  1. American College of Obstetricians and Gynecologists. Clinical Practice Guideline No. 5: Screening and Diagnosis of Mental Health Conditions During Pregnancy and Postpartum. Obstet Gynecol. 2023;141(6):1262-1288. Doi:10.1097/AOG.0000000000005200.
  2. Brown WJ, Hayman M, Haakstad LAH, et al. Exercise interventions to prevent postnatal depression: a systematic review and meta-analysis. Br J Sports Med. 2025;59(3):147-155. Doi:10.1136/bjsports-2024-108261.
  3. Centers for Disease Control and Prevention. Maternal Mortality Rates in the United States, 2023. Published 2023. Accessed July 3, 2025. https://www.cdc.gov/nchs/data/hestat/maternal-mortality/2023/maternal-mortality-rates-2023.htm.
  4. Deprato A, Ruchat SM Impact of postpartum physical activity on maternal depression and anxiety: a systematic review and meta-analysis. Br J Sports Med 2025 Mar 31;59(8):550-561. Doi: 10.1136/bjsports-2024-108478.
  5. National Institute of Mental Health. Perinatal Depression. Published 2023. Accessed July 3, 2025. https://www.nimh.nih.gov/health/publications/perinatal-depression.
  6. S. Food and Drug Administration. FDA Approves First Oral Treatment for Postpartum Depression. Published August 4, 2023. Accessed July 3, 2025. https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-approves-first-oral-treatment-postpartum-depression.

Biên soạn bởi: BS. Võ Hoàng Thị Lan Hương,

Bác sĩ Khoa Sản sanh, BVĐK Hồng Hưng

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 6h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7