Liên tục trong 2 tuần liền, Chuyên khoa Tai Mũi Họng – BVĐK Hồng Hưng có tới 9 ca dị vật mũi nguy hiểm ở trẻ.
Tiêu biểu, Bệnh viện tiếp nhận trường hợp bé K. – 5 tuổi, lấy miếng cau khô của bà ăn trầu, nhét vào mũi nhưng gia đình không hay biết. Đến khi bé xuất hiện triệu chứng đau rát, khó thở, gia đình đưa bé đến thăm khám thì dị vật đã ăn rất sâu trong mũi, máu bầm, dịch nhầy bám xung quanh nhiều, gây đau đớn và có mùi hôi thối khó chịu cho bé.
Sau thăm khám, bác sĩ đã cho bé dùng thuốc chống viêm giảm đau, rửa mũi bằng nước muối. Sau 5 ngày giảm sưng, bé quay trở lại để Bác sĩ tiến hành gắp dị vật ra. Bố mẹ bé K. mừng vui khôn xiết và không ngớt lời cảm ơn các y bác sĩ tại Bệnh viện, bởi trước đó, họ đã rất suy sụp tinh thần vì không hề biết trong mũi con có dị vật, cứ nghĩ con đang bị bệnh gì đó rất nặng và đã kéo dài hơn 2 tháng điều trị mà không rõ nguyên nhân.
Dị vật xuất hiện trong mũi trẻ vì nhiều lý do nhưng hầu hết đều là hành động chủ ý do sự tò mò của trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo. Điều quan trọng là các phụ huynh không nên la mắng khi phát hiện trẻ có hành động cho vật lạ vào miệng, mũi hay tai vì trẻ có thể sẽ lo sợ mà không thông báo vấn đề đang gặp phải, điều này làm cho việc phát hiện ra dị vật chậm trễ hơn.
Vật thể lạ bị mắc kẹt trong mũi có khi không gây triệu chứng khác thường lúc đầu nhưng vẫn cần được phát hiện và lấy ra càng sớm càng tốt. Nếu lưu lại lâu trong mũi, dị vật có thể gây nhiễm trùng tại chỗ và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, dị vật có thể sẽ dần đi xuống miệng và trẻ sẽ nuốt vào dạ dày hoặc dị vật có thể rơi vào phổi và gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Những dị vật thường gặp ở mũi bao gồm:
- Loại vô cơ – bằng nhựa hay kim loại (ít kích thích, lâu phát hiện): hột bẹt, miếng ni lông, mẩu đồ chơi nhỏ…
- Loại hữu cơ (thường kích thích, phát hiện sớm): đồ ăn, miếng xốp, mẩu gỗ, khăn giấy, các loại hạt, đất sét, đá cuội, thuốc viên…
- Loại đặc biệt như các loại pin nút áo: pin đồng hồ, pin máy trợ thính…
Trong đó, pin nút áo (thường có trong đồng hồ hay các đồ chơi điện tử nhỏ) là vật cần được để xa tầm tay trẻ em. Các viên pin này có thể gây ra thương tổn nghiêm trọng cho mũi khi nằm trong mũi ít nhất 4 giờ.
Theo lời khuyên từ Bs. Nguyễn Minh Tuyến – bác sĩ trực tiếp thăm khám tại Phòng khám Chuyên khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện:
- Phụ huynh hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ bé có dị vật trong mũi
- Không nên cố lấy dị vật trong mũi bé ra ngoài bằng tăm bông hay các dụng cụ không chuyên dụng khác, vì có thể làm rơi dị vật từ mũi xuống họng và vào đường thở rất nguy hiểm.
- Không nên bảo bé cố hít vào thật mạnh khi có dị vật bên trong mũi.
- Các y bác sĩ sẽ lấy dị vật ở mũi bé bằng các dụng cụ chuyên dụng qua thăm khám bằng đèn clar hoặc nội soi mũi với sự trợ giúp của các phụ tá. Nếu có chảy máu hoặc loét vách ngăn, cuốn mũi sau khi lấy dị vật (do dị vật ăn mòn như pin nút áo…), các bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, cầm máu… không nên tự dùng thuốc tại nhà.
Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như hướng dẫn thăm khám chi tiết, mời Quý bà con:
• Gọi vào Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.
• Đăng ký lịch thăm khám qua ứng dụng “BV Hồng Hưng – Đăng ký Khám bệnh” trên CH Play (Android) hoặc trên App Store (iOS)
————————-
CHUYÊN KHOA TAI MŨI HỌNG (trực thuộc khoa Liên chuyên khoa)
- Khám ngoại trú: Khu khám Bạch kim – Tầng 2, khu B
- Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
- Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
- Email: dichvukhachhang@honghunghospital.com.vn
- Fanpage: Hong Hung Hospital