Những nhận định sai lầm về các công tác khám, sàng lọc trước sinh

Khi nhắc đến sàng lọc trước sinh thì gần như Double test và Triple test được biết đến như là hai loại xét nghiệm phổ biến và vô cùng quan trọng trong quá trình mang thai của các mẹ bầu. Hai loại xét nghiệm này có nhiều điểm khá tương đồng:

  • Về mục đích là sàng lọc nguy cơ xuất hiện các dị tật ở thai nhi
  • Về kết quả, cả hai đều không mang tính khẳng định mà chỉ cho thấy các yếu tố nguy cơ mắc dị tật là cao hay thấp, không có nghĩa là thai nhi chắc chắn sẽ mắc dị tật
  • Khi kết quả xét nghiệm là dương tính (nguy cơ cao) thì các bác sĩ sản khoa sẽ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm chọc ối hoặc sinh thiết nhau thai để chẩn đoán chính xác thai nhi có mắc bệnh hay không?

Trong khi đó, về thời gian thực hiện thì Double test được thực hiện sớm hơn vào mốc 11 – 13 tuần 6 ngày (lý tưởng nhất là 12 tuần) trong khi Triple test thì đến mốc 16 đến 20 tuần 6 ngày mới thực hiện. Vì thế, đã có rất nhiều mẹ bầu vì chưa hiểu rõ & thật sự chính xác về 2 loại xét nghiệm này mà nảy sinh nhiều quan điểm sai lầm như:

  • Kết quả đo độ mờ da gáy bình thường (< 3mm) thì cần gì phải làm Double test?
  • Tôi thấy Double test không cần thiết, đợi đến tuần thai 15-22 để làm Triple test luôn một lần cũng được.
  • Nghe nói Triple test tốt hơn Double test, nên tôi muốn làm Triple test do không có điều kiện kinh tế để làm cả hai loại.
  • Tôi thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, cho tôi được chọc ối ngay từ đầu luôn nha bác sĩ, khỏi làm 2 loại xét nghiệm Double test và Triple test, vì khi làm xong, cho kết quả dương tính thì cũng phải chọc ối thôi.

Hãy cùng BVĐK Hồng Hưng “đính chính” những nhầm lẫn trên để có những quyết định phù hợp cũng như những lựa chọn an toàn và hiệu quả cho sự phát triển thai kỳ, bạn nhé!

1. Kết quả đo độ mờ da gáy bình thường (< 3mm) thì không cần phải làm Double test?

Đây là nhận định chưa đúng.

Double test là loại xét nghiệm sàng lọc trước sinh được dùng cho các mẹ bầu và được khuyến cáo nên thực hiện khi thai nhi được 11 – 13 tuần 6 ngày (tương ứng chiều dài đầu mông thai nhi từ 45 – 84mm), tốt nhất vào tuần thai thứ 12.

Kết quả Double test cùng với đo độ mờ da gáy sẽ giúp xác định sự bất thường trong quá trình phát triển nhiễm sắc thể của thai nhi, giúp cảnh báo nguy cơ trẻ có thể bị mắc một số rối loạn di truyền liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể tam bội như:

  • Hội chứng Down (Trisomy 21)
  • Hội chứng Edwards (Trisomy 18)
  • Hội chứng Patau (Trisomy 13)

Vì thế, nếu khoảng sáng sau gáy bình thường thì vẫn được khuyến khích làm Double test, (Thực tế, nhiều trẻ sinh ra bị mắc hội chứng Down mà khoảng sáng sau gáy hoàn toàn bình thường). Còn nếu khoảng sáng sau gáy > 3,5 mm thì các sản phụ sẽ không cần làm Double test nữa mà lúc này sẽ phải thực hiện chọc ối (có xâm lấn) hoặc xét nghiệm NIPT (không xâm lấn) nhằm xét nghiệm ADN của thai nhi trong mẫu máu người mẹ hoặc nước ối để chẩn đoán dị tật bẩm sinh, độ chính xác có thể lên tới 99,9%.

2. Double test là xét nghiệm không cần thiết, có thể đợi đến tuần thai 15-22 để làm Triple test luôn cho tiết kiệm

Đây là nhận định chưa đúng.

Dù rằng, đối với nhiều sản phụ, nếu do vô tình quên hoặc bận việc cá nhân, những khó khăn khác mà lỡ mất việc khám thai định kỳ cũng như làm chưa xét nghiệm Double test trong 3 tháng đầu, thì vẫn có thể làm Triple test ở giai đoạn 3 tháng giữa (khi 16 – 20 tuần 6 ngày). Tuy nhiên, về cơ bản Double test & Triple test là 2 loại xét nghiệm khác nhau và có những ưu điểm nổi bật của riêng mình.

Nhìn chung, 2 loại xét nghiệm này đều có thể giúp các bác sĩ xác định nguy cơ thai nhi mắc phải những hội chứng liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down (thừa NST 21), hội chứng Edwards (Trisomy 18/ thừa NST 18). Tuy nhiên, Double test có thể phát hiện thêm hội chứng Patau (Trisomy 13/ thừa NST 13), trong khi Triple test có thể tìm ra nguy cơ dị tật ống thần kinh. Vì thế, nếu có điều kiện và nhằm giúp các công tác sàng lọc trước sinh đạt được hiệu quả tối ưu nhất, các sản phụ nên thực hiện cả 2 loại xét nghiệm này nhé.

3. Tôi không có điều kiện, nên chắc chỉ thực hiện Triple test thôi, do Triple test tốt hơn Double test

Đây là nhận định chưa đúng.

Rất nhiều mẹ bầu hiểu chưa đúng về vấn đề này. Nhiều mẹ bầu được tư vấn rằng 12 tuần siêu âm bình thường thì không làm Double test Hoặc nếu trễ/ bỏ lỡ lịch làm Double test thì đợi đến 16 tuần làm Triple test một lần luôn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các kết quả từ Triple test có thể bao phủ Double test, hay hiểu dân dã hơn – “Triple” là ba, “Double” là hai nên nếu chỉ chọn một cái thì nên chọn cái tốt hơn là Triple test.

Dù mỗi loại xét nghiệm đều có các lợi thế riêng, tuy nhiên, nếu không có điều kiện làm cả hai và được chủ động chọn 1 trong 2 thì bạn nên làm xét nghiệm Double test vì:

  • Khả năng xác định nguy cơ của các hội chứng Down (Trisomy 21), hội chứng Edwards (Trisomy 18) trong Double test nếu được kết hợp cùng độ mờ da gáy trong siêu âm thì có thể nên tới 90%, cao hơn so với Triple test.
  • Trong khi nguy cơ dị tật ống thần kinh có thể phát hiện được bằng siêu âm, thì nguy cơ mắc phải hội chứng Patau (Trisomy 13) lại khó phát hiện hơn.

4. Thay vì sau khi các xét nghiệm Double test và Triple test cho kết quả nguy cơ cao, tôi vẫn phải thực hiện chọc ối để chẩn đoán, Tôi có thể chọc ối từ đầu mà không phải làm 2 loại xét nghiệm trên phải không?

Trên nguyên lý chung thì được nhưng theo đánh giá chuyên môn từ các bác sĩ Sản khoa thì KHÔNG NÊN làm như thế.

Việc chọc ối là một xét nghiệm trước sinh giúp bác sĩ thu thập những thông tin cần thiết về sức khỏe của thai nhi từ một mẫu nước ối của người mẹ để xác định nguy cơ mắc phải những rối loạn di truyền nhất định hoặc bất thường nhiễm sắc thể hay không ở thai nhi. Mặc dù, cơ thể thai phụ sẽ ngay lập tức tái tạo lại lượng nước ối được lấy ra và bé sẽ không bị tình trạng thiếu ối sau khi thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, đây là 1 kỹ thuật xâm lấn nên trong một số trường hợp sẽ gây cảm giác hơi đau nhói lúc chọc ối và có cảm giác hơi khó chịu ở vùng bụng sau đó vài giờ. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống và dặn thai phụ nên nghỉ ngơi vào ngày chọc ối. Ngày hôm sau, tình trạng đau bụng thường sẽ giảm.

Bên cạnh đó, chọc ối cũng có một số rủi ro nhất định về khả năng gây tai biến, bao gồm thai lưu, sảy thai, vỡ ối, nhiễm trùng. Theo các nghiên cứu gần đây, nguy cơ xảy ra sảy thai khi chọc ối là 1/500 (có nghĩa là cứ 500 sản phụ thực hiện chọc ối sẽ có 1 người bị sảy thai ngoài ý muốn). Nên thông thường, các sản phụ vẫn nên làm xét nghiệm sàng lọc trước sau đó dựa trên kết quả để quyết định có nên chọc ối hay không để giảm thiểu tối đa những tác động xâm lấn tới thai nhi.

Tuy nhiên, theo nhu cầu ban đầu từ bạn, nếu có điều kiện, mình có thể thực hiện xét nghiệm NIPT – Phương pháp sàng lọc trước sinh an toàn với độ chính xác cao. Đây là xét nghiệm không xâm lấn, dựa trên xét nghiệm ADN của thai nhi trong máu mẹ. Đây được xem là một trong những phương pháp sàng lọc trước sinh an toàn và đem lại độ chính xác cao, giúp phát hiện những bất thường về số lượng và cấu trúc NST của thai nhi trong thai kỳ.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là:

  • Độ an toàn cao, không xâm phạm thai, làm giảm tỷ lệ các thai phụ được chỉ định chọc ối không cần thiết.
  • Hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với các phương pháp truyền thống khác như chọc ối hoặc sinh thiết nhau thai.
  • Có thể thực hiện sớm từ tuần thứ 9 thai kỳ trở đi

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.

BVĐK Hồng Hưng hân hạnh được phục vụ!

————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Khu khám Sản – Phụ khoa: Tầng 2, khu A, bên trong BVĐK Hồng Hưng

Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00